Chuyển đổi số quốc gia mang lại nhiều lợi ích cho tổ chức, doanh nghiệp
Xe++ - Ngày đăng : 13:30, 08/08/2019
Cơ hội cho các doanh nghiệp công nghệ số
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ, hạt nhân của quá trình chuyển đổi số là các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam - các doanh nghiệp công nghệ thông tin - truyền thông (ICT) Việt Nam.
Bộ trưởng khẳng định: Chúng ta phải phát triển thêm 50.000 doanh nghiệp ICT tại khắp các tỉnh, thành phố để đẩy nhanh chuyển đổi số Việt Nam. Chúng ta sẽ tập trung phát triển 4 loại doanh nghiệp công nghệ số:
Một là, doanh nghiệp công nghệ lớn, làm chủ nghiên cứu phát triển các công nghệ cốt lõi và đầu tư hạ tầng ICT.
Hai là, doanh nghiệp công nghệ đang chủ yếu làm gia công sẽ chuyển sang làm sản phẩm, tập trung làm các platforms (nền tảng) chuyển đổi số.
Ba là, doanh nghiệp công nghệ mới khởi nghiệp, làm tư vấn công nghệ, chuyển giao công nghệ, mang công nghệ số áp dụng vào mọi lĩnh vực kinh tế, xã hội.
Bốn là, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, phát triển các công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới đột phá.
Làm rõ hơn, ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Tin học hóa thuộc Bộ TT-TT cho biết, trong năm nay, Bộ đang xây dựng để trình Chính phủ ban hành Chiến lược về chuyển đổi số quốc gia, nhằm tiến tới một nền kinh tế số, xã hội số. Trong đó đặt mục tiêu Việt Nam có thứ hạng cao trên thế giới, nằm trong top 50 vào năm 2025 và top 30 vào năm 2030. Chiến lược nhấn mạnh 5 yếu tố nền tảng là: Hoàn thiện thể chế, xây dựng môi trường pháp lý; hạ tầng, an ninh mạng, platforms và đào tạo.
Tại diễn đàn, trước sự chứng kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cùng lãnh đạo các bộ, ngành, Liên minh Chuyển đổi số quốc gia, gồm 8 doanh nghiệp (Viettel, VNPT, Misa, FPT, CMC, MobiFone, BKAV, Hài Hòa) đã ra mắt. Liên minh ra đời thể hiện sự cam kết về đầu tư hạ tầng và Platforms chuyển đổi số.
Chủ tịch Liên minh Lê Đăng Dũng (Quyền Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội) đưa ra 7 cam kết về: Đóng góp để hoàn thiện thể chế và hành lang pháp lý cho chuyển đổi số quốc gia; phát triển hạ tầng số; tăng cường phát triển và ứng dụng các công nghệ mới; chủ động, tích cực tham gia hoàn thiện chính phủ điện tử trong thời gian sớm nhất; nhanh chóng cung cấp cho người dân các hệ sinh thái dịch vụ số; bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng; đào tạo và thu hút nguồn lực ICT.
Phát biểu kết luận, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã hoan nghênh Bộ TT-TT chủ trì phối hợp với VINASA cùng các đơn vị tổ chức diễn đàn này. Nhấn mạnh về việc đẩy mạnh quá trình Chuyển đổi số, Phó Thủ tướng nêu rõ phải có khát vọng kèm ý chí và quan trọng hơn là thực hiện sáng tạo đột phá khỏi tư duy, thói quen từ trước.
"Cốt lõi của chuyển đổi số là ứng dụng công nghệ thông tin tạo ra giá trị gia tăng, hiệu quả, cơ hội lớn hơn cho các tổ chức, doanh nghiệp" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh, đồng thời yêu cầu các bộ, ngành liên quan cần chú trọng các giải pháp đồng bộ cụ thể.
Diễn đàn cấp cao Công nghệ thông tin - truyền thông Việt Nam 2019 có sự tham dự của hơn 700 đại biểu. Diễn đàn diễn ra trong cả ngày 8-8, trong đó buổi sáng gồm phiên khai mạc, có các tọa đàm; buổi chiều có 2 chuyên đề thảo luận với các nội dung: Chuyển đổi số cho các cơ quan nhà nước; chuyển đổi số cho doanh nghiệp.