Nguồn lực môi trường văn hóa - động lực xây dựng con người

Văn hóa - Ngày đăng : 10:53, 15/08/2019

(HNMCT) - Để xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học, việc xây dựng môi trường văn hóa là nhiệm vụ hết sức quan trọng.

Một trong những thành tựu nổi bật của Hà Nội sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TƯ về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” là xây dựng môi trường văn hóa, trong đó từng bước hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở và phát triển các không gian sáng tạo văn hóa nghệ thuật, tạo động lực to lớn trong xây dựng con người Thủ đô.

Nhiều loại hình văn hóa phi vật thể đặc sắc và có lịch sử lâu đời như hát Chèo tàu (xã Tân Hội, huyện Đan Phượng).

Nơi kết tinh các giá trị

Con người, từ khi sinh ra và lớn lên, luôn chịu tác động của môi trường tự nhiên và môi trường xã hội, từ đó hình thành nên những thói quen theo phong tục tập quán của vùng đất mình sinh sống. Xây dựng môi trường văn hóa là tạo dựng và phát huy những chuẩn mực trong hành vi ứng xử, là giữ gìn và phát triển các giá trị văn hóa tinh thần, tiếp tục sáng tạo và bồi đắp những giá trị văn hóa mới. Xưa nay, mọi di sản văn hóa phi vật thể đều không thể tách rời với các không gian văn hóa cộng đồng. Sức sống của các giá trị văn hóa chỉ được nuôi dưỡng, duy trì, truyền qua các thế hệ khi được “tắm mình” trong hơi thở cộng đồng. Các thiết chế văn hóa ở cơ sở chính là nơi để cộng đồng được thỏa sức sáng tạo, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa riêng có của địa phương mình, trong đó nhà văn hóa, điểm sinh hoạt cộng đồng... là những biểu hiện cụ thể, sinh động.

Thực tế đã chứng minh, nhiều hoạt động diễn xướng dân gian khi dần tách khỏi những không gian văn hóa ở địa phương dường như đều thiếu đi một phần “sinh khí”. Rất nhiều hoạt động văn hóa của người Việt chỉ có sức hút khi được tổ chức ở cộng đồng. Việc “sân khấu hóa”, “hội trường hóa” những hoạt động ấy phần lớn đều không thích hợp, không đạt được hiệu quả như khi “trả về” với cộng đồng. Xây dựng các thiết chế văn hóa ở cơ sở, bởi vậy, là xây dựng những không gian kết tinh các giá trị văn hóa của cộng đồng, để cộng đồng lưu giữ những mạch nguồn dân gian, giữ gìn và phát huy các di sản văn hóa phi vật thể, đồng thời sáng tạo nên những giá trị văn hóa mới.

Nhà văn hóa (NVH) thôn Đoài (xã Nam Hồng, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội) từ 3 năm nay đã thực sự trở thành một không gian văn hóa của người dân địa phương khi các sinh hoạt văn hóa được “nảy” ra từ chính những nhu cầu của người dân, sau đó lại tiếp tục được người dân duy trì và gìn giữ. Đó là những câu chuyện lịch sử mà các cựu chiến binh thôn Đoài muốn kể lại qua các kỷ vật, tài liệu sưu tầm được tổ chức bởi Câu lạc bộ (CLB) Di sản và ký ức; là những bức tranh, lọ hoa của các chị em phụ nữ tham gia CLB Mỹ thuật, CLB Làm hoa và cắm hoa nghệ thuật; là nhiều hoạt động sôi nổi khác như CLB Văn nghệ dân gian, CLB Khiêu vũ, các buổi giao lưu về chăm sóc sức khỏe, hướng dẫn sử dụng thực phẩm dinh dưỡng... NVH thôn Đoài là một trong số những NVH đã và đang phát huy tốt vai trò đồng hành với các tầng lớp nhân dân. Điều này minh chứng cho những thành công bước đầu của Đề án “Nghiên cứu, khảo sát, thực hiện thí điểm mô hình tổ chức, hoạt động mới cho NVH thôn trên địa bàn thành phố Hà Nội” của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội từ năm 2016.

