Tân Thủ tướng Anh trước cơn “sóng dữ”
Thế giới - Ngày đăng : 06:59, 15/08/2019
Công đảng đối lập đang thúc đẩy một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm chính phủ của Thủ tướng B.Johnson ngay trước khi Quốc hội hoạt động trở lại sau kỳ nghỉ hè vào ngày 3-9 tới. Phát biểu với báo chí, thành viên cấp cao Công đảng Diane Abbott cho biết, Công đảng đang thảo luận với các chính đảng khác trong Quốc hội Anh về kế hoạch bỏ phiếu bất tín nhiệm chính phủ của Thủ tướng B.Johnson. Theo bà D.Abbott, cần nhanh chóng thúc đẩy kế hoạch này nhằm ngăn chặn kịch bản Brexit không thỏa thuận như mong muốn của tân Thủ tướng.
Không chỉ đối mặt với áp lực từ Công đảng, ông chủ nhà số 10 phố Downing cũng phải gánh chịu sự phản đối ngay trong đảng Bảo thủ của mình. Theo ý kiến của nhiều nhà phân tích, việc loại bỏ đến 15 gương mặt trong nội các cũ sẽ khiến danh sách nghị sĩ Bảo thủ có quan điểm chống lại ông B.Johnson và chính phủ tại Hạ viện dài thêm. Cựu Bộ trưởng Tài chính Philip Hammond dự kiến sẽ lãnh đạo phe phản đối kịch bản Brexit không thỏa thuận.
Cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm nếu diễn ra sẽ là một phép thử khó đối với Thủ tướng B.Johnson. ING - một trong những ngân hàng lớn nhất châu Âu dự báo, tiến trình Brexit sẽ bị trì hoãn và có 40% khả năng diễn ra cuộc tổng tuyển cử mới ở vương quốc này. Ngoài ra, ING cho rằng, đồng bảng Anh có thể giảm giá so với đồng euro và kinh tế Anh cũng sẽ phải chịu nhiều áp lực.
Hiện có nhiều nhà đầu tư cho rằng, Brexit không thỏa thuận sẽ gây ra cú sốc cho kinh tế thế giới, đẩy nước Anh vào tình trạng suy thoái, gây rối loạn thị trường tài chính. Trong khi đó, những người ủng hộ Brexit lại cho rằng, chắc chắn sẽ có những khó khăn trong giai đoạn ngắn hạn, song tình trạng trì trệ do Brexit không có thỏa thuận đang bị phóng đại và trong dài hạn, Anh sẽ phát triển mạnh nếu nước này rời khỏi EU.
Số liệu của Văn phòng Thống kê quốc gia Anh (ONS) công bố ngày 9-8 cho biết, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) nước này trong 3 tháng qua đã giảm 0,2%. Đây cũng là lần đầu tiên nền kinh tế Anh tăng trưởng âm kể từ quý IV-2012. Cả ba lĩnh vực chính của nền kinh tế đều gặp khó khăn trong quý II-2019.
Lĩnh vực sản xuất bao gồm chế tạo, năng lượng và khai khoáng đã âm 1,4%. Nguyên nhân chủ yếu là do các công ty đang giảm lượng hàng hóa đã tích trữ trước đó để chuẩn bị cho Brexit. Lĩnh vực dịch vụ chiếm khoảng 80% nền kinh tế Anh - là lĩnh vực duy nhất vẫn tăng trưởng, nhưng với tốc độ chậm nhất trong vòng 3 năm và không đủ để bù đắp cho sự suy giảm của lĩnh vực sản xuất.
Các nhà kinh tế cho rằng, nếu tăng trưởng GDP tiếp tục suy yếu trong quý III-2019, Anh chính thức bị đẩy tới bờ vực suy thoái, ngay trước khi nước này dự kiến "chia tay" EU vào cuối tháng 10.
Thời hạn Anh rời khỏi EU đang đến gần, trong trường hợp vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, Thủ tướng B.Johnson mới có thể tiếp tục triển khai kế hoạch Brexit như dự kiến. Ngược lại, ông B.Johnson không nhận được đa số phiếu ủng hộ, các nghị sĩ sẽ có 14 ngày để lập ra chính phủ mới. Nếu không, ông B.Johnson sẽ phải ấn định thời gian tổ chức tổng tuyển cử. Điều này cũng đồng nghĩa Brexit sẽ tiếp tục là câu chuyện dài kỳ chưa có hồi kết của xứ sở Sương mù.