Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014: Thiếu hướng dẫn, khó thực thi
Đời sống - Ngày đăng : 07:51, 17/08/2019
Theo báo cáo đánh giá của Bộ Tư pháp, từ thời điểm Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 có hiệu lực, về cơ bản, việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong công nhận, bảo vệ quyền về hôn nhân và gia đình của người dân đã hiệu quả, đồng bộ hơn và thống nhất với pháp luật về hộ tịch, tố tụng và pháp luật khác có liên quan. Cùng với đó, từ năm 2016 trở lại đây, thành phố Hà Nội và nhiều địa phương còn thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn trực tuyến để tiết kiệm thời gian, công sức cho các đối tượng có nhu cầu.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, những khó khăn, vướng mắc nổi lên trong thực thi các quy định của luật này tập trung phần nhiều ở quá trình giải quyết ly hôn. Tại hội nghị trực tuyến sơ kết quá trình triển khai thi hành Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 vừa diễn ra cuối tháng 7-2019, ông Nguyễn Văn Vụ, đại diện Tòa án nhân dân Tối cao nêu thực tế: Khoản 1, Điều 56 quy định, khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại tòa án không thành thì tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được.
Song, việc xác định, xem xét, đánh giá căn cứ trên là rất khó khăn do thiếu hướng dẫn cụ thể. Thực tế có nhiều vụ việc đương sự khai gia đình có mâu thuẫn. Nhưng khi tòa tham khảo ý kiến của các cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em thì không cơ quan, tổ chức nào biết tường tận về mâu thuẫn.
Theo ông Nguyễn Văn Vụ, giải quyết án ly hôn đã khó, giải quyết tranh chấp về tài sản hậu ly hôn càng khó khăn. Ngoài ra, nhiều trường hợp các bên không cung cấp đủ chứng cứ để phân định được công sức đóng góp của mình đối với khối tài sản chung nên việc xác định tỷ lệ đóng góp thường dựa trên cơ sở định tính.
Là một trong những địa phương có số người làm thủ tục ly hôn ngày càng tăng, Chủ tịch UBND phường Yên Hòa (quận Cầu Giấy, Hà Nội) Đỗ Ngọc Anh cho biết, rất khó xác nhận mâu thuẫn gia đình. Đương sự thường chỉ thông báo ý định ly hôn với cán bộ tư pháp, nhờ hướng dẫn về quy trình và thực hiện các thủ tục hoàn thiện hồ sơ gửi tòa án; không nhờ chính quyền can thiệp khi có tranh chấp, nên chính quyền không có cơ sở để đánh giá về mức độ trầm trọng của mâu thuẫn gia đình.
Không chỉ vướng vì thiếu căn cứ tại cơ quan tòa án, theo Sở Tư pháp Hà Nội, nhiều địa phương của Hà Nội cũng gặp khó khăn như trường hợp công dân đang tồn tại tình trạng hôn nhân nhưng có con với người khác, người mẹ đề nghị khai sinh cho con theo diện chưa xác định được cha thì cũng không có cơ sở giải quyết. Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Phạm Thanh Cao cho rằng, yêu cầu xác định cha cho con của người mẹ trong trường hợp này thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án. Nhưng thực tế đa phần công dân phản ánh, trường hợp này tòa án không thụ lý giải quyết hoặc có thụ lý nhưng sau đó đình chỉ việc giải quyết vì cho rằng không có tranh chấp…
Trên cơ sở những vướng mắc từ thực tiễn, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu cho biết, các cấp thẩm quyền sẽ tiến hành rà soát, hướng dẫn tháo gỡ. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Phan Chí Hiếu, trong quá trình thực hiện, vai trò của tòa án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, thể hiện ở việc hướng dẫn giải quyết các vụ việc cụ thể không được quy định trong luật, hoặc pháp luật quy định không rõ, hoặc cần áp dụng tập quán, khắc phục tình trạng luật chờ nghị định, nghị định chờ thông tư hướng dẫn trong lĩnh vực hôn nhân gia đình...