Duy trì vị thế xuất siêu
Kinh tế - Ngày đăng : 07:23, 09/08/2019
Trong 7 tháng qua, Việt Nam đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 145 tỷ USD, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2018. Đặc biệt, trong đó có 4 nhóm hàng đạt kim ngạch hơn 10 tỷ USD gồm điện thoại và linh kiện đạt 27,3 tỷ USD; máy tính, hàng điện tử và linh kiện đạt 18,6 tỷ USD; dệt may đạt 18,3 tỷ USD và giày dép đạt 10,4 tỷ USD.
Ngoài ra, còn có 20 nhóm hàng khác đạt giá trị xuất khẩu hơn 1 tỷ USD, ghi dấu ấn tăng trưởng đáng khích lệ của Việt Nam trong bối cảnh hoạt động giao thương quốc tế không thuận lợi, đang có biểu hiện chững lại.
Về phía doanh nghiệp, nhiều đơn vị đã chú trọng tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu cũng như áp dụng công nghệ hiện đại. Nhưng, quan trọng hơn là doanh nghiệp đã chủ động tận dụng cơ hội mới do các hiệp định thương mại tự do (FTA) như: Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) mang lại.
Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 cho biết, các FTA nói chung có thể cung cấp điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp ngành Dệt may chủ động hội nhập, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Hiện, Tổng công ty đã lên kế hoạch liên kết các chuỗi cung ứng trong nước, nhất là bảo đảm minh bạch về xuất xứ để tận dụng thời cơ nhằm xuất khẩu vào các nước thành viên EU.
Chia sẻ về cơ hội tăng cường xuất khẩu, ông Phạm Hồng Hải, Tổng Giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam cho rằng, riêng EVFTA có thể giúp GDP Việt Nam gia tăng thêm khoảng 0,1% mỗi năm nhờ những tác động tích cực về thương mại.
Hơn nữa, với thị hiếu và yêu cầu tiêu dùng sản phẩm có tiêu chuẩn cao của thị trường này cũng giúp doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam tăng tốc độ cải cách và hội nhập hiệu quả hơn.
Yêu cầu xuyên suốt là làm sao duy trì sự tăng trưởng của hoạt động xuất khẩu, từ đó giữ được vị thế xuất siêu của nền kinh tế. Theo nhận định của Bộ Công Thương, các doanh nghiệp cần tập trung khai thác những điều kiện thuận lợi do các FTA thế hệ mới mang lại như CPTPP và EVFTA. Điểm mấu chốt là doanh nghiệp Việt Nam được hưởng thuế suất thấp hoặc 0% khi xuất hàng sang các nước thành viên FTA, gồm những thị trường có sức mua cao như EU, Nhật Bản... Điều này sẽ mang lại lợi thế cạnh tranh cho hàng xuất khẩu của Việt Nam do được lợi về giá bán. Tuy nhiên, doanh nghiệp có tận dụng được cơ hội hay không lại là vấn đề của mình.
Chia sẻ vấn đề này, ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Đa biên (Bộ Công Thương) nhận định, nếu doanh nghiệp có sự chuẩn bị, sẵn sàng đón nhận thời cơ và có phương án xử lý tốt thì sẽ tận dụng được cơ hội mở rộng quy mô xuất khẩu.
Đặc biệt, doanh nghiệp được khuyến cáo cần tìm hiểu kỹ các thông tin liên quan đến hàng loạt quy định, yêu cầu về xuất xứ hàng hóa, tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn đối với người tiêu dùng, sự minh bạch trong quá trình sản xuất... để đáp ứng nhà nhập khẩu.
Theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc, các FTA là thời cơ rất lớn cho doanh nghiệp xuất khẩu. Vấn đề là các đơn vị có nắm bắt và hiện thực hóa mục tiêu thâm nhập, gia tăng thị phần xuất khẩu hay không.
Về phía cơ quan chức năng, các bộ, ngành đang tập trung hỗ trợ doanh nghiệp thông qua việc đơn giản hóa, cắt giảm thủ tục hành chính theo nội dung Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 1-1-2019 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019, định hướng đến năm 2021.
Theo đó, nội dung quan trọng là tập trung đơn giản hóa thủ tục hành chính, hải quan và thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp... Liên quan đến yêu cầu này, Bộ Tài chính đang tập trung phối hợp với các bộ, ngành để hoàn thiện giải pháp cải thiện chỉ số giao dịch thương mại qua biên giới; trong đó, phấn đấu nâng chỉ số này tăng 10-15 bậc (đến năm 2021).
Như vậy, giữ vững nhịp độ xuất khẩu để bảo đảm vị thế xuất siêu luôn cần sự nỗ lực liên tục và hỗ trợ từ các cơ quan chức năng để doanh nghiệp hiện thực hóa mục tiêu “bội thu” trong mùa xuất khẩu 2019.