Từ “lời nhắc” của nghệ thuật
Văn hóa - Ngày đăng : 15:19, 08/08/2019
So với một triển lãm sắp đặt khác được tổ chức trước đó, cũng tại Hà Nội - về vấn đề rác thải nhựa và mối nguy hại lâu dài đối với môi trường, Xả rác ít thôi! thoạt đầu gây cảm giác về một chủ đề lặp lại, nhàm chán. Tuy nhiên, một khi đã bước vào không gian triển lãm và thực sự “giao tiếp” với những gì được bày ở đó, đặc biệt là tác phẩm Cơn sóng rác với bức “thảm” nhựa treo trên trần không gian triển lãm được tạo bởi vô số hộp xốp, ống hút, chai nhựa..., người xem khó thoát khỏi ý nghĩ tự thúc đẩy mình phải làm điều gì đó để “tấm thảm rác” không đổ ụp xuống đầu.
Nhưng thủ pháp treo Cơn sóng rác ngay trên đầu khách tham quan nhằm tạo cảm giác về một mối nguy hiểm thường trực có lẽ không gây ấn tượng bằng thông điệp truyền đi ngay từ tên gọi triển lãm. Với Xả rác ít thôi!, phía sau thông điệp trực tiếp là lời nhắc về một vấn đề đáng được quan tâm hàng đầu trong các giải pháp nhằm giảm thiểu tác hại từ rác thải. Tại sao, lâu nay, hễ nói tới rác thì điều được nghĩ tới đầu tiên thường là giải pháp ngăn chặn hệ lụy từ đó thay vì câu hỏi phải làm sao để lượng rác thải hằng ngày ít đi?
Tạo ra rác và tìm cách xử lý rác thải là hai vấn đề khác nhau nhưng có mối liên hệ chặt chẽ. Rác thải ít đi tức là phần việc xử lý đỡ nặng nhọc hơn; lượng rác thải nhựa giảm có nghĩa mối nguy hiểm đối với sức khỏe và môi trường bớt nặng nề. Nếu con người luôn suy nghĩ về sự sống với xuất phát điểm coi việc tạo ra nhiều rác là đương nhiên, mối quan tâm hàng đầu là xử lý rác thải chứ không phải tác động đúng mức vào quá trình sản xuất, tiêu dùng nhằm làm giảm số lượng chất thải, chắc chắn công tác bảo vệ môi trường sẽ càng ngày càng gặp nhiều trắc trở...
Lời nhắc từ nghệ thuật có giá trị còn là bởi con người có nhiều cách để làm giảm lượng rác thải ra hằng ngày, sự thể tồi tệ một phần là do lâu nay chúng ta chưa dành sự quan tâm đủ lớn cho việc đó.
Hình thành nhận thức chung về việc hạn chế phát sinh rác thải có ý nghĩa quan trọng. Khách du lịch tới Nhật Bản có câu hỏi thú vị, rằng tại sao ở đó không có thùng rác trên đường phố như các quốc gia khác? Câu trả lời cũng thú vị không kém, là người Nhật muốn giảm lượng rác thải ngay tại nguồn chứ không ưu tiên việc gom rác thải trên phố nhờ thùng đựng rác. Những túi vải, chai lọ có thể sử dụng nhiều lần được đề cao; các cửa hàng, siêu thị khuyến khích khách hàng ăn uống ngay tại chỗ thay vì sử dụng đồ bao gói chứa thức ăn mang theo. Việc không bỏ rác ngoài đường mà cho vào túi mang về nhà cũng góp phần hạn chế đến mức thấp nhất số lượng rác thải ra...
Thói quen tiêu dùng, nhận thức của người dân, hệ thống giám sát hành vi không phù hợp với quy định chung có sự khác biệt giữa các quốc gia, điều đó ảnh hưởng tới việc chọn lựa giải pháp xử lý vấn đề rác thải. Không nhiều nơi chọn cách hạn chế thùng rác công cộng, nhưng việc dùng đồ bao gói sử dụng nhiều lần thì khác. Như tại Hà Nội, gần đây, khách vào một siêu thị chuyên về đồ thể thao của Pháp đã buộc phải mua túi đựng hàng hóa hoặc sử dụng túi mà mình mang theo; rất nhiều người đã giữ lại chiếc túi có chất liệu thân thiện với môi trường đó và sử dụng cho những lần mua sắm tiếp theo.
Đó là chưa kể nhiều cách khác để giảm lượng rác thải, như khuyến khích việc tái chế bao bì thực phẩm, quyên góp đồ cũ để làm từ thiện, hạn chế thức ăn thừa, mua những chai nước lớn thay vì chọn nhiều chai nhỏ...
Xả rác ít thôi! là một thông điệp ý nghĩa. Vấn đề là thông điệp đó cần được lan tỏa rộng khắp nhằm tạo ra sự thay đổi về nhận thức và hành vi. Từng người, từng gia đình có thể áp dụng đa số trong những cách nêu trên và khi đó, chúng ta có cơ sở để hạn chế số lượng rác thải nói chung cũng như rác thải nhựa nói riêng.