TTXVN tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền đấu tranh phòng, chống tham nhũng
Chính trị - Ngày đăng : 20:39, 15/08/2019
Tại buổi làm việc, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng giám đốc TTXVN Đinh Đăng Quang cho biết: Thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cơ quan thông tấn nhà nước, Đảng ủy, Ban lãnh đạo TTXVN tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị thông tin trong toàn ngành thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Các đơn vị thông tin của TTXVN luôn bám sát hướng dẫn tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng, lãng phí của Ban Tuyên giáo Trung ương và các nhiệm vụ nêu trong Quy chế phối hợp giữa Ban Nội chính Trung ương với TTXVN về thông tin, tuyên truyền công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng.
Theo đó, việc thực hiện thông tin bằng các loại hình: tin văn bản, ảnh, truyền hình, đồ họa với nhiều chuyên mục, chuyên đề, nội dung phong phú. Trong 6 tháng đầu năm nay, các đơn vị thông tin nguồn của TTXVN đã sản xuất, đăng phát khoảng 600 tin, bài, ảnh, phóng sự truyền hình, tin đồ họa về lĩnh vực phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Tuyến tin phòng, chống tham nhũng vặt tiếp tục tăng cường, bám sát tình hình ở nhiều địa bàn, lĩnh vực. Chuyên mục “Người tốt, việc tốt”, bên cạnh giới thiệu các tấm gương tiêu biểu trong các lĩnh vực, các đơn vị thông tin chú ý phản ánh những điển hình trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Về kết quả kiểm tra, giám sát cho thấy trong 6 tháng đầu năm, các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Thông tấn xã Việt Nam chấp hành nghiêm các quy định của Đảng; thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 khóa 12 và Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị. Cho đến nay, tại Đảng bộ TTXVN chưa phát hiện trường hợp nào suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Đồng thời đề xuất, kiến nghị với Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Ban Nội chính Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương quan tâm chỉ đạo, phối hợp với các bộ, ngành có cơ chế cung cấp thông tin phù hợp. Qua đó nhằm bảo đảm cung cấp nguồn thông tin chính thống liên quan tới công tác phòng, chống tham nhũng cho TTXVN, góp phần định hướng thông tin, định hướng dư luận xã hội.
Phát biểu tại buổi làm việc, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng nêu rõ, với tư cách là cơ quan thông tấn đi đầu, nơi cung cấp tin nguồn cho nhiều lĩnh vực trong đó có công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, TTXVN đã làm rất tốt nhiệm vụ này. Theo đó, về số lượng tin bài tuyên truyền cho công tác này khá lớn, chất lượng ngày càng nâng cao, phản ánh được công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng.
Cùng với đó, có nhiều hình thức tuyên truyền thể hiện mới, trình bày mới, hấp dẫn người đọc. Thêm vào đó, đối với cơ quan, TTXVN luôn chú ý công tác phòng chống tham nhũng trong nội bộ, việc tổ chức học tập các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng được triển khai, thực hiện rất tốt.
Đồng chí Võ Văn Thưởng yêu cầu: Thời gian tới, TTXVN cần đẩy mạnh hơn nữa, thực chất hơn nữa về công tác thông tin, tuyên truyền về đấu tranh phòng chống tham nhũng. Việc đấu tranh phải bằng nhiều biện pháp, song báo chí cũng là một biện pháp rất mạnh mẽ bằng cách thông tin, tuyên truyền. Tuy nhiên cũng đòi hỏi người làm báo phải có bản lĩnh, sự quyết tâm, tiến hành bài bản, chặt chẽ, khoa học và có sức thuyết phục. Đồng chí Võ Văn Thưởng cũng cho rằng, đấu tranh phòng chống tham nhũng phải gắn liền với việc tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
"Trong giai đoạn mới, tôi đề nghị các đồng chí tiếp tục duy trì nhưng phải tập trung vào một số lĩnh vực mới, lĩnh vực khó khăn, hạn chế, chẳng hạn như lĩnh vực đấu tranh chống tham nhũng ở các cấp cơ sở, các lĩnh vực liên quan trong quan hệ đối với người dân. Để người dân cảm nhận được thành tựu của công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng", đồng chí Võ Văn Thưởng nhấn mạnh.
Hiện TTXVN có 28 đơn vị, trong đó có 16 đơn vị thông tin, 5 đơn vị phục vụ thông tin và 2 cơ quan khu vực (tại miền Trung-Tây Nguyên và khu vực phía Nam). TTXVN còn có 63 cơ quan thường trú trong nước, 30 cơ quan thường trú nước ngoài và 2 doanh nghiệp in. Toàn ngành hiện có gần 2.300 cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, trong đó có khoảng 1.000 phóng viên, biên tập viên.