Cải thiện năng suất lao động quốc gia: Gỡ 4 nút thắt, thực hiện 6 nhóm nhiệm vụ trọng tâm
Kinh tế - Ngày đăng : 14:39, 07/08/2019
Tham dự hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; đại diện các bộ, ngành, các tổ chức quốc tế và doanh nghiệp.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, thời gian qua, năng suất lao động của Việt Nam tiếp tục cải thiện đáng kể theo hướng tăng đều qua các năm và là quốc gia có tốc độ tăng năng suất lao động cao trong khu vực ASEAN.
Với mức tăng trưởng kinh tế năm 2018 đạt 7,08%, năng suất lao động toàn nền kinh tế năm 2018 ước tính đạt 102,2 triệu đồng/lao động, tương đương 4.521 USD/lao động (theo giá hiện hành); năng suất lao động tăng 6% so với năm 2017.
Nếu như năm 2011, năng suất lao động của Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia lần lượt cao hơn năng suất lao động của Việt Nam là: 17,6 lần; 6,3 lần; 2,9 lần; và 2,4 lần thì đến năm 2018 khoảng cách này giảm xuống tương ứng còn: 13,7 lần; 5,3 lần; 2,7 lần; và 2,2 lần.
Tham gia “hiến kế” nhằm cải thiện năng suất lao động, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê đề xuất sớm thành lập Ủy ban Năng suất quốc gia và phát động phong trào tăng năng suất lao động trong tất cả các khu vực của nền kinh tế.
Còn ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đề nghị tiếp tục thúc đẩy cơ cấu nền kinh tế, chuyển dịch từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ và chính sách phát triển tốt nhất là thúc đẩy phát triển doanh nghiệp. Trong đó, cần cải thiện năng suất kinh tế hộ gia đình vì nhóm này chiếm 30% GDP và 9 triệu lao động.
Ông Đào Hữu Huyền, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần tập đoàn Hóa chất Đức Giang lại cho rằng, để tăng năng suất lao động quốc gia, cần tìm ra những doanh nghiệp “sếu” đầu đàn để tạo điều kiện phát triển.
GS.TS Raymond Gordon, Hiệu trưởng Trường British University Việt Nam (BUV) - Đại học Anh quốc Việt Nam đề xuất Chính phủ Việt Nam tiếp tục nghiên cứu và thi hành các chính sách thuận lợi cho phát triển giáo dục, đầu tư giáo dục tại Việt Nam, hỗ trợ các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực giáo dục quốc tế đầu tư và phát triển tại Việt Nam.
Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, năng suất tính theo công thức hiện nay của Việt Nam thấp không có nghĩa là người lao động Việt Nam không chuyên cần bằng nước khác, không có nghĩa là cùng làm một việc mà người Việt Nam đạt thấp hơn. Hiện nay, những ngành mà các nước hạn chế nhập khẩu của Việt Nam thì Việt Nam cạnh tranh rất tốt. Vì vậy, cần có sự phân tích để hiểu rõ năng lực của người lao động, hiểu rõ vì sao năng suất lao động Việt Nam thấp so với các nước ASEAN và tìm cách khắc phục.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, mặc dù năng suất lao động của Việt Nam hiện nay thấp hơn các nước do xuất phát điểm thấp nhưng có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn và xu hướng phát triển về năng suất lao động.
Ví dụ như tốc độ tăng năng suất lao động bình quân giai đoạn 2016-2018 tăng 5,77%/năm, cao hơn mức tăng bình quân 4,35%/năm của giai đoạn 2011-2015; tính chung giai đoạn 2011-2018, năng suất lao động tăng bình quân 4,88%/năm. Tất cả các mức tăng trưởng này năm sau cao hơn năm trước và cao hơn nhiều so với các nước ASEAN cũng như nhiều nước trên thế giới.
Thủ tướng cho rằng: "Nếu chúng ta có thể tăng năng suất lao động lên gấp đôi thì theo đó khoảng cách về thu nhập, mức sống của Việt Nam so với các nước sẽ rút ngắn hơn nữa. Nhiệm vụ này không phải không khả thi nếu chúng ta so sánh tốc độ tăng trưởng kinh tế cũng như tăng trưởng năng suất lao động của Việt Nam với các nước trong những năm qua".
Thủ tướng Chính phủ đã nêu ra 4 nút thắt là điểm nghẽn khiến cho năng suất nói chung và năng suất lao động của Việt Nam chưa thể phát triển. Trước tiên là điểm nghẽn về thể chế kinh tế. Thứ hai là trình độ, kỹ năng nguồn nhân lực còn thấp, nhất là các kỹ năng nhân lực mới trong nền công nghiệp 4.0. Thứ ba là các nút thắt về cơ sở hạ tầng, đất đai. Thứ tư là nền tảng về khoa học công nghệ cao chưa cao, động cơ sáng tạo còn thiếu và yếu, các cơ quan tổ chức ở cả khu vực công và tư thiếu đổi mới.
Thủ tướng Chính phủ đã nêu 6 định hướng lớn thúc đẩy tăng năng suất lao động. Đặc biệt là đề ra 6 nhóm nhiệm vụ trọng tâm để cải thiện năng suất lao động của Việt Nam.
Thứ nhất là thúc đẩy cải cách mạnh mẽ hơn nữa nền tảng về thể chế để mọi nguồn lực trong đó có nguồn nhân lực được huy động một cách hiệu quả nhất.
Thứ hai là tập trung cải thiện tính hiệu quả của thị trường lao động cả ở phía cung (người lao động) và phía cầu (doanh nghiệp) bảo đảm mọi người dân và doanh nghiệp có thể tham gia vào thị trường lao động với một chi phí giao dịch thấp nhất, tìm được việc làm theo nguyện vọng, qua đó phát huy tối đa năng lực và nhu cầu của mình.
Thứ ba là thiết lập cơ chế khuyến khích đủ mạnh để thu hút những người tài năng, các chuyên gia giỏi, các nhà quản lý xuất sắc đến với Việt Nam, các tài năng đang ở nước ngoài, trong đó có du học sinh ở Việt Nam.
Thứ tư là xây dựng cơ chế cán bộ mở trong cơ quan nhà nước để thu hút người giỏi vào bộ máy nhà nước; đồng thời, tạo dựng môi trường với cơ chế cạnh tranh thúc đẩy người tài năng.
Thứ năm là nâng cao chất lượng hệ thống giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Thứ sáu là trang bị vốn và công nghệ mới để phát huy được năng lực. Đầu tư vào ứng dụng khoa học công nghệ cũng là một chính sách đặc biệt ưu tiên của Chính phủ. Hai chiến lược đào tạo kỹ năng chuyên môn cho người lao động và đầu tư công nghệ cần được tương thích với nhau để bảo đảm hiệu quả tốt nhất.
Kết thúc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ đã phát động phong trào tăng năng suất lao động quốc gia.