Lan tỏa nhanh, chuyển biến mạnh
Đời sống - Ngày đăng : 06:19, 14/08/2019
Bài đầu: Nhiều cách làm sáng tạo
Thực hiện Quyết định số 3814-QĐ/TU, nhiều đơn vị trực thuộc thành phố Hà Nội đã có những cách làm hay, sáng tạo, rất đáng để nhân rộng. Trong đó có việc mở rộng đối tượng được đánh giá, sử dụng phần mềm chấm điểm trên thiết bị điện tử của cá nhân...
Tăng trách nhiệm, nâng hiệu quả
Hơn một năm nay, cứ vào khoảng từ ngày 23 đến 25 hằng tháng, Đảng ủy, UBND xã Ngọc Liệp (huyện Quốc Oai) lại tổ chức họp đánh giá cán bộ, công chức, người lao động. Theo đó, từng cá nhân sẽ trình bày trước cuộc họp kết quả tự chấm điểm, nêu rõ điểm cộng, điểm trừ và lý do. Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Ngọc Liệp Phí Minh Tấn cho biết: “Bí thư Đảng ủy xã đánh giá 12 vị trí việc làm; Chủ tịch UBND xã đánh giá 23 vị trí việc làm. Nội dung đánh giá cán bộ hằng tháng đã trở thành nếp ở Ngọc Liệp”.
Ông Nguyễn Tiến Trà, công chức Văn phòng - Thống kê UBND xã Ngọc Liệp chia sẻ, việc đánh giá hằng tháng giúp mỗi người thấy rõ những việc chưa làm được để cố gắng hơn, đồng thời theo dõi được kết quả công tác của đồng nghiệp để học hỏi, rút kinh nghiệm. Chủ tịch UBND xã Ngọc Liệp Nguyễn Danh Thuận cho biết, hiệu ứng tích cực từ việc “chấm điểm” đã góp phần thôi thúc tinh thần trách nhiệm, nỗ lực phấn đấu trong đội ngũ cán bộ, công chức, người lao động. Nhờ đó, xã đã vươn lên vị trí thứ hai trong huyện Quốc Oai về xếp hạng chỉ số cải cách hành chính năm 2018.
Qua theo dõi của Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội, đến nay, 100% các cơ quan, đơn vị, địa phương đã thực hiện Quyết định số 3814-QĐ/TU và đều có hiệu ứng tích cực. Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy phường Cầu Diễn (quận Nam Từ Liêm) Nguyễn Thanh Hà khẳng định, nhờ đánh giá hằng tháng, “chấm điểm” từng việc nên đội ngũ cán bộ, công chức, người lao động có ý thức vươn lên, nỗ lực tự nâng cao trình độ. Còn Bí thư Đảng ủy xã Liên Ninh (huyện Thanh Trì) Trần Thị Vân cho biết, quyết tâm thực hiện nhiệm vụ của bộ máy chính quyền cao hơn trước, khắc phục cơ bản hiện tượng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm. Ngay cả thái độ phục vụ nhân dân cũng mềm mỏng, niềm nở hơn. Trong khi đó, Bí thư Huyện ủy Mỹ Đức Bạch Liên Hương khẳng định, từ khi thực hiện chủ trương này, chuyển biến rõ nhất là đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của huyện chủ động hơn trong công tác, có ý thức tập trung giải quyết việc khó, việc mới.
Ở góc độ thống kê, Bí thư Đảng ủy, Cục trưởng Cục Thống kê thành phố Hà Nội Đậu Ngọc Hùng cho biết: Nhờ thực hiện đánh giá hằng tháng, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, lao động có trách nhiệm hơn, trăn trở đổi mới, nâng cao năng suất, chất lượng công việc đã được nâng lên.
“Với người dân chúng tôi, khi giao dịch ở bộ phận “một cửa” của UBND phường, thấy rõ thái độ trách nhiệm, sự tận tình hướng dẫn của đội ngũ cán bộ cơ sở. Đó là sự thay đổi mà người dân mong đợi bấy lâu” - chị Chu Thị Luyến (phường Long Biên) chia sẻ.
