Phòng bệnh cho trẻ mùa tựu trường như thế nào?
Sức khỏe - Ngày đăng : 13:39, 08/08/2019
Những bệnh trẻ dễ mắc
Theo bác sĩ Bùi Thu Phương, Khoa Nhi, Bệnh viện trung ương Quân đội 108, vào mùa học sinh tựu trường, không khí có độ ẩm cao, là điều kiện cho các sinh vật và mầm bệnh phát triển. Cơ thể trẻ em thường có hệ miễn dịch chưa hoàn thiện bằng người lớn nên dễ bị nhiễm bệnh.
Trong những ngày đầu năm học mới, cộng với những biến chuyển của khí hậu, trẻ dễ bị mắc một số bệnh như: Viêm đường hô hấp cấp (viêm hô hấp trên và hô hấp dưới, viêm phổi, viêm phế quản, viêm thanh khí phế quản cấp), sốt virus (trong đó có sốt xuất huyết), nhiễm trùng đường ruột...
Tùy từng bệnh nhiễm phải mà trẻ có thể biểu hiện lâm sàng khác nhau. Chẳng hạn, bệnh sốt virus thường sốt thành cơn, có thể kèm theo đau đầu, đau mỏi cơ khớp, mệt mỏi.
Nếu trẻ bị sốt xuất huyết, triệu chứng lâm sàng có thể gặp là đau đầu lan ra hai bên hốc mắt, có thể đi kèm với xuất huyết tại các cơ quan khác như chảy máu cam, chảy máu chân răng, xuất huyết ngoài da hoặc xuất huyết tiêu hóa.
Với bệnh viêm đường hô hấp cấp, trẻ có thể sốt kèm theo chảy nước mũi trong (chú ý là khi trẻ bị bội nhiễm vi khuẩn, dịch mũi thường có màu vàng hoặc xanh), chảy nước mắt, hắt hơi, húng hắng ho.
Nếu trẻ bị nhiễm bệnh tại đường hô hấp dưới (phổi và phế quản), lâm sàng nặng hơn, ngoài sốt cao liên tục, trẻ mệt nhiều, ho tăng lên liên tục, có thể khó thở hoặc cảm giác tức, nặng ngực...
Trẻ bị nhiễm trùng đường ruột thường đau bụng và buồn nôn, kèm theo đi ngoài phân lỏng, sốt. Nếu trẻ nhiễm phải phẩy khuẩn tả, đặc điểm lâm sàng nổi bật là trẻ đi ngoài, mệt mỏi nhiều do mất nước và điện giải.
“Khi trẻ mắc bệnh, nếu thể trạng không tốt hoặc trẻ mắc phải thể bệnh nặng thì rất nguy hiểm như: Sốt virus cúm A có thể bị biến chứng viêm phổi nặng, dẫn đến suy hô hấp cấp tiến triển; sốt xuất huyết có thể xuất huyết não, bệnh nhi hôn mê nặng có thể tử vong; nhiễm trùng đường ruột, nếu tình trạng mất nước kéo dài không được bồi phụ kịp thời, có thể gây sốc giảm thể tích”, bác sĩ Bùi Thu Phương cảnh báo.
Cách phòng bệnh
Để phòng bệnh, theo chuyên gia này, trẻ cần được chuẩn bị tốt tâm lý và sức khỏe cho năm học mới. Trước hết, phụ huynh cần lưu ý đến chế độ ăn uống và sinh hoạt điều độ để nâng cao sức đề kháng tự nhiên cho trẻ. Gia đình nên chế biến bữa ăn bảo đảm cung cấp đầy đủ các dưỡng chất cần thiết, cân đối theo tháp dinh dưỡng, trong đó có các nhóm chất glucid, protid, lipid, các vitamin.
Trẻ cũng nên được biết về vai trò của bữa ăn đối với sức khỏe thông qua việc học tập tại trường, kết hợp với những giảng giải của cha mẹ. Như vậy, tự trẻ sẽ ý thức được vai trò của những bữa ăn đầy đủ dưỡng chất với trẻ.
Tình trạng ăn quà vặt ở cổng trường trước và sau giờ học còn khá phổ biến với học sinh, bởi sự sẵn có và hấp dẫn. Nhưng đó cũng là một trong những căn nguyên gây bệnh về tiêu hóa cho nhiều học sinh.
“Vì vậy, các bậc phụ huynh nên nhắc trẻ về vấn đề này để trẻ hiểu và hạn chế sử dụng các loại thức ăn không rõ chất lượng và nguồn gốc”, bác sĩ Bùi Thu Phương khuyến cáo.
Cha mẹ cũng cần bảo đảm cho trẻ có chế độ học tập và sinh hoạt hài hòa, tránh thức khuya, ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Nên khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động thể dục, thể thao ngoài giờ học như: Cầu lông, bóng bàn, đá bóng..., vừa giảm căng thẳng trong học tập, vừa nâng cao thể trạng cho trẻ cả về chiều cao, cân nặng cũng như sức đề kháng.
Trang phục và đồ dùng mang theo khi trẻ đi học cũng nên được quan tâm. Tùy điều kiện thời tiết khác nhau mà trẻ nên ăn mặc sao cho vừa đẹp, vừa bảo đảm sức khỏe. Trong hành trang đi học của trẻ nên luôn có mũ, áo mưa hoặc ô, đề phòng thời tiết mưa nắng thất thường.
Trẻ còn cần được quan tâm đến cả chế độ chăm sóc vệ sinh thân thể, răng miệng để phòng tránh mắc các bệnh về da liễu, sâu răng.
Cùng với đó, trẻ cần được tiêm vắc-xin đầy đủ theo đúng lịch. Hiện đang là mùa cao điểm của bệnh sốt xuất huyết. Vì vậy, việc chú trọng phòng bệnh này như ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt; diệt lăng quăng, bọ gậy... cũng rất quan trọng.