Ngành nội dung số: Cơ hội tăng trưởng lớn
Xe++ - Ngày đăng : 07:36, 13/08/2019
Công nghiệp nội dung số là ngành giao thoa giữa 3 nhóm ngành: Công nghệ thông tin, viễn thông và sản xuất nội dung. Trong đó, công nghiệp nội dung số gồm nhiều lĩnh vực như: Tra cứu thông tin, dữ liệu số, nội dung giáo dục trực tuyến, phát triển nội dung cho mạng di động, giải trí số, thương mại điện tử…
Hiện, Việt Nam có khoảng 4.500 doanh nghiệp và hơn 70.000 lao động hoạt động trong ngành công nghiệp nội dung số. Các đơn vị đặt “viên gạch” nền móng cho ngành công nghiệp này là Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện (VTC), Công ty cổ phần VNG, Công ty cổ phần Truyền thông Việt Nam (VCCorp)...
Tuy nhiên, các doanh nghiệp nội dung số trong nước đang bị "lép vế" so với các doanh nghiệp hoạt động theo hình thức xuyên biên giới ngay trên "sân nhà". Nguyên nhân được chỉ ra là các chính sách quản lý đang áp dụng chưa theo kịp với sự phát triển mới, còn sự bất bình đẳng giữa doanh nghiệp "nội" và "ngoại".
Theo ông Dương Thế Lương, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty VTC, việc dừng thanh toán thẻ nạp không chỉ làm mất đi lợi thế cạnh tranh duy nhất của các doanh nghiệp nội dung số trong nước, mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành. Ở mảng dịch vụ giải trí trực tuyến, VTC cũng chỉ đạt 50-60% so với các năm trước.
Ông Nguyễn Thế Tân, Tổng Giám đốc Công ty VCCorp cho rằng, các doanh nghiệp nội dung số đang gặp "rào cản" từ áp dụng tư duy cũ trong quản lý. Đơn cử, do chính sách thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân rất cao, nên tỷ lệ thuế VCCorp phải đóng chiếm tới 15-20% trên doanh thu. Điều này làm giảm khả năng bám trụ thị trường, tái đầu tư phát triển và giảm khả năng cạnh tranh với doanh nghiệp "ngoại".
Ngoài ra, còn một số quy định liên quan đến quản lý nội dung đang áp dụng chưa bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp xuyên biên giới, như quy định về quản lý mạng xã hội trong nước...
Để thúc đẩy ngành nội dung số phát triển, ông Dương Thế Lương kiến nghị cơ quan quản lý kết hợp các biện pháp về chính sách, công nghệ và nghiệp vụ để tạo sự bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp xuyên biên giới, ngăn chặn thất thu thuế.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thế Tân đề xuất: "Cần coi ngành nội dung số là ngành kinh tế trọng điểm. Đây là lĩnh vực có thể cạnh tranh sòng phẳng với các doanh nghiệp nước ngoài. Vì vậy, cơ quan quản lý cần sớm có các cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp sáng tạo, như xây dựng "đặc khu ảo" cho những vấn đề, lĩnh vực hóc búa, cần kiểm soát, hoặc có rủi ro hơn. Sau đó chọn lọc công ty, chọn lọc vấn đề để kiểm soát như tiền ảo, nội dung số, phát hành chứng khoán ra quốc tế...".
Ở góc độ hiệp hội, ông Nguyễn Xuân Cường, Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam nhấn mạnh, tiềm năng của ngành nội dung số trong nước rất lớn nếu Nhà nước thiết lập chính sách để hấp dẫn các doanh nghiệp nội dung số quay trở lại phát triển chuyển đổi số trong nước.
Cụ thể, Nhà nước cần sớm xây dựng chính sách bình đẳng giữa các doanh nghiệp "nội" và "ngoại", như ở lĩnh vực thuế, các doanh nghiệp kinh doanh tại Việt Nam đều phải có nghĩa vụ nộp thuế. Với các dịch vụ mới như dịch vụ OTT (dịch vụ miễn phí trên mạng) cần phải quản lý nội dung, nhưng nên xem xét quản lý theo hình thức tiền kiểm hay hậu kiểm để phù hợp với sự phát triển và để người dân được thụ hưởng dịch vụ.
Hiện các nhà mạng trong nước đã, đang thử nghiệm công nghệ 5G, chuẩn bị để thương mại hóa dịch vụ. Cũng như các công nghệ trước đó, khi hạ tầng mạng lưới sẵn sàng, thì yếu tố cần thiết để người dân dùng 5G, là các dịch vụ nội dung số. Đây cũng sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp nội dung số trong nước. Vấn đề mấu chốt của ngành công nghiệp nội dung số là các chính sách phải tạo sự phát triển cho lĩnh vực này.