Năm học 2019-2020: Xử nghiêm sai phạm, ngăn chặn lạm thu
Giáo dục - Ngày đăng : 06:33, 09/08/2019
Hiện tượng lạm thu giảm
Năm học 2019-2020, Hà Nội tăng học phí với ba cấp học gồm mầm non dưới 5 tuổi, trung học phổ thông và giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông. Học sinh theo học ở địa bàn thành thị đóng 217.000 đồng/tháng/học sinh; ở địa bàn nông thôn đóng 95.000 đồng/tháng/học sinh; ở các xã miền núi đóng 24.000 đồng/tháng/học sinh.
Như vậy, học phí hằng tháng cao hơn từ 5.000 đến 62.000 đồng/học sinh so với năm học trước. Ghi nhận từ thực tế cho thấy hầu hết các gia đình đều đồng thuận với việc tăng học phí, mối băn khoăn chỉ dồn vào các khoản thu ngoài học phí dưới hình thức vận động phụ huynh quyên góp để mua sắm, cải tạo cơ sở vật chất cho trường, lớp...
Nhằm chấn chỉnh tình trạng lạm thu, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 04/2018/QĐ-UBND ngày 23-1-2018, quy định chấm dứt việc thu các khoản đóng góp tự nguyện để mua sắm trang thiết bị của nhà trường; dù người đứng ra thu góp là phía nhà trường hay phụ huynh cũng là sai quy định.
Tuy nhiên, tháng 8-2018, Trường Tiểu học Việt Hưng (quận Long Biên) đã để xảy ra sai phạm. Phụ huynh ở một số lớp tố nhà trường tổ chức thu nhiều khoản, trong đó có cả tiền cơ sở vật chất... Sau khi xác minh, cơ quan chức năng đã yêu cầu nhà trường trả lại phụ huynh các khoản thu sai và nghiêm khắc xử lý đối với hiệu trưởng.
Theo ông Nguyễn Như Hòa, Phó Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, hiện tượng xảy ra ở Trường Tiểu học Việt Hưng là cá biệt. Tuy nhiên, với việc nghiêm khắc xử lý sai phạm, trong đó có xử lý người đứng đầu nhà trường, việc thu, chi ở các trường học cơ bản được triển khai nền nếp hơn, hiện tượng lạm thu giảm.
"Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các đơn vị tiếp tục tăng cường tuyên truyền những quy định về thu, chi tới cán bộ, giáo viên và phụ huynh học sinh; công khai số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận thông tin... Năm học 2019-2020, ngoài việc duy trì các giải pháp trên, Hà Nội sẽ nghiêm khắc hơn trong xử lý sai phạm, quyết tâm không để tái phạm việc lạm thu ở các trường học”, ông Nguyễn Như Hòa khẳng định.
Thể hiện sự đồng tình với tinh thần quyết liệt của ngành Giáo dục trong việc xử lý các sai phạm về lạm thu, song ông Trần Tuấn Anh, phụ huynh học sinh Trường Trung học cơ sở Hoàng Hoa Thám (quận Ba Đình) cũng mong muốn những giải pháp trên sẽ được duy trì nghiêm túc, đặc biệt là với các khoản thu vô lý, trái quy định, theo kiểu: Phụ huynh học sinh đứng ra thu.
Gắn trách nhiệm, tăng chế tài với các hiệu trưởng
Để chấn chỉnh, ngăn chặn triệt để hiện tượng lạm thu trong năm học 2019-2020, đặc biệt là việc lợi dụng danh nghĩa Ban đại diện cha mẹ học sinh ở các trường học để thu các khoản ngoài quy định, ngày 6-5-2019, UBND thành phố Hà Nội đã có Văn bản số 1772/UBND-KGVX quy định chi tiết 7 khoản không được thu của học sinh.
UBND thành phố Hà Nội cũng yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND quận, huyện, thị xã xử lý nghiêm khắc đối với người đứng đầu cơ sở giáo dục và trách nhiệm cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục trên địa bàn để xảy ra tình trạng lạm thu.
Ông Lê Ngọc Quang, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết: Trên cơ sở chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội, năm học 2019-2020, trường học nào vi phạm về công tác thu, chi sẽ bị xử lý nghiêm khắc theo quy định của ngành và pháp luật.
Trước băn khoăn của nhiều phụ huynh về việc liệu có tình trạng “giơ cao, đánh khẽ” đối với các trường hợp sai phạm, ông Lê Ngọc Quang khẳng định: "Sở Giáo dục và Đào tạo đã quy định rõ trách nhiệm của hiệu trưởng về công tác thu - chi tại đơn vị mình. Hiệu trưởng không thể nói không biết ban đại diện cha mẹ học sinh của trường, của lớp thu góp những khoản gì, bao nhiêu tiền...".
Việc gắn trách nhiệm của hiệu trưởng đối với hoạt động toàn diện của nhà trường là cách thức hiệu quả để mọi hoạt động đi vào nền nếp. Minh chứng là năm học 2018-2019, mặc dù Sở Giáo dục và Đào tạo không thành lập các đoàn kiểm tra thu - chi như các năm trước nhưng hầu hết các nhà trường đều thực hiện đúng, không để xảy ra sai phạm lớn khiến phụ huynh bức xúc.
Cũng theo ông Lê Ngọc Quang, năm học 2019-2020, với các khoản thu khác nhằm phục vụ cho học sinh tại trường, nhà trường phải tuân thủ theo danh mục tại Quyết định số 51/2013/ QĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội; nhận được thỏa thuận bằng văn bản của phụ huynh trên tinh thần tự nguyện; được cơ quan quản lý cấp trên phê duyệt trước khi thực hiện và phải được hạch toán vào sổ sách kế toán. Các khoản thu này gồm: Bán trú, học 2 buổi/ngày, học phẩm, nước uống, đồng phục...
Bà Phạm Thị Lệ Hằng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hà Đông, cho biết thêm: Ngoài việc khẩn trương xác minh và xử lý dứt điểm, tổ chức rút kinh nghiệm toàn ngành thì chế tài cho các hiệu trưởng để xảy ra lạm thu được quy định rõ ràng với nhiều mức. Tùy theo mức độ sai phạm, hiệu trưởng có thể bị hạ thi đua hoặc áp dụng các hình thức xử lý khác theo quy định của pháp luật.
Ông Lê Việt Dương, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Trương Định (quận Hoàng Mai) cũng bày tỏ sự đồng thuận việc gắn trách nhiệm và tăng chế tài nếu để xảy ra lạm thu với người đứng đầu. Việc này là cần thiết và là thước đo đánh giá chung, tạo sự công bằng đối với các nhà trường, tránh để nơi làm lỏng, nơi làm nghiêm.
Đây cũng là cách thức để các nhà trường, trong đó có người đứng đầu thể hiện tinh thần trách nhiệm, sự chủ động trong việc xây dựng chất lượng, uy tín của đơn vị mình với phụ huynh. Sự đồng thuận của phụ huynh học sinh là nền tảng vững chắc nhất để nhà trường thực hiện nhiệm vụ giáo dục.
UBND thành phố Hà Nội quy định 7 khoản ban đại diện cha mẹ học sinh không được thu, gồm: Bảo vệ cơ sở vật chất, bảo đảm an ninh nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường; vệ sinh lớp, trường học; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh.