Người có tầm ảnh hưởng trong lịch sử tình báo hạt nhân
Hồ sơ - Ngày đăng : 10:11, 17/08/2019
Vụ án “gián điệp nguyên tử” làm rúng động thế giới
Bốn năm sau ngày Mỹ thả hai quả bom nguyên tử đầu tiên xuống Nhật Bản, ngày 29-8-1949, Liên Xô thử nghiệm thành công quả bom hạt nhân đầu tiên của mình ở Semipalatinsk (Kazakhstan). Sự kiện này đã giáng một đòn mạnh vào các kế hoạch tác chiến hạt nhân của Mỹ và bất ngờ thay đổi cán cân quyền lực trên thế giới.
Vài tháng sau đó, ngày 10-2-1950, Phó Giám đốc chương trình bom nguyên tử của Anh Klaus Fuchs - người từng tham gia chương trình Manhattan chế tạo bom nguyên tử Mỹ bị bắt vì thú nhận có trao các tài liệu nguyên tử cho các gián điệp Liên Xô. Sự kiện này đã mở ra hiệu ứng dây chuyền liên quan đến một đường dây gián điệp mà đỉnh điểm là vụ bắt giữ và xử tử vợ chồng Julius và Ethel Rosenberg năm 1953 ở Mỹ.
Mặc cho người Mỹ nhất quyết đòi giao Klaus Fuchs cho họ xử tội, tháng 3-1950, tòa án Anh xử Klaus Fuchs tội tiết lộ bí mật quốc gia.
Fuchs bị kết tội gián điệp, nhẹ hơn so với tội phản quốc, vì Liên Xô vẫn được coi là đồng minh của Anh vào thời điểm đó, nhận mức án tù tối đa là 14 năm và bị tước quốc tịch Anh.
Ngày 24-6-1959, ở sân bay Heathrow có một người đàn ông dáng thanh mảnh, đứng tuổi, mặc bộ đồ màu nâu, đeo kính gọng sắt bước lên máy bay của hãng hàng không Ba Lan đi Cộng hòa Dân chủ Đức (Đông Đức). Hộ chiếu người này mang tên Strauss nhưng thực ra là Klaus Fuchs vừa được trả tự do. Hai ngày sau, ông chính thức trở thành công dân Đông Đức.
Chỉ trong vòng một tháng, ông được cử làm Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu vật lý nguyên tử. Mười ngày sau khi nhậm chức, ông làm lễ cưới người bạn gái cũ từ những năm tháng ở Pháp Greta Keilson. Quãng đời còn lại của ông êm đềm trôi trong tĩnh lặng của nghiên cứu khoa học. Nhà nước Đông Đức đã tôn vinh Klaus Fuchs, tặng ông huân chương cao quý Karl Marx năm 1979. Ông mất vào ngày 28-1-1988.
Người góp phần làm đảo lộn lịch sử vũ khí hạt nhân
Klaus Fuchs là nhà khoa học năng lượng nguyên tử người Anh gốc Đức. Ngay từ khi còn là sinh viên ở Trường Đại học Kiel (Đức), Klaus Fuchs đã tham gia vào phong trào chính trị chống lại đảng cầm quyền đương thời là Đức Quốc xã. Ông là thành viên Đảng Cộng sản Đức. Đầu năm 1933, sau vụ trụ sở Quốc hội Đức bốc cháy, trước sự khủng bố của Hitler, Klaus Fuchs kịp nhảy lên một đoàn tàu từ Berlin đi Thụy Sĩ, rồi đi Paris, sau đó tìm đường sang Anh với sự giúp đỡ của bạn bè.
Tại nước Anh, Klaus Fuchs vào học tiến sĩ tại Trường Đại học Edinburgh, nghiên cứu về vật lý nguyên tử và nhiệt hạch. Ông thường công bố các công trình nghiên cứu của mình trên tập san của Hội khoa học Hoàng gia.
Tháng 9-1939, khi Hitler xâm chiếm Ba Lan, Thế chiến thứ hai bùng nổ, vì là người Đức nên Klaus Fuchs bị chính phủ Anh liệt vào danh sách những "hiểm họa tiềm ẩn". Ông bị đưa tới một trại tập trung ở Canada. Tuy nhiên, sau 9 tháng, nhà khoa học vật lý tài năng được thả và tiếp tục công việc nghiên cứu tại Birmingham.
Tháng 7-1942, Fuchs và nhiều đồng nghiệp giỏi được đề xuất làm việc cho một dự án có tên Tube Alloys, thực chất là dự án bom nguyên tử của Anh và được nhập quốc tịch Anh.
Đây là thời gian mà Hitler đang đe dọa thế giới bằng một thứ vũ khí bí mật. Bên mặt trận đồng minh, tất cả các nhà khoa học nguyên tử đều được động viên nghiên cứu vũ khí mới. Mỹ cũng bí mật chi 2,5 tỷ USD cho dự án Manhattan, đẩy mạnh việc nghiên cứu chế tạo bom nguyên tử.
Tuy nhiên, Fuchs không hiểu tại sao Mỹ, Canada và Anh thường trao đổi thông tin với nhau về quá trình nghiên cứu loại vũ khí này, nhưng lại bỏ qua một đồng minh khác là Liên Xô. Klaus Fuchs yêu nước Anh nhưng ông tin rằng Liên Xô mới là nơi cố gắng xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn. Fuchs cảm thấy cần phải làm một điều gì đó giúp sức cùng Liên Xô. Sự nghiệp điệp viên của Fuchs bắt đầu…
Ban đầu, Fuchs chỉ cung cấp những nghiên cứu của chính mình. Công việc của Fuchs tại dự án ngày một tốt đẹp và ông được cho phép tiếp cận những thông tin mật quan trọng hơn. Tháng 12-1943, được nhà bác học Albert Einstein giới thiệu, cùng với một số đồng nghiệp, Fuchs được cử sang Mỹ chung tay góp sức thực thi dự án Manhattan.
Fuchs đã cung cấp cho Liên Xô tất cả những giải pháp được áp dụng. Ông cũng báo tin cho Moscow về "sự ra đời của baby" (tiếng lóng chỉ bom nguyên tử) trước khi Tổng thống Mỹ Truman thông báo điều này tại bàn đàm phán của các cường quốc thắng trận ở Potsdam.
Đầu tháng 8-1945, khi Mỹ thả hai quả bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki (Nhật Bản) với sức tàn phá khủng khiếp, Fuchs cảm thấy quyết định của mình là đúng. Theo ông, thứ vũ khí hủy diệt như vậy không nên nằm trong tay một cường quốc duy nhất. Làm sao để không một quốc gia nào dám sử dụng nó một lần nữa.
Sau khi từ Mỹ trở về Anh năm 1946, Fuchs làm việc tại Viện Hartwell trong cương vị Phó Giám đốc.
Những tiết lộ cuối đời
Trong cuốn tự truyện “Người đàn ông không lộ diện”, Thượng tướng Markus Wolf, vị chỉ huy tình báo Đông Đức viết: "Từ lâu tôi đã quan tâm đến việc tại sao Klaus Fuchs, người đã sống như một nhà khoa học danh tiếng và một Ủy viên Trung ương Đảng Xã hội chủ nghĩa Thống nhất Đức ở Dresden từ khi ông được thả khỏi nhà tù của Anh, lại luôn tránh trả lời các câu hỏi về hoạt động tình báo của ông. Tôi không thể bằng lòng với ý nghĩ một con người có cuộc đời phi thường như thế lại mang xuống mồ kinh nghiệm quý báu của mình.
Mấy năm trước khi ông mất, tôi cuối cùng đã làm ông phá vỡ sự im lặng và cũng chỉ sau khi Chủ tịch Erich Honecker đích thân đề nghị ông nói chuyện với tôi. Nói theo phong cách của mình và bằng toàn bộ những hành động của mình, Fuchs không hề giống với những hình dung trái ngược về một điệp viên cự phách. Cái trán cao, đôi mắt chăm chú đeo đôi kính không gọng đầy suy tư sau từng câu hỏi, làm tăng cảm giác mà ông tạo ra từ cái nhìn đầu tiên. Mắt Fuchs bắt đầu sáng ngời khi ông nói về các cơ sở của vật lý lý thuyết, về lý thuyết quang tử hay về các tính toán các dao động khi có vụ nổ bom plutonium. Ông là một nhà nghiên cứu đến tận xương tủy".
Theo Thượng tướng Markus Wolf, Klaus Fuchs thuộc lớp người như Richard Sorge, Kim Philby và nhiều người khác, những người đã cống hiến tri thức và năng lực của mình cho Liên Xô vì họ thấy ở Liên Xô một sức mạnh chiến thắng “đệ tam đế chế” và giành sự giúp đỡ có tính quyết định cho Liên Xô và các đồng minh trong Thế chiến thứ hai.
Wolf viết: “Trong ngôn ngữ nghề nghiệp của chúng tôi thì những người làm việc cho cơ quan tình báo vì lý tưởng và niềm tin chính trị sâu sắc không được gọi là gián điệp, mà là những tình báo viên. Fuchs đối với tôi là một tình báo viên, mặc dù ông không bao giờ được đào tạo nghiệp vụ gì, gần như không có kinh nghiệm nào và tất nhiên là không có sự thử thách cần thiết cho công việc khó khăn này”.
Trong phút trải lòng hiếm hoi, Klaus Fuchs nói: “Tôi không bao giờ xem mình là gián điệp. Tôi chỉ không hiểu tại sao phương Tây không thể chia sẻ bom nguyên tử với Moscow. Tôi nghĩ là phải có cái gì đó trong tìềm năng hủy diệt kinh khủng ấy được san sẻ công bằng cho các cường quốc. Việc một bên sẽ dùng vũ khí này để đe dọa bên kia đối với tôi thật kinh hoàng. Nó giống như là một người khổng lồ bắt đầu giẫm bẹp những người Liliput tí hon. Tôi không bao giờ nghĩ mình có tội khi trao cho Moscow những tin tức bí mật. Nếu như tôi không làm điều đó thì đó là một sai lầm không thể tha thứ”.
Thượng tướng Markus Wolf cho biết, Fuchs rất dè dặt khi nói về sự tham gia của ông vào việc chế tạo bom nguyên tử của Liên Xô. Cho đến trước khi Klaus Fuchs qua đời, Moscow không bao giờ xác nhận giá trị thông tin của ông, đồng thời trong nhiều thập kỷ luôn làm ra vẻ ngoài Fuchs, tình báo Liên Xô còn có những gián điệp nguyên tử khác.
Chỉ đến khi ông qua đời, ở Liên Xô, người ta mới biết, nhờ Fuchs mà Igor Kurchatov - cha đẻ của bom nguyên tử Liên Xô, đã có thể bỏ qua những mày mò mất thời gian để tập trung vào những gì đã được thử thành công ở Los Alamos. Và 40 năm sau vụ nổ của quả bom nguyên tử đầu tiên của Liên Xô trên thảo nguyên Kazakhstan ngày 29-8-1949, các nhà khoa học Liên Xô đã thừa nhận, nếu không có những thông tin của Klaus Fuchs thì sự cân bằng nguyên tử cần thiết để bảo vệ địa cầu đã không diễn ra sớm như thế.