Chú trọng bồi dưỡng đạo đức nghề nghiệp báo chí cho hội viên
Chính trị - Ngày đăng : 15:09, 09/08/2019
Tham dự buổi lễ có đồng chí Thuận Hữu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; đồng chí Hoàng Vĩnh Bảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, cùng các nhà báo lão thành, lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam qua các thời kỳ, lãnh đạo các cơ quan báo chí, Hội Nhà báo các địa phương, đại diện các tổ chức quốc tế và trong nước…
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Thuận Hữu đánh giá cao những thành tích mà Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí đã đạt được trong 20 năm qua. Đồng chí nêu rõ, Trung tâm đã tổ chức hơn 1.000 khóa học cho hơn 23.000 lượt hội viên nhà báo trên khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước. Trong 5 năm gần đây, trung bình mỗi năm Trung tâm tổ chức 100 lớp cho khoảng 2.500 lượt hội viên. Đây là những con số ấn tượng, thể hiện nỗ lực lớn của tập thể cán bộ Trung tâm, dù số lượng cán bộ không nhiều, giảng viên đều là kiêm nhiệm, hoạt động trong điều kiện kinh phí hạn hẹp.
Huân chương Lao động hạng Nhì được Đảng và Nhà nước trao tặng cho Trung tâm nhân dịp này là phần thưởng cao quý, có ý nghĩa quan trọng, khích lệ, động viên, đồng thời cũng là trách nhiệm đối với những người làm công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí của Hội Nhà báo Việt Nam.
Để nâng cao hơn nữa chất lượng bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí cho hội viên, nhà báo trong thời gian tới, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Thuận Hữu đề nghị Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí cần tăng cường chất lượng và hiệu quả các khóa học; thường xuyên khảo sát, phân tích nhu cầu đào tạo để mở lớp phù hợp với thực tiễn. Việc bồi dưỡng đạo đức nghề nghiệp báo chí cho hội viên cũng cần được chú trọng.
Trung tâm cần phối hợp chặt chẽ với các ban, đơn vị của Hội tổ chức tốt các lớp học từ nguồn kinh phí ngân sách; đồng thời, tăng cường hợp tác quốc tế, phối hợp với lãnh đạo các cơ quan báo chí, khai thác các nguồn thu khác để mở thêm khóa bồi dưỡng ngoài ngân sách.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ và giảng viên của Trung tâm; huy động nguồn lực, giữ gìn và khai thác hiệu quả cơ sở vật chất nhằm thực hiện công tác bồi dưỡng theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa.
Bà Đinh Thị Thuý Hằng, Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí, chia sẻ: "Trong chặng đường 20 năm, Trung tâm đã thực hiện đa dạng các khóa bồi dưỡng về nghiệp vụ báo chí, từ những kỹ năng cơ bản như cách thức viết tin, bài, đặt tít, viết sapo, kỹ năng phỏng vấn, làm phóng sự, ảnh báo chí, thiết kế, trình bày, quay phim, dựng phim… đến các chuyên đề về xây dựng Đảng, vấn đề môi trường, y tế, giáo dục, bình đẳng giới, đạo đức nhà báo… ở tất cả các loại hình báo chí. Các khóa học được tổ chức ở khắp mọi miền của đất nước".
Từ 8-9 khóa học/năm của những năm đầu mới thành lập, đến nay số lượng khóa học tăng lên 15 lần, khoảng 110-120 khóa/năm. Trong đó, 60% các khóa học từ ngân sách nhà nước, 23% do các tổ chức quốc tế tài trợ, còn lại do các cơ quan báo chí, Hội Nhà báo các tỉnh, thành phố phối hợp tổ chức.
Bà Đinh Thị Thúy Hằng nhấn mạnh, những thành công của Trung tâm mới chỉ là bước đầu. Trung tâm cần tiến bước mạnh hơn trước những thách thức mới của thời kỳ truyền thông số. Điều này đòi hỏi cán bộ Trung tâm phải luôn rèn luyện, trau dồi kiến thức chuyên môn và nghiệp vụ; học thêm ngoại ngữ để có thể vươn tới trở thành trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí của khu vực Đông Nam Á.