Những năm gần đây, xây dựng thiết chế văn hóa, trong đó có NVH, là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà Hà Nội đã đẩy mạnh thực hiện. Sau nhiều năm chú trọng đầu tư và tích cực huy động xã hội hóa, đến nay 2.330/2.528 thôn, làng và 1.689/5.452 tổ dân phố có NVH, điểm sinh hoạt cộng đồng. Ông Nguyễn Vũ Hán, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Quốc Oai, một trong những địa phương thực hiện thành công việc phát huy các sinh hoạt cộng đồng gắn liền với các thiết chế văn hóa, cho biết: “Những năm qua, các thiết chế văn hóa cơ sở như NVH, nhà sinh hoạt cộng đồng, khu thể thao thôn của huyện Quốc Oai đều được nâng cấp khang trang và hiện đại, được đầu tư các trang thiết bị như hệ thống âm thanh, ánh sáng, phông màn, bàn ghế, các dụng cụ thể dục thể thao phục vụ nhu cầu đa dạng của người dân, đặc biệt còn tổ chức tủ sách, phòng đọc, mua sắm các loại nhạc cụ phù hợp đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển văn hóa ở nông thôn”.

Huyện Quốc Oai cũng đã xây dựng đề án “Nâng cao hiệu quả hoạt động NVH thôn, tổ dân phố gắn với nâng cao hiệu quả hoạt động chi hội đoàn thể thôn trên địa bàn huyện Quốc Oai giai đoạn 2019 - 2021”, nhờ đó, nhiều loại hình văn hóa phi vật thể đặc sắc và có lịch sử lâu đời như hát Dô (xã Liệp Tuyết), hát ví Hàm Rồng (xã Tuyết Nghĩa), hát Tuồng (thôn Dương Cốc, xã Đồng Quang), hát Chèo (xã Đại Thành), múa Rối nước (xã Sài Sơn)... được phát triển sâu rộng trong cộng đồng.

Các thiết chế văn hóa ở cơ sở đã có sức sống mạnh mẽ, góp phần nuôi dưỡng phong trào của các cộng đồng dân cư, giữ vai trò quan trọng trong việc phổ biến, nâng cao tri thức, thỏa mãn nhu cầu văn hóa của người dân. Tuy nhiên, vẫn còn có những nơi chưa thực sự phát huy được hết công năng của các thiết chế văn hóa cơ sở. Theo thống kê của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, có tới 34% NVH chỉ tổ chức hoạt động được 1 lần/tháng, ngoài tổ chức họp thôn, họp tổ dân phố hay luyện tập văn nghệ cho những ngày lễ lớn thì chưa phát triển được các CLB để có thể sinh hoạt thường xuyên hơn. Thiếu nguồn lực tài chính để nuôi dưỡng phong trào là khó khăn chủ yếu ở các địa phương, từ chế độ phụ cấp cho người trông coi, quản lý, kinh phí vận hành các thiết chế văn hóa hay nguồn hỗ trợ để khích lệ chất lượng hoạt động của các tầng lớp dân cư.

Lan tỏa tinh hoa văn hóa

Hát chèo được phát triển sâu rộng trong cộng đồng ở huyện Quốc Oai.  Ảnh: Linh Tâm - tư liệu

Một điểm nhấn quan trọng trong việc bồi đắp môi trường văn hóa của Hà Nội, tạo ấn tượng trong lòng người dân Thủ đô, cả nước và bè bạn quốc tế, đó là sự kiến tạo và phát triển các không gian văn hóa mới. Đây có thể coi là một trong những “đặc sản” mà thành phố đã tạo dựng được trong những năm vừa qua.

Không chỉ là đối tượng được thụ hưởng không gian văn hóa, chính những người dân cũng là chủ thể góp phần phát triển không gian này bằng các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, các trò chơi dân gian, hoặc chỉ đơn giản đóng vai trò khán giả. Sự tương tác văn hóa của cộng đồng càng giúp các không gian sáng tạo mới này thu hút được sự quan tâm của người dân và khách du lịch. Điều đó cũng giải thích vì sao, năm đầu tiên triển khai thí điểm Không gian phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận, chính quyền thành phố đã phải hỗ trợ, kêu gọi các đơn vị nghệ thuật biểu diễn để có thể đảm bảo các chương trình phục vụ người dân, thì nay nhiều nhóm nhạc trong và ngoài nước đã tự nguyện đề xuất xin cấp phép biểu diễn.

