Hàng trăm container phế liệu bị "trục xuất" khỏi Việt Nam
Kinh tế - Ngày đăng : 19:18, 11/08/2019
Cụ thể, phế liệu nhựa là 289 container; phế liệu giấy là 106 container; phế liệu sắt là 98 container; phế liệu khác là 10 container.
Với sự kiểm soát chặt chẽ của hải quan, tình trạng phế liệu tồn đọng, lưu giữ tại cảng đã giảm. Tính đến ngày 26-7, số container khai báo trên e-manifest (hệ thống tiếp nhận bản khai hàng hóa đối với tàu biển nhập cảnh) là phế liệu hiện lưu giữ tại cảng biển là 11.488 container, giảm 2.249 container so với tháng 6-2019. Đối với các lô hàng phế liệu đang lưu giữ tại cảng biển, các doanh nghiệp nhập khẩu vẫn đang tiếp tục đến nhận hàng và thực hiện làm thủ tục hải quan nhập khẩu theo quy định của pháp luật.
Thông tin mới đây từ Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, hoạt động nhập khẩu, mua bán phế liệu ở Việt Nam vẫn có những diễn biến phức tạp, nguy cơ gây ô nhiễm, ảnh hưởng môi trường sống, gây bức xúc trong dư luận.
Các cơ quan chức năng đã phát hiện trong quá trình nhập khẩu phế liệu, một số doanh nghiệp đã làm giả, tẩy xóa, sửa đổi các văn bản, giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất để hợp thức hóa hồ sơ nhập khẩu phế liệu, khai sai tên hàng, mã số hàng hóa khác với tên hàng, mã số hàng hóa là phế liệu thuộc danh mục ban hành kèm theo Quyết định số 73/2014/QĐ-TTg ngày 19-12-2014 của Thủ tướng Chính phủ
Một số doanh nghiệp còn lợi dụng sơ hở về cơ chế chính sách để nhập khẩu số lượng lớn phế liệu không đủ điều kiện, quy chuẩn kỹ thuật về bảo vệ môi trường vào Việt Nam; sử dụng công nghệ tái chế lạc hậu, chủ yếu là phân loại, sơ chế, tái chế ra nguyên liệu bán thành phẩm; không có hệ thống xử lý chất thải đạt quy chuẩn (nước thải, khí thải) là nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; có hàng ngàn tấn phế liệu giấy, nhựa được buôn bán dạng thu gom, trong đó có cả phế liệu nhập khẩu được chuyển từ các cảng biển về.
Có trường hợp doanh nghiệp đã được cấp giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất để nhập khẩu phế liệu nhưng lại bán cho các doanh nghiệp nhỏ lẻ khác để đưa vào các làng nghề, cụm công nghiệp tái chế làm tăng nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến môi trường sống và gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Theo ông Nguyễn Phi Hùng - Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan), từ đầu năm 2018, cơ quan hải quan đã phát hiện và cảnh báo hiện tượng các đối tượng đầu nậu, người nước ngoài tổ chức đưa phế liệu không đạt tiêu chuẩn, phế thải vào Việt Nam. Tính đến nay, cơ quan hải quan đã khởi tố 9 vụ việc vi phạm liên quan đến nhập khẩu phế liệu. Trong đó, Cục Điều tra chống buôn lậu khởi tố 6 vụ, Cục Hải quan Hải Phòng khởi tố 2 vụ, Cục Hải quan An Giang khởi tố 1 vụ.
Nhằm tăng cường quản lý hoạt động nhập khẩu, sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất, lực lượng chuyên ngành đã quyết định không cấp phép cho các cơ sở sản xuất nhập khẩu phế liệu về chỉ để sơ chế, xử lý và bán lại nguyên liệu; áp dụng các biện pháp ngăn chặn từ xa các lô hàng phế liệu nhập khẩu không đáp ứng các quy định của pháp luật Việt Nam; kiên quyết buộc tái xuất các lô hàng lợi dụng nhập khẩu phế liệu để đưa chất thải vào Việt Nam, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi đưa chất thải, phế liệu gây ô nhiễm môi trường vào Việt Nam.
Cụ thể, Tổng cục Hải quan đã có nhiều văn bản chỉ đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát; quản lý chặt chẽ đối với mặt hàng phế liệu và các mặt hàng có đặc trưng là phế liệu nhập khẩu, xây dựng kế hoạch về kiểm soát rủi ro đối với hoạt động nhập khẩu phế liệu trên phạm vi toàn quốc; áp dụng các biện pháp ngăn chặn từ xa khi hàng vẫn còn trên tàu, không cho phép dỡ hàng xuống cảng đối với hàng hóa là chất thải, phế liệu không đủ điều kiện nhập khẩu.