Bộ trưởng Bộ Công an: Chưa phát hiện trường hợp bảo kê cho tín dụng "đen"
Đời sống - Ngày đăng : 15:18, 15/08/2019
Bộ Công an đã nhiều lần có báo cáo và đề xuất giải pháp khắc phục, trong đó đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 12/CT-TTg về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng "đen”. Bộ Công an đã có kế hoạch, chuyên đề riêng phòng ngừa, đấu tranh với loại tội phạm này.
6 tháng đầu năm 2019, trên toàn quốc đã khởi tố 214 vụ với hơn 947 bị can liên quan đến hoạt động tín dụng "đen". Lực lượng công an đã áp dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ làm tan rã 1.400 đường dây tổ chức cho vay nặng lãi có hoạt động liên quan đến tội phạm tín dụng "đen”.
Do trấn áp mạnh, tội phạm đã được kiềm chế, giảm tính phức tạp so với trước đây. Nhiều chỗ tạm dừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng. Nhân dân cảnh giác với hoạt động này. Tuy nhiên, tình hình đòi nợ thuê còn diễn biến phức tạp, gây lo lắng cho nhân dân. Đáng lưu ý, hình thức biến tướng, lợi dụng không gian mạng để cho vay qua mạng internet có chiều hướng gia tăng, khó kiểm soát.
Nguyên nhân tín dụng "đen" vẫn tồn tại được Bộ trưởng giải thích là do nhu cầu cho vay, sử dụng tín dụng, thậm chí sử dụng tín dụng "đen" trong nhân dân vẫn còn; việc xử lý tội phạm còn gặp nhiều khó khăn do đối tượng có thủ đoạn lách luật.
Giải pháp trong thời gian tới được người đứng đầu ngành Công an đưa ra là tiếp tục duy trì tấn công trấn áp tội phạm liên quan đến tín dụng "đen" theo kế hoạch đặt ra. Lực lượng công an sử dụng các biện pháp nghiệp vụ triệt phá các băng nhóm hoạt động cho vay nặng lãi, tín dụng "đen" ngay từ khi mới hình thành…
“Có hay không sự bảo kê của các lực lượng chức năng cho hoạt động tội phạm tín dụng 'đen'? – Qua điều tra, hiện chưa phát hiện trường hợp nào bao che, bảo kê cho tội phạm tín dụng "đen" của các lực lượng chức năng, kể cả trong lực lượng công an. Quan điểm của Bộ Công an là xử lý nghiêm các trường hợp bảo kê, không có vùng cấm nào trong hoạt động này”, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định.
Tăng cường quản lý chất lượng xăng dầu ở nhiều địa phương
Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang) về trách nhiệm của các ngành chức năng khi để xảy ra nhiều vụ làm giả, hàng nhái gắn mác hàng Việt Nam, vụ sản xuất xăng giả với quy mô lớn trong thời gian vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, ngay sau khi vụ việc sản xuất xăng giả quy mô lớn được phát hiện, qua kiểm tra cho thấy, sự phối hợp đồng bộ giữa các lực lượng chưa kịp thời và hiệu quả, đặc biệt là trong việc tìm ra kẽ hở của luật pháp và trong thực thi chức năng để kiểm soát tốt các sản phẩm được lưu thông trên thị trường.
Theo quy định, Bộ Khoa học và Công nghệ chỉ đạo kiểm tra, kiểm soát chất lượng sản phẩm như quy chuẩn, tiêu chuẩn của mặt hàng xăng, dầu khi thực hiện pha chế; lực lượng quản lý thị trường có trách nhiệm thực hiện kế hoạch kiểm tra về chất lượng xăng dầu trên địa bàn và trên thị trường. Tuy nhiên, các lực lượng không phối hợp tốt để phát hiện được hành vi có tổ chức, quy mô, tinh vi về mặt hàng này. Vì vậy, sau khi Công an tổ chức điều tra vụ việc, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức kiểm tra lại quá trình thực thi pháp luật.
Trước mắt, trong khi chờ đợi kết luật của Công an, để làm rõ trách nhiệm và lỗ hổng của pháp luật liên quan đến lực lượng quản lý nhà nước từng ngành, từng lĩnh vực, bộ và các đơn vị liên quan đã có biện pháp chấn chỉnh để đảm bảo kế hoạch kiểm tra, quản lý chất lượng xăng dầu ở địa bàn, các địa phương chặt chẽ hơn.
Xử lý nghiêm việc chi sai để trục lợi bảo hiểm thất nghiệp
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) cho rằng, cách tổ chức thực hiện trợ cấp thất nghiệp như hiện nay đã bộc lộ nhiều bất cập, dẫn tới việc chi trả sai số tiền lớn, khó thu hồi được.
“Tính tới tháng 7-2019, tổng số tiền chi sai bảo hiểm xã hội lên tới gần 72 tỷ đồng. Trách nhiệm thu hồi số tiền này thuộc về ai? Nếu không thu hồi được thì ai là người đền bù?”, đại biểu chất vấn.
Giải đáp băn khoăn của đại biểu Kim Thúy, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương bình và Xã hội Đào Ngọc Dung khẳng định, chưa có con số thống kê nào cho thấy mức chi sai lên tới 72 tỷ đồng. Theo số liệu kiểm toán năm 2015, kiểm toán đề nghị thu hồi 18,8 tỷ đồng, sau khi có giải trình của các đơn vị thì kiểm toán chấp nhận cho chi 5,4 tỷ đồng, còn hơn 13 tỷ đồng chi không đúng đã được thu hồi 100%. Kiểm toán năm 2018 phát hiện và có kết luận tổng số tiền chi sai là 18,9 tỷ đồng, chủ yếu là chi sai do thiếu kết nối về thông tin. Một số người sau khi thất nghiệp hoặc nhảy việc đã có việc làm rồi vẫn làm thủ tục để nhận bảo hiểm thất nghiệp.
“Để xảy ra tình trạng này có trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước. Trong tuần tới, tôi sẽ dành thời gian nghe lại vấn đề này và làm việc với kiểm toán để xử lý các trường hợp này. Tinh thần là đối với tất cả các trường hợp chi sai để trục lợi thì phải kiên quyết xử lý theo quy định của pháp luật”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
Để khắc phục tình trạng chi sai bảo hiểm xã hội, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương bình và Xã hội đề cập 3 giải pháp, bao gồm: Xây dựng đề án cải cách bảo hiểm xã hội, trong đó có bảo hiểm thất nghiệp; tập trung thanh tra về việc thực hiện các chính sách bảo hiểm xã hội vào năm 2020; tăng cường quản lý, kết nối dữ liệu và chia sẻ thông tin.