Bộ Y tế nói gì về nội dung dự thảo giá giường bệnh ngang giá phòng khách sạn hạng sang?
Sức khỏe - Ngày đăng : 16:53, 12/08/2019
Theo dự thảo thông tư, giá dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh theo yêu cầu chỉ áp dụng với người có nhu cầu và tự nguyện đăng ký sử dụng các dịch vụ này. Khung giá giường dịch vụ theo yêu cầu tại các cơ sở y tế công lập tại các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ và thành phố Hồ Chí Minh là từ 900 nghìn đồng đến 3 triệu đồng/ngày. Với bệnh viện hạng đặc biệt, giá tối đa có thể lên đến 4 triệu đồng/ngày đối với loại phòng một giường. Với mức giá này, nhiều ý kiến cho rằng quá cao, ngang với giá phòng khách sạn hạng sang.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế) cho biết, giường điều trị có hàng chục loại nên không phải cứ một giường một phòng là được thu 4 triệu đồng, mà các bệnh viện phải xây dựng, quyết định giá cho từng loại giường, như: Hồi sức tích cực, giường sau các ca phẫu thuật loại đặc biệt, loại I, giường điều trị nội khoa… Chi phí các vật tư chăm sóc người bệnh cũng phải tính theo loại giường. Tiền lương được tính theo trình độ bác sĩ điều trị và mức độ chăm sóc của điều dưỡng...
Với người bệnh nặng có một điều dưỡng chăm sóc 24/24 giờ (người nhà không phải chăm sóc) thì giá giường bệnh cũng khác với những giường bệnh mà bệnh nhân cũng được chăm sóc 24/24 giờ, nhưng một điều dưỡng có thể phục vụ nhiều giường bệnh cùng lúc.
Theo Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, mức giá do Bộ Y tế dự kiến ban hành là mức tối đa, phù hợp với các loại bệnh viện, các loại dịch vụ mà đơn vị có khả năng cung cấp. Các bệnh viện không được áp dụng ngay mức giá tối đa mà phải xây dựng mức giá cụ thể của đơn vị trên cơ sở chất lượng dịch vụ và điều kiện kinh tế, xã hội tại địa phương, theo phương pháp xây dựng giá do Bộ Tài chính hướng dẫn.
Trước băn khoăn của báo chí về việc nếu các bệnh viện chú trọng đến khám chữa bệnh theo yêu cầu thì người dân khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế (BHYT) khó có cơ hội được khám, chữa bệnh từ các bác sĩ, giáo sư giỏi, ông Nguyễn Nam Liên cho biết, ở nhiều bệnh viện, nguồn thu từ khám chữa bệnh bằng BHYT chiếm đến 80%. Đây là nguồn thu ổn định, nếu bệnh viện không chú trọng loại hình này thì người dân sẽ không đến khám, kéo theo sự suy giảm lớn nguồn thu của bệnh viện đó.
Cùng với khám chữa bệnh bằng BHYT, bệnh viện cũng cần được khuyến khích đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất để khám chữa bệnh theo yêu cầu nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân.
Theo ông Nguyễn Nam Liên cho biết, nhu cầu của người dân về sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh có chất lượng dịch vụ cao, đòi hỏi được chăm sóc toàn diện (dịch vụ theo yêu cầu) hiện nay rất lớn. Các bệnh viện trong nước có trình độ chuyên môn tốt nhưng do chất lượng phục vụ, chăm sóc chưa đáp ứng được nên thời gian vừa qua, nhiều người phải ra nước ngoài khám, chữa bệnh; người nước ngoài làm việc ở Việt Nam cũng ra nước ngoài khám, chữa bệnh.
Mặt khác, hiện nhiều người dân tham gia các loại hình bảo hiểm sức khỏe thương mại, có nhu cầu khám chữa bệnh ở mức cao hơn. Vì vậy, việc xây dựng giá dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh theo yêu cầu tại cơ sở y tế công lập là cần thiết.