Chủ động đổi mới, nâng cao chất lượng
Thấy rõ ý nghĩa, tác động tích cực của Quyết định số 3814-QĐ/TU, nhiều đơn vị, địa phương không chỉ thực hiện nghiêm, đúng thời điểm, bảo đảm theo khung tiêu chí mà còn chủ động đổi mới, sáng tạo trong cách làm. Cụ thể, từ 6 tháng nay, thay vì đánh giá cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hằng tháng bằng văn bản giấy, quận Nam Từ Liêm đã ứng dụng phần mềm để xử lý. Chị Nguyễn Thị Kim Thái, chuyên viên Ban Tổ chức Quận ủy Nam Từ Liêm cho biết, thay vì phải ngồi làm phiếu trên giấy, giờ đây chị chỉ cần vào Cổng thông tin điện tử của quận để tự chấm điểm. Phiếu này sẽ được chuyển trực tuyến lên các cấp xét duyệt. “Tiện lợi ở chỗ, tôi có thể tranh thủ được thời gian thực hiện tự đánh giá ở bất cứ đâu nếu có kết nối internet”, chị Nguyễn Thị Kim Thái chia sẻ.
Làm rõ thêm sự tiện lợi của ứng dụng này, Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận Nam Từ Liêm Lê Thị Kim Điệp nói, nhờ có phần mềm, cấp trưởng đơn vị chỉ mất 5-10 phút để đánh giá được cấp dưới. Trưởng ban Tổ chức Quận ủy Nam Từ Liêm Lâm Quang Thao thông tin thêm, trước đây, quận phải mất 6-7 ngày để tổng hợp, đôn đốc việc đánh giá hằng tháng; nhưng nay chỉ cần 1 giờ là có thể tổng hợp được kết quả.
Tương tự quận Nam Từ Liêm, Sở Tài chính cũng đã thực hiện toàn bộ quy trình đánh giá cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng từ xây dựng kế hoạch tuần, chấm điểm và đánh giá hằng tháng hoàn toàn trên phần mềm thay vì dùng giấy tờ. Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Tài chính Hà Minh Hải khẳng định, giải pháp này vừa tiết kiệm, vừa khích lệ được mọi người tích cực tham gia vì thuận tiện, dễ dàng.
Liên Ninh là nơi đầu tiên của huyện Thanh Trì và cũng là một trong những xã đầu tiên của thành phố mở rộng đối tượng đánh giá theo Quyết định số 3814-QĐ/TU đến cấp bí thư chi bộ, trưởng thôn. Bí thư Chi bộ thôn Yên Phú (xã Liên Ninh) Đỗ Thị Linh cho biết, nhờ tham gia đánh giá cán bộ hằng tháng, các bí thư chi bộ, trưởng thôn đều thay đổi phong cách làm việc. “Trước kia có khi cứ nghĩ đến đâu làm đến đấy, giờ phải lập kế hoạch, cụ thể hóa công việc rõ ràng”, bà Đỗ Thị Linh nói.
Theo Bí thư Đảng ủy xã Liên Ninh Trần Thị Vân, Đảng bộ xã có 16 chi bộ, trong đó có 9 chi bộ địa bàn dân cư; đến nay, tất cả cán bộ đều đã thực hiện “chấm điểm” hằng tháng. “Điều dễ nhận thấy nhất là các đồng chí được đánh giá đều sát sao với công việc hơn”, Bí thư Đảng ủy xã Liên Ninh khẳng định. Nhờ hiệu ứng tích cực này, nhiều ngành, đoàn thể của xã được khen thưởng trong các phong trào thi đua của huyện, thành phố và trung ương. Đặc biệt, các chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác xây dựng Đảng đều được xã Liên Ninh hoàn thành ở mức cao.
Ngoài Liên Ninh, huyện Thanh Trì còn 5 xã khác vận dụng cách làm này. Điểm sáng nổi bật là hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở được nâng lên rõ rệt.
(Còn nữa)