Nền văn học tiêu dùng - có hay không?
Văn hóa - Ngày đăng : 11:27, 15/08/2019
Cơ chế thị trường và những tác động to lớn của nó đến con người (trong tư cách chủ thể sáng tạo, tiếp nhận - chủ thể sản sinh và tiêu thụ văn hóa) đã dần khai sinh một hình thái văn học như là một sản phẩm của thời đại tiêu dùng. Nhận diện hình thái văn học thời đại tiêu dùng ở mọi khía cạnh liên quan cũng trở thành những mối quan tâm thường trực của nhà phê bình và công chúng văn học đương đại.
Văn học tiêu dùng là khái niệm nhằm đem đến hình dung về tính chất hàng hóa của văn chương trong thời đại tiêu dùng. Nói dễ hiểu, trong khái niệm này, văn học chính là hàng hóa. Xác lập cách hiểu này đồng thời đưa chúng ta đến một trường các vấn đề liên quan như nhà sản xuất - cung ứng, khách hàng, thị trường, các hoạt động thương mại, quảng bá, lợi nhuận... Câu chuyện sẽ rất rộng lớn, nhưng trong bài viết này, chúng tôi tập trung vào một số khía cạnh có tính chất cơ sở, nhằm đánh giá sự ra đời và tồn tại của văn học tiêu dùng.
Từ góc độ Xã hội học có thể thấy văn học Việt Nam đương đại là sự kiện xã hội. Đặt trong tính toàn thể của nó, những nghiên cứu xã hội học về tâm lý sáng tạo, tâm lý tiếp nhận các sản phẩm văn học thời đại tiêu dùng có thể bước đầu cần được hình dung. Từ những nhận diện cụ thể đó, văn học sẽ đem lại cái nhìn linh hoạt hơn về chức năng, nhiệm vụ, sứ mệnh của nó trong thời đổi mới và hội nhập. Văn chương lúc này không phải là thế giới đóng kín, tự trị, mà trở thành hiện tượng xã hội, thành dữ kiện cho việc điều tra, phân tích các vận động tinh thần, thị hiếu của công chúng.
Từ góc độ Ngôn ngữ học, những nghiên cứu về ngôn ngữ trong văn học thời đại tiêu dùng; tác động của ngôn ngữ văn học đại chúng tới đời sống ngôn ngữ cộng đồng, dân tộc; khả năng hành chức của ngôn ngữ trong văn học thời đại tiêu dùng; vấn đề ngôn ngữ cá nhân - biệt ngữ cá nhân và ngôn ngữ đại chúng trong văn học thời đại tiêu dùng... cũng là điều đáng quan tâm, cho thấy sức tác động của văn học đến đời sống, văn hóa và ngôn ngữ Việt Nam. Một dấu hiệu dễ nhận thấy nhất là sự di thực của ngôn ngữ đời sống, ngôn ngữ giao tiếp thông thường, khẩu ngữ vào hệ thống ngôn ngữ văn chương - vốn được hiểu là thứ ngôn ngữ cao cấp hơn. Những nhìn nhận từ ngôn ngữ học đem lại đánh giá chính xác về việc văn học như là hàng hóa đã tiến đến hòa nhập với đời sống tiêu dùng của đại chúng, đáp ứng nhu cầu của con người như thế nào?
Từ góc độ Triết học, có một số vấn đề quan trọng đặt ra khi xem xét tính chất - hiện tượng hàng hóa văn chương hiện nay. Thứ nhất, văn học thời đại tiêu dùng đặt ra vấn đề sự thay đổi các hệ giá trị của con người - vũ trụ quan, nhân sinh quan, lối sống - lẽ sống, quan niệm về giá trị của con người thời đại tiêu dùng. Thứ hai, về mối quan hệ giữa văn hóa, văn học thời đại tiêu dùng với việc hoạch định đường lối phát triển văn hóa dân tộc trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế - xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Thứ ba, vấn đề truyền thống và hiện đại nhìn từ văn học thời đại tiêu dùng. Thứ tư, vấn đề tư tưởng, đạo đức, nhân cách của con người nhìn từ văn học thời đại tiêu dùng. Thứ năm, văn học tiêu dùng và vấn đề triết học liên văn hóa trong thời mở của, hội nhập...
Sự thực, đây là những vấn đề lớn của văn học đương đại không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới. Nó cho thấy sự tác động của văn học đến con người, đời sống, buộc người ta phải chú ý đến nó, mô tả, lý giải, đánh giá nó trong lịch sử tồn tại của nhân loại. Trong phạm vi tính thị trường của văn chương hay văn chương thị trường, những nghiên cứu cẩn thận, xuất phát từ góc độ triết học sẽ lý giải được gốc rễ của hiện tượng, đồng thời khái quát được các mô hình hay trào lưu, sẽ vận động trong tương lai.
Từ góc độ văn hóa kinh tế, theo Tưởng Thuật Trác - nhà nghiên cứu văn học người Trung Quốc, “quá trình lưu thông hàng hóa văn học nghệ thuật không chỉ có lưu thông tiền của mà cũng có sản sinh và lưu thông ý nghĩa, sự thích thú và tư cách xã hội, cho nên độc giả (hoặc người cảm thụ) cũng có tiếp nhận được những thứ đó. Họ sẽ chọn lựa loại văn học nghệ thuật nào đó là quan niệm về giá trị văn hóa của họ. Ở khía cạnh kinh doanh, nghệ thuật thành hàng hóa cũng phải dựng cho mình một ý thức về thương hiệu, phải làm sao càng tinh xảo đẹp đẽ, thu hút được nhiều người tiêu dùng”.
Trong sự vận động của đời sống tiêu dùng, rõ ràng, văn học đã tìm thấy một cơ chế mới, một cách vận hành chức năng, sứ mệnh của mình trong không gian đương đại. Mỗi thời đại đều có hình thức của nó. Bởi vậy, văn học Việt Nam đương đại, trong nhận diện là một sản phẩm văn hóa, đã cho thấy những bước chuyển về hình thức tương ứng của thời đại này. Vấn đề đặt ra là khi trở thành sản phẩm, hàng hóa, thì chất lượng nghệ thuật của văn học Việt Nam có bị ảnh hưởng không? Các nhà nghiên cứu cũng đã đặt ra vấn đề này.
Tuy nhiên, trong một cách hiểu có tính biện chứng nhất về quy luật tồn tại, khi là sản phẩm, văn học cũng phải đáp ứng các tiêu chuẩn, tiêu chí về chất lượng, nội dung, hình thức, các cách thức quảng bá, PR... Chạy theo lợi nhuận đôi khi làm biến dạng phương thức tồn tại có nghĩa lý của văn chương. Nhưng, như đã nói, thời đại nào cũng có hình thức riêng của nó, và những gì đang diễn ra đối với văn học đương đại Việt Nam hoàn toàn có thể lý giải từ bối cảnh, nhu cầu, tâm thế của con người, cuộc sống đương đại. Tính thị trường, tính tiêu dùng là tất yếu của nền kinh tế hàng hóa, kinh tế thị trường. Tuy nhiên, quy luật của các giá trị sẽ vượt lên tính đào thải khắc nghiệt, tính chọn lựa nhất thời theo sở thích tiêu dùng để hiện diện cùng lịch sử nhân loại và lịch sử mỹ học.