Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc: Chao đảo thị trường toàn cầu
Thế giới - Ngày đăng : 07:12, 09/08/2019
Căng thẳng được đẩy lên cao trào khi lần đầu tiên kể từ năm 1994, Mỹ xác định Trung Quốc là “quốc gia thao túng tiền tệ”. Tuyên bố này được đưa ra sau khi Ngân hàng trung ương Trung Quốc hạ định giá đồng tiền của nước này xuống ngưỡng thấp hơn tỷ giá 7 nhân dân tệ đổi 1 USD vào ngày 5-8 vừa qua.
Dù Bắc Kinh lý giải điều này thể hiện sự lo ngại của thị trường về các biện pháp bảo hộ và thuế nhập khẩu mới, song các chuyên gia lại nhìn nhận đây là thông điệp mạnh mẽ và thể hiện lập trường cứng rắn của "người khổng lồ" châu Á, rằng đồng tiền của nước này có thể được sử dụng như một loại vũ khí trong cuộc chiến thương mại với xứ Cờ hoa.
Thị trường thế giới ngay lập tức đã có những phản ứng trước chiều hướng xấu đi của quan hệ thương mại Mỹ - Trung Quốc. Ngay từ đầu phiên giao dịch ngày 6-8, giá dầu thế giới sụt giảm hơn 4%, giữ đà giảm mạnh và xuống mức thấp nhất trong vòng 7 tháng qua.
Lý do khiến giá vàng đen lao dốc được nhận định là do Bộ Năng lượng Mỹ công bố báo cáo hằng tuần cho thấy tồn kho dầu thô của nước này đã tăng 2,4 triệu thùng thay vì giảm 2,8 triệu thùng như dự báo trước đó. Nhiều thị trường chứng khoán cũng chìm trong sắc đỏ bởi lo ngại dai dẳng về căng thẳng thương mại vẫn chi phối tâm lý nhà đầu tư.
Ngược lại, giá vàng thế giới tiếp tục tăng mạnh và đạt mức kỷ lục mới khi các nhà đầu tư vội vàng tìm giải pháp “trú ẩn” để bảo toàn vốn và đồng USD không còn là lựa chọn an toàn. Ngày 8-8, giá vàng thế giới đứng ở mức 1.497 USD/ounce, tăng 57 USD/ounce so với phiên giao dịch cuối tuần trước trên sàn Kitco.
Ông Edward Meir, chuyên gia phân tích cao cấp của Công ty INTL FCStone có trụ sở tại Mỹ cho rằng, giá vàng sẽ tiếp tục tăng mạnh nếu Trung Quốc tung thêm các đòn trả đũa sau tuyên bố ngừng nhập khẩu nông sản từ Mỹ.
Tháng trước, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu trong năm nay và năm sau do ảnh hưởng của căng thẳng thương mại. Quỹ này cảnh báo nếu căng thẳng Mỹ - Trung Quốc tiếp tục leo thang vào năm 2020, tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ giảm 0,5 điểm phần trăm. Trong bối cảnh thị trường tiềm ẩn nhiều rủi ro, các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới cũng đua nhau hành động. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã hạ lãi suất lần đầu tiên trong 11 năm, còn Ngân hàng trung ương châu Âu cũng phát tín hiệu về việc sẽ nới lỏng thêm chính sách tiền tệ.
Theo các nhà phân tích tại Công ty Capital Economics, căng thẳng thương mại giữa hai cường quốc kinh tế thế giới có thể leo thang hơn nữa. Thậm chí, dự báo mức thuế quan lên tới 25% đối với toàn bộ hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ, bởi Bắc Kinh khó lòng đồng ý với những yêu cầu từ Washington và thay đổi chính sách công nghiệp của mình.
Những gì đang diễn ra cho thấy, Mỹ và Trung Quốc ít nhất phải chờ đợi đến cuộc đàm phán dự kiến được nối lại vào tháng 9 tới tại Washington để tìm kiếm cơ hội, song cũng không có nhiều kỳ vọng được đặt vào sự kiện này.
Nhìn vào đường lối cứng rắn mà hai bên đang theo đuổi hiện nay, các chuyên gia của Tập đoàn Ngân hàng, chứng khoán và đầu tư Goldman Sachs cảnh báo rằng việc hai nước đạt thỏa thuận thương mại ngày càng xa vời và khó lòng xảy ra trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ dự kiến diễn ra vào tháng 11-2020. Trong khi đó, nền kinh tế toàn cầu vẫn phải gồng mình ứng phó với những rủi ro tiềm ẩn khi tranh chấp, căng thẳng hai bên chưa được hóa giải.