Đưa môi trường giáo dục của Thủ đô lên mức mới về chất lượng
Giáo dục - Ngày đăng : 08:51, 12/08/2019
Dự hội nghị có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung; Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ; Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn cùng cán bộ quản lý giáo dục Thủ đô.
Hội nghị nhằm đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ năm học 2018-2019 và đề ra phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm học 2019-2020 của ngành GD-ĐT Hà Nội.
Tiếp tục giữ vững chất lượng giáo dục toàn diện
Năm học 2018-2019, với nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ, ngành GD-ĐT Thủ đô đã hoàn thành tốt 9 nhiệm vụ chủ yếu của Bộ GD-ĐT, tạo chuyển biến mạnh cả về quy mô và chất lượng giáo dục, đào tạo. Đây là nền tảng để toàn ngành tiếp tục nỗ lực, quyết tâm thi đua gặt hái thêm nhiều thành tích trong năm học mới.
Báo cáo tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Ngọc Quang cho biết, năm học 2018-2019, toàn thành phố có 2.713 trường mầm non, phổ thông và trung cấp chuyên nghiệp với gần 2 triệu học sinh, tăng 70 trường so với năm học trước. Các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được trang bị theo hướng đồng bộ và đạt chuẩn. Tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia chiếm 66,7%.
Chất lượng đội ngũ giáo viên có bước chuyển mạnh với 100% số giáo viên đều đạt chuẩn về trình độ đào tạo; tỷ lệ trên chuẩn ở cấp tiểu học đạt gần 93%, cấp trung học cơ sở đạt 80% (cao hơn tỷ lệ chung của cả nước)... Chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn tiếp tục có nhiều chuyển biến, giữ vững vị thế nằm trong số các địa phương dẫn đầu.
Năm học 2019-2020, ngành GD-ĐT Hà Nội tập trung tăng cường nền nếp, kỷ cương trong trường học, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, quyết tâm giải quyết căn bản một số vấn đề còn tồn tại như hiện tượng quá tải trường, lớp học; bạo lực học đường; nhà vệ sinh trường học…
Mở rộng các chương trình song bằng, hội nhập với thế giới
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung đã điểm lại những điểm nhấn của ngành giáo dục Thủ đô, như tăng cường bổ sung trường lớp, cải tạo nhà vệ sinh; triển khai tốt chương trình sữa học đường; thực hiện nhiều giải pháp nhằm giảm khoảng cách về điều kiện và chất lượng giáo dục ở các địa bàn; quan tâm tới các chính sách cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn; quan tâm mở rộng hợp tác quốc tế; hạn chế được những sự việc gây bức xúc trong nhân dân…
“Thành phố Hà Nội luôn coi trọng, quan tâm, ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo; chú trọng giáo dục phát triển toàn diện và phát huy tốt tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi người học”, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung khẳng định.
Để hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học 2019-2020, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung đề nghị ngành GD-ĐT Thủ đô tập trung trí tuệ, triển khai các giải pháp hữu hiệu để giải quyết vấn đề thiếu phòng học cục bộ, quá tải về sĩ số học sinh/lớp; thiếu nhà vệ sinh hoặc nhà vệ sinh chưa đạt chuẩn; tình trạng bạo lực học đường; giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh...
Đồng thời, ngành tập trung chỉ đạo và thực hiện tốt 6 nhiệm vụ cơ bản, trong đó quan tâm đầu tư cơ sở vật chất trường học, tạo dựng môi trường sư phạm xanh, sạch, đẹp; rà soát hệ thống giáo dục ngoài công lập, các trường tư thục trên toàn thành phố, đổi mới công tác kiểm định, công bố công khai trên hệ thống thông tin về kết quả kiểm định chất lượng giáo dục đối với cơ sở giáo dục ngoài công lập theo quy định, làm căn cứ để người dân giám sát và xem xét mức học phí tương ứng với chất lượng giáo dục.
Mục tiêu hàng đầu của ngành Giáo dục Thủ đô là tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế, đưa giáo dục Thủ đô hội nhập toàn cầu, chú trọng việc bồi dưỡng học sinh giỏi quốc gia và quốc tế, song song với việc nâng cao, mở rộng triển khai các chương trình song bằng; nghiên cứu đưa vào chương trình các nội dung giáo dục toàn diện; chuẩn bị tốt cho việc tổ chức kỳ thi Olympic toán và khoa học quốc tế lần thứ 16 vào cuối năm nay tại Hà Nội.
Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cũng đề nghị ngành Giáo dục Thủ đô đẩy mạnh việc đưa tài liệu “Giáo dục an toàn giao thông cho học sinh phổ thông Hà Nội” vào giảng dạy; ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, đặc biệt là trong đổi mới phương pháp dạy và học, gắn với việc xây dựng trường học điện tử, công tác thi, kiểm tra và đánh giá kết quả học sinh; đẩy mạnh cải cách hành chính...; phối hợp với Sở Nội vụ giải quyết dứt điểm việc xét tuyển đối với các giáo viên hợp đồng lâu năm (gần 3.000 trường hợp).
"Ngành giáo dục cần nhân rộng những mô hình hay để nâng điểm tốt lên, hạn chế những điểm còn yếu kém, đưa môi trường giáo dục của Thủ đô lên một mức mới về chất lượng", Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung nói.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho rằng năm học mới 2019-2020 là năm quan trọng, bản lề cho việc đổi mới giáo dục. Hà Nội cần quan tâm tới những nội dung: Tiếp tục đổi mới căn bản toàn diện, tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TƯ của hội nghị Trung ương 8 “về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế".
Với những kết quả đã đạt được trong năm học 2018-2019, Sở GD-ĐT đã được nhận Bằng khen của Bộ GD-ĐT. Tại hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung và Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn đã tặng Cờ đơn vị xuất sắc dẫn đầu của UBND thành phố cho 43 tập thể. UBND thành phố cũng tặng danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc cho 393 tập thể; tặng Bằng khen cho 93 tập thể và 177 cá nhân.