Bệnh Dịch tả lợn châu Phi tạm lắng: Thận trọng khi tái đàn
Nông nghiệp - Ngày đăng : 07:14, 13/08/2019
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội, đến nay, bệnh Dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 28.532 hộ chăn nuôi (chiếm 35,3% tổng số hộ, cơ sở chăn nuôi) của 2.312 thôn, tổ dân phố của 447 xã, phường, thị trấn thuộc 24 quận, huyện, thị xã; làm mắc bệnh và tiêu hủy 496.553 con lợn (chiếm 26,5% tổng đàn) với trọng lượng 34.151 tấn.
Nhờ nỗ lực của cả hệ thống chính trị cùng người dân, từ đầu tháng 7-2019 đến nay, số lượng lợn mắc bệnh và tiêu hủy trên địa bàn thành phố đã giảm hẳn (hiện còn khoảng 300-800 con lợn bị mắc bệnh/ngày); mật độ chăn nuôi lợn tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đã giảm; người chăn nuôi đã có nhiều giải pháp phòng bệnh hiệu quả hơn; đàn lợn có xu hướng miễn dịch tự nhiên...
Bệnh Dịch tả lợn châu Phi có chiều hướng suy giảm cùng giá lợn hơi phục hồi và duy trì ở mức 43.000-44.000 đồng/kg những tuần gần đây khiến người chăn nuôi rục rịch tái đàn với hy vọng giá lợn hơi sẽ tăng mạnh vào dịp cuối năm.
Theo bà Nguyễn Thị Cưa, xã Phương Trung (huyện Thanh Oai), thời điểm này, khi thấy dịch bệnh có chiều hướng lắng xuống, gia đình bà cũng muốn tái đàn để phục vụ thị trường cuối năm. Nhưng được cán bộ thú y xã khuyên không nên tái đàn khi điều kiện chăn nuôi chưa bảo đảm nên gia đình tiếp tục chờ khi bệnh dịch hoàn toàn được khống chế…
Để khuyến cáo nông dân trong phát triển chăn nuôi những tháng cuối năm, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết: "Thành phố Hà Nội yêu cầu hạn chế việc chăn nuôi lợn trong khu dân cư, đặc biệt là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không đáp ứng điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học, không bảo đảm quy định về môi trường, phòng chống dịch bệnh…".
Bên cạnh đó, thành phố chỉ đạo các địa phương không tái đàn ở những cơ sở chăn nuôi đã bị bệnh Dịch tả lợn châu Phi khi bệnh dịch chưa được khống chế hoàn toàn. Nếu các cơ sở chăn nuôi cố tình tái đàn sẽ xử lý theo quy định của pháp luật, khi xảy ra bệnh dịch phải tiêu hủy lợn sẽ không được hưởng chính sách hỗ trợ theo quy định của Nhà nước.
Đối với các quận, thị xã, khuyến cáo người dân không chăn nuôi lợn mà chuyển đổi ngành nghề (trồng hoa - cây cảnh, làm dịch vụ …).
Đối với các hộ chăn nuôi, cần ứng dụng theo phương pháp an toàn sinh học, hữu cơ, giảm chăn nuôi nhỏ lẻ, xây dựng liên kết chuỗi từ chăn nuôi, giết mổ đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm để phát triển hiệu quả, bền vững…
Theo dự báo của ngành Nông nghiệp, từ nay đến cuối năm, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của người dân tăng cao, để ổn định sản xuất và cân đối cung - cầu, ngoài việc tái đàn theo quy định, theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng, ngành Nông nghiệp tiếp tục tăng cường phối hợp với các sở, ngành, công ty, doanh nghiệp chăn nuôi, chế biến, tiêu thụ sản phẩm... bàn giải pháp cụ thể về tiêu thụ thịt lợn và sản phẩm từ thịt lợn.
Mặt khác, ngành chú trọng cập nhật thông tin, thông báo kịp thời, đầy đủ, chính xác tới các quận, huyện và người dân về chủ trương, chính sách, các quy định của Nhà nước về phòng, chống dịch bệnh.
Sở NN&PTNT cũng chỉ đạo các đơn vị duy trì nghiêm hoạt động tại các chốt kiểm dịch động vật liên ngành nhằm tăng cường kiểm soát vận chuyển lợn, sản phẩm từ thịt lợn; triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phòng, chống các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm (cúm gia cầm, tai xanh, lở mồm long móng…) để ngăn chặn dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm.