Cao điểm phòng, chống sốt xuất huyết
Sức khỏe - Ngày đăng : 07:26, 14/08/2019
Nguyên nhân khách quan và chủ quan
Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong những tuần gần đây, số ca mắc mới sốt xuất huyết ghi nhận trên địa bàn cả nước từ 5.000 đến 10.000 ca bệnh/tuần. Từ đầu năm đến nay, cả nước đã có gần 130.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 15 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2018, số ca mắc sốt xuất huyết tăng hơn 3 lần và tăng nhanh tại các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung, Tây Nguyên và Nam Bộ.
Riêng tại Hà Nội, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố, dù số ca mắc sốt xuất huyết giảm so với cùng kỳ của giai đoạn 5 năm (từ năm 2014 đến 2018) và chưa ghi nhận ca bệnh tử vong, song dịch bệnh có xu hướng gia tăng. Trong tuần qua (từ ngày 5 đến 11-8), thành phố ghi nhận 246 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 122 xã, phường, thị trấn của 28 quận, huyện, thị xã. Như vậy, từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã có 2.098 trường hợp mắc sốt xuất huyết. Mặc dù ngành Y tế Thủ đô đã quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống, nhưng dịch bệnh sốt xuất huyết vẫn diễn biến khó lường do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan.
Về nguyên nhân khách quan, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho rằng, hiện tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết trên thế giới và tại nhiều tỉnh, thành phố trong nước đang gia tăng, diễn biến phức tạp. Do dân cư di biến động lớn, đặc biệt là học sinh, sinh viên từ các tỉnh, thành phố đang trở về Hà Nội để bước vào năm học mới. Bên cạnh đó, do tốc độ đô thị hóa nhanh, có nhiều công trình xây dựng, đất bỏ hoang, nhà trọ, lán trại, ao tù... và thời tiết nắng nóng liên tục kéo dài xen lẫn những đợt mưa là môi trường rất thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển. Còn về nguyên nhân chủ quan, tại một số nơi, các chiến dịch diệt bọ gậy vẫn mang tính hình thức và chưa được duy trì thường xuyên, bền vững…
Trong tuần qua, Sở Y tế Hà Nội đã kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn huyện Thường Tín. Hiện tại, toàn huyện ghi nhận hơn 140 trường hợp mắc sốt xuất huyết. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Nhật Cảm đánh giá, dù công tác phòng, chống dịch bệnh đã được chính quyền địa phương nghiêm túc triển khai, thực hiện. Thế nhưng, qua kiểm tra trên thực tế, một số bể nước ngầm không được đậy kín. Hiện tượng chai, lọ, bát đĩa, đường ống nước… không được thu gom, còn tồn đọng nước mưa có ổ bọ gậy, nếu không được xử lý ngay, đây sẽ là nguồn truyền bệnh sốt xuất huyết.
Tương tự, tại huyện Đông Anh, bà Nguyễn Thị Tám, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, để tránh dịch bệnh sốt xuất huyết lây lan diện rộng và bùng phát, huyện Đông Anh đã chủ động tổ chức 2 chiến dịch vệ sinh môi trường tại 24 xã, thị trấn. Ngoài ra, huyện còn kiểm tra hơn 130.000 hộ dân, qua đó phát hiện, xử lý 15.668 dụng cụ chứa nước có bọ gậy...
Dựa vào cộng đồng
Đề cập đến biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), muỗi lây bệnh sốt xuất huyết là muỗi vằn cái, đốt người vào ban ngày, đốt mạnh nhất là vào sáng sớm và chiều tối. Muỗi vằn thường trú đậu ở các góc, xó tối, trên quần áo, chăn màn, dây phơi và các đồ dùng trong nhà. Loại muỗi gây bệnh sốt xuất huyết không đẻ ở ao tù, cống rãnh có nước hôi thối. Muỗi vằn phát triển mạnh vào mùa mưa, khi nhiệt độ trung bình vượt trên 20ºC. Do vậy, biện pháp phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết đơn giản, dễ thực hiện, như: Thu gom phế thải, lật úp các dụng cụ chứa nước, không để nước tù đọng làm phát sinh ổ bọ gậy, lăng quăng.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Đức Hạnh nhấn mạnh, thời gian này, mọi biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết chủ yếu dựa vào cộng đồng. Các ban, ngành, đoàn thể, quận, huyện, thị xã và các xã, phường, thị trấn cần tập trung tuyên truyền, vận động các gia đình tự giác loại bỏ phế liệu, phế thải còn đọng nước. Mặt khác, hướng dẫn người dân thau rửa, thả cá, che màn cho các bể chứa nước. Riêng với các trường học, phải giữ được vệ sinh môi trường, loại bỏ dụng cụ chứa nước không cần thiết và phun hóa chất diệt muỗi trước khi bước vào năm học mới. Việc thực hiện cần triệt để, tránh tình trạng làm đại trà, chung chung. Bên cạnh đó, việc phát hiện ca bệnh cần được tiến hành ngay từ trường hợp đầu tiên để xử lý dứt điểm. Các trạm y tế xã, phường, thị trấn cần hướng dẫn người dân nhận biết các dấu hiệu, cảnh báo khi mắc sốt xuất huyết, tránh tình trạng người dân tự ý mua thuốc hay truyền dịch điều trị.
Trước diễn biến tình hình dịch bệnh như hiện nay, Tiến sĩ Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội đã yêu cầu các đơn vị trong ngành có kế hoạch cụ thể theo từng tình huống; chuẩn bị đủ máy phun, hóa chất cho phòng, chống dịch bệnh. Lãnh đạo các đơn vị phải trực tiếp chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết. Sở Y tế và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố tiếp tục kiểm tra các quận, huyện, thị xã và các xã, phường, thị trấn - nơi có nhiều bệnh nhân, có ổ dịch kéo dài. Quá trình kiểm tra, nếu phát hiện địa bàn nào, chính quyền địa phương và người dân còn lơ là, chủ quan trong công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết, thì lãnh đạo địa phương đó phải chịu trách nhiệm.