Rất nhiều hoạt động văn hóa như chương trình biểu diễn nghệ thuật, triển lãm ảnh, lễ hội hoa, ngày hội thể thao, lễ hội ẩm thực, tuần lễ du lịch, các cuộc thi marathon... đã liên tục diễn ra mà Không gian phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận là lựa chọn đầu tiên để tổ chức. Trong số đó, không ít hoạt động đã trở thành thương hiệu văn hóa như Hòa nhạc Vietnam Airlines Classic - Hanoi Concert, Lễ hội hoa anh đào Nhật Bản - Hà Nội… Rõ ràng, việc kiến tạo nên không gian văn hóa mới này đã tạo đà để các hoạt động văn hóa được phát triển mạnh mẽ hơn, thu hút sự chú ý của người dân trong thành phố và bạn bè quốc tế, từ đó kéo theo sự phát triển về kinh tế - xã hội.

Sự thành công của Không gian  phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận dường như đã truyền cảm hứng sáng tạo và kết nối văn hóa, để sau đó những không gian sáng tạo mới như Phố sách Hà Nội, Phố bích họa Phùng Hưng, Phố đi bộ Trịnh Công Sơn cũng đã mau chóng trở thành những địa chỉ hoạt động văn hóa thu hút người dân. Bên cạnh đó là sự “làm mới” các không gian cũ, “đánh thức” các di tích, “hồi sinh” các địa chỉ văn hóa như Hoàng thành Thăng Long, Nhà hát Lớn, Trung tâm Giao lưu văn hóa phố cổ...

Điều đó đã đem lại sức hút cho di sản, đồng thời làm phong phú thêm đời sống tinh thần của người dân Thủ đô, góp phần nuôi dưỡng cảm hứng sáng tạo trong cộng đồng. Những mô hình không gian văn hóa sáng tạo mới này không chỉ góp phần gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể, lan tỏa các giá trị văn hóa mà còn đóng một vai trò vô cùng quan trọng góp phần tạo nên bản sắc đô thị Hà Nội. Sự đầu tư đúng đắn vào các không gian văn hóa không chỉ giúp Hà Nội tăng cơ hội phát triển kinh tế từ văn hóa, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân Thủ đô, mà còn góp phần đưa Hà Nội trở thành một thành phố đáng đến, đáng sống hơn.

Xét cho cùng, mục tiêu của xây dựng môi trường văn hóa, trong đó có các thiết chế văn hóa, cũng chính là để phát triển con người, từ đó tạo thành nguồn sức mạnh mềm phát triển bền vững cho Thủ đô.

Có thể nói, việc xây dựng môi trường văn hóa, trong đó chú trọng đến không gian sáng tạo, tăng cường vai trò của hệ thống thiết chế văn hóa như nhà văn hóa, điểm sinh hoạt cộng đồng đang cho thấy những hiệu quả tích cực, góp phần làm cho đời sống văn hóa, tinh thần của Hà Nội thêm phong phú. Mô hình Không gian phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận là một ví dụ tiêu biểu, đã chứng tỏ những thành công bước đầu và đang được nhân rộng. Chúng ta thấy rõ, trong không gian này, nhiều hoạt động văn hóa đã được tổ chức như biểu diễn âm nhạc đường phố, ảo thuật đường phố, vẽ, nhảy tập thể, các trò chơi dân gian..., điều này một mặt đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí ngoài trời của người dân thành phố, mặt khác, đây cũng là nơi để du khách quốc tế khám phá thêm về sự độc đáo và đa dạng trong văn hóa của người Việt. 

Nhà nghiên cứu âm nhạc, nhạc sĩ Nguyễn Quang Long

Vân Hạ