Quản lý trật tự xây dựng: Tăng kỷ cương, “siết” trách nhiệm
Đời sống - Ngày đăng : 06:26, 15/08/2019
Tỷ lệ công trình vi phạm giảm mạnh
Đánh giá về công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố, Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Việt Dũng cho biết, những năm gần đây, hoạt động xây dựng được giám sát ngày càng chặt chẽ hơn. 100% công trình đang xây dựng trên địa bàn đều được kiểm tra. Tỷ lệ công trình vi phạm trật tự xây dựng đã giảm mạnh. Nhiều trường hợp vi phạm tồn đọng được giải quyết dứt điểm, giảm phát sinh vi phạm mới; đặc biệt không để xảy ra các trường hợp vi phạm nghiêm trọng, gây bức xúc trong xã hội.
Trưởng phòng Kế hoạch - Tổng hợp (Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội) Trần Mạnh Thắng thông tin thêm, từ năm 2016 đến nay, tỷ lệ công trình vi phạm trật tự xây dựng giảm mạnh theo từng năm. Nếu như năm 2016, con số này là 13,9% (2.469 công trình vi phạm/19.138 công trình xây dựng), thì năm 2017 giảm còn 10,99% (1.916 công trình vi phạm/17.422 công trình xây dựng), năm 2018 còn 5,22% (1.065 công trình vi phạm/20.367 công trình xây dựng). 6 tháng đầu năm 2019, tỷ lệ này là 3,5% (giảm 3% so với cùng kỳ năm 2018), với 357 trường hợp vi phạm/10.194 công trình xây dựng.
Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Hoàng Cao Thắng, tỷ lệ công trình vi phạm trật tự xây dựng giảm là do các cấp chính quyền đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ nhằm tạo sự chuyển biến về kỷ luật, kỷ cương, quán triệt phương châm “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ quy trình, rõ hiệu quả”; nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong quản lý quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng; sự tăng cường phối hợp giữa Sở Xây dựng và UBND các quận, huyện. Đặc biệt, việc triển khai thí điểm thành lập Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã (theo Quyết định số 3406/QĐ-UBND, ngày 4-7-2018 của UBND thành phố Hà Nội) đã góp phần giúp cấp quận, huyện, thị xã kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng phát sinh trên địa bàn quản lý...
Chỉ đạo quyết liệt, điều hành thống nhất
Làm rõ hơn vấn đề này, ông Đào Quang Vinh Hiển, Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị, UBND quận Hà Đông cho biết, việc đưa lực lượng thanh tra xây dựng về UBND cấp huyện giúp công tác chỉ đạo, lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng tại địa phương có nhiều thuận lợi. "Chẳng hạn trước đây, khi lực lượng thanh tra do Sở Xây dựng điều hành trực tiếp, nếu có sai phạm, UBND quận không thể xử lý trách nhiệm cán bộ thanh tra. Ngược lại, khi thanh tra xây dựng phát hiện sai phạm, lập hồ sơ chuyển cho chính quyền địa phương xử lý, nhưng khâu phối hợp không tốt cũng dẫn đến vi phạm chậm bị xử lý", ông Đào Quang Vinh Hiển nêu.
Cũng từ góc độ địa phương, đã có nhiều mô hình mới, cách làm hay trong tổ chức bộ máy, quản lý hiệu quả trật tự xây dựng. Đội trưởng Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị quận Ba Đình Vũ Hữu Anh cho biết, quận Ba Đình có 14 phường. Để nắm chắc địa bàn, đội thực hiện “quản” theo 2 cấp: Cấp phường có các tổ địa bàn theo dõi sát hoạt động xây dựng. Ở cấp quận, đội thành lập 2 tổ kiểm tra, giám sát các tổ địa bàn. Các công trình đang xây dựng đều được báo cáo cụ thể tại các cuộc họp giao ban toàn đội vào sáng thứ hai hằng tuần.
Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến nhấn mạnh, công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn quận có sự phối hợp chặt chẽ của các lực lượng: Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị, Phòng quản lý đô thị, Công an quận. Lãnh đạo quận yêu cầu Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị, UBND các phường nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra các hoạt động xây dựng, phát hiện và xử lý kịp thời vi phạm. Đồng thời, UBND quận cũng yêu cầu Phòng quản lý đô thị chủ trì tổ công tác của quận kiểm tra việc chấp hành các quy định quản lý trật tự xây dựng nhà ở riêng lẻ trên địa bàn; định kỳ hằng tháng tổng hợp, báo cáo, đề xuất UBND quận chỉ đạo, xử lý các trường hợp vi phạm...
Đối với địa bàn huyện Đông Anh, ông Nguyễn Xuân Linh, Phó Chủ tịch UBND huyện cho hay, thời gian qua, công tác quản lý trật tự xây dựng được lãnh đạo huyện chỉ đạo sát sao, thống nhất quy trình phối hợp trong điều hành và giải quyết, xử lý vi phạm đất đai, trật tự xây dựng... Tại các hội nghị giao ban, UBND huyện đều yêu cầu các xã, thị trấn; các phòng ban, đơn vị liên quan báo cáo kết quả xử lý vi phạm đất đai, trật tự xây dựng và coi đây là một trong những tiêu chí đánh giá phân loại hằng tháng đối với lãnh đạo quản lý, chủ tịch UBND xã, thị trấn và trưởng các đơn vị chuyên môn.
Theo Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Việt Dũng, việc đưa thanh tra xây dựng chịu sự quản lý toàn diện của UBND cấp huyện bảo đảm quy tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương và thực tiễn quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố; giúp lực lượng này bám sát địa bàn, thể hiện tính chủ động, tích cực cùng kiểm tra, xử lý kịp thời vi phạm phát sinh. Bên cạnh đó, hiệu quả quản lý trật tự xây dựng phụ thuộc rất nhiều vào vai trò của người đứng đầu, nhất là chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã. Thực tế cho thấy, nơi nào người đứng đầu địa phương quan tâm, chỉ đạo quyết liệt thì công tác quản lý trật tự xây dựng tại nơi đó đạt hiệu quả.
Tuy vậy, con số báo cáo vẫn là trên giấy tờ. "Hiện nay công tác quản lý trật tự xây dựng và kết quả xử lý được tổng hợp trên cơ sở báo cáo của các quận, huyện. Nhằm tăng cường giám sát, Thanh tra Sở đang xây dựng kế hoạch kiểm tra “xác suất” thực tế công tác quản lý trật tự xây dựng tại một số quận, huyện, phường, thị trấn", ông Nguyễn Việt Dũng thông tin thêm.