Những bệnh về da trẻ dễ mắc khi thời tiết nắng nóng
Sức khỏe - Ngày đăng : 15:48, 13/08/2019
Những bệnh về da trẻ dễ mắc
Nắng nóng đang diễn ra trên diện rộng do ảnh hưởng của rìa đông nam vùng áp thấp phía Tây kết hợp với đới gió Tây Nam gây hiệu ứng phơn. Theo Ths.BS Đặng Bích Diệp, Bệnh viện Da liễu trung ương, thời tiết nắng nóng như hiện nay khiến trẻ dễ mắc nhiều bệnh về da. Điển hình là:
Nhọt
Nhọt là tình trạng nhiễm trùng ở nang lông và các thành phần cấu trúc da xung quanh nang lông đó. Người mắc có thể viêm nhiều nang lông cạnh nhau thành nhiều cụm nhọt, nhiều ngòi. Điều trị với các trường hợp nhẹ thường chỉ cần dùng thuốc bôi tại chỗ (sát khuẩn, kháng sinh). Với trường hợp nặng, nhọt sâu hoặc lớn, trẻ cần được đưa đến cơ sở y tế khám và điều trị.
Ngoài việc dùng kháng sinh tại chỗ và toàn thân, trẻ còn phải chích rạch tổn thương dẫn lưu mủ ra ngoài. Trong những đợt nắng đỉnh điểm vừa qua, Bệnh viện Da liễu Trung ương đã ghi nhận khá nhiều trường hợp trẻ phải nhập viện điều trị vì bị nhọt.
Chốc
Đây là bệnh do nhiễm khuẩn, thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi. Tổn thương là bọng nước có dịch trong nhanh chóng hóa mủ, gây ngứa ngáy nên khi trẻ gãi, tổn thương vỡ để lại vết trợt đóng vảy tiết màu mật ong. Khi mắc, trẻ thường bị ngứa, khó chịu và có thể bị sốt. Điều đáng nói, bệnh dễ lây lan, thường lây trực tiếp từ vùng da bệnh đến vùng da lành trên cùng một trẻ, hoặc từ trẻ này sang trẻ khác.
Bệnh này nếu không được điều trị kịp thời, tổn thương sẽ lan rộng, có thể gây nhiễm khuẩn toàn thân, có nguy cơ bị biến chứng viêm cầu thận. Trong những đợt nắng nóng vừa qua, do cha mẹ chủ quan, nhiều trẻ bị chốc đã bị lây lan ra các vùng khác trên cơ thể và phải nhập viện điều trị.
Nấm da
Nấm da cũng là một bệnh trẻ dễ mắc khi thời tiết nắng nóng, đặc biệt là nấm ở vùng da đầu. Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh này có thể khác nhau trong từng trường hợp nhưng nhìn chung thường gây đỏ, ngứa, đầu có nhiều vảy kết thành đám, tóc dễ gãy rụng, có thể để lại sẹo.
Bệnh nấm da đầu rất dễ lây, phổ biến nhất ở trẻ mới biết đi và trẻ em trong độ tuổi đi học. Bệnh thường lây từ chó, mèo sang hoặc do trẻ tiếp xúc với những trẻ em khác bị bệnh.
Viêm da cơ địa
Nắng nóng cũng khiến bệnh viêm da cơ địa dễ phát sinh. Bệnh này chiếm khoảng 30% dân số. Hiện nay, trung bình khoảng 1/3 trẻ đến khám bị viêm da cơ địa.
“Trước đây, mọi người quan niệm viêm da cơ địa thường hay diễn ra vào mùa đông, mùa thu, khi thời tiết hanh khô khiến làn da của trẻ viêm da cơ địa vốn dĩ bị mất lớp ẩm bảo vệ sẽ càng bị hanh khô hơn và hay gây bệnh. Tuy nhiên, hiện nay, vào mùa hè, nhà nào cũng sử dụng điều hòa khiến cho không khí trong phòng thường xuyên khô, làm cho viêm da cơ địa ở trẻ nặng lên nhiều”, vị chuyên gia này cho biết.
Rôm sảy
Bệnh này do viêm các tuyến mồ hôi trên da. Bệnh thường không cần dùng thuốc mà chỉ cần vệ sinh sạch sẽ, mặc các đồ thoáng, thấm hút mồ hôi cho trẻ, rôm sảy sẽ tự hết hoặc có thể điều trị ngoại trú.
Cách phòng bệnh
Để phòng những bệnh thường gặp nói trên, Ths.BS Đặng Bích Diệp khuyến cáo: Do thời tiết nắng nóng, trẻ dễ đổ mồ hồi nên cần cho trẻ mặc các loại quần áo vải mỏng, nhẹ, thấm mồ hôi và sáng màu. Nên thay quần áo thường xuyên cho trẻ; hằng ngày nên tắm cho trẻ nhưng không nên tắm quá lâu, sau khi tắm xong, cần lau khô cho trẻ.
Bên cạnh đó, sử dụng các loại kem chống côn trùng đốt, nhưng cần tham khảo ý kiến của bác sĩ nhằm tránh hiện tượng dị ứng, kích ứng khi sử dụng. Khi cho trẻ ra ngoài trời, nên bôi kem chống nắng để bảo vệ làn da mỏng manh của trẻ.
Khi trời nóng bức, nếu không được bổ sung lượng nước thường xuyên, trẻ cũng có thể mắc các bệnh ngoài da. Vì vậy, “thường xuyên cho trẻ uống nước trong ngày để bảo đảm đủ lượng nước cần thiết. Có thể cho trẻ ăn thêm các loại trái cây có tác dụng làm mát cơ thể”, bác sĩ Diệp đưa ra lời khuyên.
Cha mẹ cũng nên theo dõi các triệu chứng và kiểm tra da của trẻ thường xuyên. Khi thấy có những dấu hiệu đáng ngờ khó nhận biết, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để khám kịp thời, không tự ý dùng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ.