Nhân rộng mô hình “Bình Thạnh trực tuyến”
Cải cách hành chính - Ngày đăng : 09:01, 12/08/2019
Đường Phạm Văn Đồng (quận Bình Thạnh) trước đây là “điểm đen” về tình trạng lấn chiếm vỉa hè. Để lập lại trật tự, mỗi tối thường xuyên có hai tổ công tác thuộc đội quản lý trật tự đô thị của quận tuần tra. Một tổ đi trước chụp ảnh hành vi vi phạm rồi tải trực tiếp lên ứng dụng “Bình Thạnh trực tuyến”. Sau đó, một tổ công tác khác thông qua hình ảnh từ ứng dụng trên làm bằng chứng để xử lý vi phạm. Hình ảnh công khai trên mạng, hiển thị ngày giờ, địa điểm... nên các hộ vi phạm không thể chối cãi.
“Bình Thạnh trực tuyến” là phần mềm được tích hợp trên AppStore và CHPlay, người dân dễ dàng tải và cài đặt trên thiết bị di động. Khi phát hiện vi phạm, người dân chỉ cần chụp ảnh, nhập địa chỉ vi phạm, chọn hành vi vi phạm và gửi tin tại ứng dụng. Ngay lập tức, hình ảnh vi phạm sẽ tự động chuyển đến Chủ tịch UBND phường - nơi có địa điểm vi phạm, lãnh đạo quận và các phòng, ban. Ưu điểm nổi bật là bất cứ người dân nào thông qua ứng dụng cũng có thể phản ánh vi phạm tới cơ quan chức năng. Ông Phan Mạnh Hòa (ở đường Nơ Trang Long, phường 13, quận Bình Thạnh) cho biết, trước đây, vỉa hè trước nhà ông bị chiếm dụng làm bãi giữ xe máy, thậm chí đặt bàn ghế ngay trước lối vào nhà. “Khi biết có ứng dụng “Bình Thạnh trực tuyến”, tôi đã chụp hình ảnh vi phạm rồi tải lên. Qua đó, cơ quan chức năng có mặt xử lý. Sau hai lần phản ánh qua hình thức trên, vi phạm dứt hẳn”, ông Hòa cho hay.
Bà Vũ Thị Hội Diễm, Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Bình Thạnh cho biết, nhiều hộ kinh doanh vi phạm sau khi bị nhắc nhở đã không tái phạm. “Mục tiêu của chúng tôi khi xây dựng phần mềm ứng dụng trên là mong muốn người dân tự giác chấp hành quy định về trật tự đô thị. Qua đó, người dân và chính quyền cùng chung tay xây dựng một xã hội văn minh”, bà Vũ Thị Hội Diễm nhấn mạnh.
Hiện thành phố Hồ Chí Minh đang đẩy nhanh xây dựng đô thị thông minh. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho rằng, xây dựng đô thị thông minh phải có con người thông minh. Các cơ quan công quyền, cán bộ, công chức phải biết ứng dụng công nghệ thông tin để giải quyết những thách thức nhằm đạt hiệu quả quản lý, nâng cao chỉ số hài lòng của người dân. Qua đó, người đứng đầu chính quyền thành phố yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành; chủ tịch UBND quận, huyện chủ động tham khảo, nhân rộng các mô hình sáng kiến, cách làm hay trong cải cách hành chính với tinh thần hiệu quả, đồng bộ, tiết kiệm, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, đơn vị. Đối với mô hình “Bình Thạnh trực tuyến”, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong yêu cầu Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông khẩn trương hoàn thành nghiên cứu xây dựng ứng dụng quản lý an ninh trật tự, an toàn giao thông, đô thị của thành phố để hướng dẫn các sở, ban, ngành, quận, huyện thực hiện.
Hiện 13 quận, huyện đã ứng dụng mô hình trên. Thành phố đặt mục tiêu đến cuối năm nay, 11 quận, huyện còn lại sẽ tiếp tục triển khai.