Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt mới với Venezuela: Sức ép gia tăng
Thế giới - Ngày đăng : 07:36, 10/08/2019
Đây là lệnh trừng phạt có cấp độ cao nhất mà Washington áp đặt với quốc gia Nam Mỹ trong hơn 30 năm qua. Theo đó, mọi tài sản và lợi nhuận nhờ tài sản của Chính phủ Venezuela trên lãnh thổ Mỹ đều bị chặn và không được chuyển khoản, thanh toán, xuất khẩu, thu hồi...
Sắc lệnh yêu cầu công dân Mỹ không được giao dịch với bất kỳ chủ thể nào được cơ quan điều tra xác định có quan hệ với Tổng thống N.Maduro hoặc chính quyền của ông. Những người ủng hộ ông N.Maduro cũng không được nhập cảnh vào Mỹ.
Theo giới phân tích, lệnh cấm mới là nấc thang gia tăng sức ép cao hơn đối với Venezuela nhằm chống lại Tổng thống N.Maduro. Các biện pháp này tập trung vào việc cô lập chính quyền của nhà lãnh đạo được dân bầu, đặc biệt là cắt đứt nguồn tài chính và hạn chế sự ủng hộ mà Venezuela đang nhận được từ một số quốc gia, trong đó có Nga và Trung Quốc. Tuy nhiên, nhiều nước trên thế giới vẫn khẳng định chỉ coi ông N.Maduro là Tổng thống hợp hiến của quốc gia Nam Mỹ.
Với quan điểm trên, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã ra thông báo cáo buộc Washington vi phạm nguyên tắc quốc tế và can thiệp thô bạo khi đóng băng tài sản của Chính phủ Venezuela. Bắc Kinh tuyên bố sẽ vẫn hợp tác với Caracas và phản đối mạnh mẽ bất kỳ hành vi can thiệp nào vào công việc nội bộ của một nước.
Trong khi đó, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Kazkharova lên án việc Mỹ tiếp diễn các hành vi "khủng bố kinh tế" đối với Venezuela. Không chỉ bày tỏ ủng hộ Tổng thống N.Maduro, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng Cuba Miguel Diaz-Canel qua mạng xã hội còn kêu gọi người dân Venezuela đoàn kết để đối phó với những “đòn tấn công kinh tế” của Washington. Tại Venezuela, hàng nghìn người đã đổ xuống các đường phố ở Caracas nhằm phản đối quyết định của Mỹ.
Tuy nhiên, một thực tế là áp lực từ các lệnh trừng phạt thời gian qua đã khiến nền kinh tế vốn đang lao đao của Venezuela tiếp tục trượt dốc. Lạm phát tăng nhanh trong khi thực phẩm, thuốc men, nguồn điện đều thiếu hụt khiến đời sống người dân gặp nhiều khó khăn.
Mặc dù lệnh cấm mới của Mỹ vẫn để ngỏ các quan hệ kinh doanh với khối tư nhân của Venezuela và liệt một số mặt hàng thực phẩm, dược phẩm và quần áo vào diện “có thể được xem xét”, nhưng việc siết chặt thương mại chắc chắn sẽ đẩy cuộc khủng hoảng toàn diện tại Venezuela vào tình trạng trầm trọng hơn. Caracas tuyên bố bước đi của Washington đã vi phạm quyền cơ bản của con người khi xâm phạm quyền được tiếp cận thực phẩm của người dân Venezuela.
Theo Ngoại trưởng Venezuela Jorge Arreaza, lệnh cấm khiến nước này không thể nhập khẩu thực phẩm cho Ủy ban Sản xuất và Cung ứng địa phương (CLAP), cơ quan chịu trách nhiệm phân phối thực phẩm của Chính phủ vốn đang nuôi sống ít nhất 7 triệu người dân.
Quan điểm trên cũng nhận được sự ủng hộ của Liên hợp quốc khi Cao ủy nhân quyền Liên hợp quốc Michelle Bachelet ngày 8-8 nhận định lệnh trừng phạt của Mỹ sẽ khiến người dân Venezuela khó tiếp cận thực phẩm, thuốc men, đồ dùng thiết yếu vốn là những mặt hàng đã thiếu hụt nghiêm trọng tại quốc gia này từ nhiều năm qua.
Bên cạnh đó đã xuất hiện mối quan ngại về việc lệnh trừng phạt đối với Chính phủ Venezuela sẽ tác động tiêu cực tới những nỗ lực chính trị nhằm tháo gỡ cuộc khủng hoảng tại quốc gia Nam Mỹ. Trên thực tế, tiến trình đối thoại giữa chính quyền của Tổng thống N.Maduro với phe đối lập đã bị tạm dừng để phản đối lệnh trừng phạt của Mỹ.
Cho dù Chính phủ Venezuela khẳng định sẽ không từ bỏ đàm phán, nhưng rõ ràng quá trình tìm kiếm giải pháp để “tháo ngòi” căng thẳng chính trị tại nước này càng kéo dài thì cuộc sống đang thiếu thốn của người dân Venezuela càng đứng trước nhiều rủi ro.