Quyết liệt “cuộc chiến” giữ thị phần viễn thông!
Xe++ - Ngày đăng : 08:27, 12/08/2019
Sẽ là thiếu sót nếu nhắc đến cạnh tranh giữa các nhà mạng mà không nhắc đến “cuộc chiến” gói cước data (dữ liệu) giá rẻ từ cuối năm 2017 kéo dài đến nay!
Cả ba nhà mạng Viettel, VinaPhone, MobiFone đều đưa ra gói cước tương ứng V90-VD89-C90 (tương ứng với 90.000-89.000 đồng/tháng) với các ưu đãi sử dụng data 60GB/tháng, có thời điểm là 120GB/ngày. Gói cước này ngoài ưu đãi data, còn có ưu đãi thoại nội, ngoại mạng, do vậy, cả ba đã hút lượng người dùng lớn.
Không đứng ngoài cuộc, đầu năm 2018 Vietnamobile tung ra gói cước siêu ưu đãi chỉ 40.000-50.000 đồng, được dùng data 120GB/tháng.
Bên cạnh đó, còn phải kể đến “cuộc chiến thương hiệu” trong việc thực hiện dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số thuê bao. Có thị phần chưa bằng ½ Viettel, nên ngay khi triển khai, VinaPhone, MobiFone nhanh chóng đưa ra các chương trình ưu đãi thuê bao chuyển mạng.
Vì vậy, trong vòng 6 tháng, tỷ lệ thuê bao chuyển đến thành công so với chuyển đi của VinaPhone, MobiFone đạt số dương. Điều này khiến Viettel phải đưa ra các chương trình chăm sóc khách hàng đặc biệt. Kết quả, 2 tháng trở lại đây, Viettel là nhà mạng có lượng thuê bao đăng ký chuyển đến nhiều nhất (tuy tỷ lệ chuyển đến thành công so với chuyển đi vẫn là số âm).
Việc các nhà mạng liên tiếp ra các chương trình ưu đãi là nhằm mục đích cạnh tranh thị phần và điều đó đem lại quyền lợi cho người dùng nhiều hơn. Nhưng vì sim mới cung cấp dịch vụ quá rẻ nên dùng xong, nhiều người sẵn sàng bỏ, mua sim khác, khiến việc dùng sim thay thẻ cào diễn ra phổ biến.
Vấn đề này từng được lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông đặt ra năm 2018 khi yêu cầu nhà mạng dừng việc cung cấp các gói cước giá rẻ, từ đó giảm lượng sim rác.
Ông Nguyễn Đức Trung - Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông cũng nêu quan điểm, không ủng hộ việc lấy số lượng thuê bao làm thước đo sự phát triển, mà nhà mạng cần hướng tới các chỉ số thực chất, như thuê bao thực, phát sinh cước thực.
Về phía các nhà mạng, ông Phạm Đức Long, Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT cho biết: “Cạnh tranh giữa các nhà mạng là nhằm thúc đẩy sự phát triển, tốt cho người dùng, nhưng không được bán dưới giá thành và các bên phải tuân theo nguyên tắc này. Tuy nhiên, thực tế thị trường diễn biến không như vậy”.
Cũng theo ông Phạm Đức Long, hiện quản lý nhà nước chưa kiểm soát giá thành dịch vụ nên "cuộc chiến" cước data sẽ còn lâu dài. Do vậy, để bảo đảm nguồn lực bên cạnh việc phát triển kinh doanh các dịch vụ mới, nhà mạng phải tối ưu hóa chi phí.
Cùng quan điểm này, ông Tào Đức Thắng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel khẳng định, để tăng trưởng, nhà mạng cần đưa ra các giải pháp tìm kiếm nguồn doanh thu mới từ dịch vụ số, khách hàng doanh nghiệp và thương mại điện tử. Cùng với đó, nhà mạng phải tính đến bài toán tiết kiệm chi phí, tận dụng nguồn lực hiện có như có thể dùng chung cơ sở hạ tầng viễn thông…
Theo một lãnh đạo Cục Viễn thông thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, cước dịch vụ viễn thông không thuộc danh mục Nhà nước phải quản lý giá. Tuy nhiên, để bảo đảm cho thị trường phát triển lành mạnh, Bộ đang nghiên cứu để đưa ra chính sách quản lý về giá cước cho phù hợp.
Theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, doanh thu 6 tháng đầu năm của các nhà mạng chưa đạt so với kế hoạch năm. Một trong những nguyên nhân là nhà mạng giảm cước data tới 4 lần (so với năm 2016), nên người dùng tăng, nhưng doanh thu không tăng.
Vì vậy, việc cơ quan quản lý nhà nước đang nghiên cứu, xây dựng quy định về quản lý giá thành cước dịch vụ viễn thông nhằm giữ sự phát triển lành mạnh cho thị trường là rất cần thiết, bởi doanh thu từ dịch vụ này có đóng góp không nhỏ cho ngân sách nhà nước.