Hội nghị lần thứ 7 Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Campuchia-Lào-Việt Nam
Đối ngoại - Ngày đăng : 12:30, 17/08/2019
Ngày 17-8, tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Việt Nam chủ trì tổ chức hội nghị lần thứ 7, Ủy ban Đối ngoại Quốc hội ba nước Campuchia-Lào-Việt Nam với chủ đề "Vai trò của Quốc hội trong thực hiện các thỏa thuận hợp tác giữa ba nước Campuchia-Lào-Việt Nam trong khu vực tam giác phát triển".
Phiên họp diễn ra đến hết ngày 18-8 để đi đến tuyên bố chung giữa ba nước.
Dự hội nghị, về phía Việt Nam có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng; Ủy viên Ủy ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại, Hợp tác quốc tế, Thông tin và Truyền thông Quốc hội Vương quốc Campuchia; Ủy viên Ủy ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào Chheang Vun cùng các thành viên trong đoàn ba nước.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng khẳng định trong bối cảnh thế giới và khu vực thời gian qua có những diễn biến phức tạp, khó lường nhưng ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia luôn luôn đoàn kết, sát cánh, gắn bó, chủ động phối hợp, tích cực hỗ trợ lẫn nhau thúc đẩy mối quan hệ hợp tác toàn diện giữa ba nước không ngừng phát triển ngày càng tốt đẹp.
Trên nền tảng vững chắc đó, sáng kiến khu vực tam giác phát triển gồm các tỉnh có chung biên giới giữa ba nước đã, đang và tiếp tục góp phần phát huy tích cực, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế riêng, bổ trợ lẫn nhau, đóng góp vào sự phát triển của mỗi quốc gia và xa hơn là Cộng đồng ASEAN.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đánh giá cao cơ chế hợp tác 3 Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội trong nhiều năm qua, thể hiện quyết tâm mạnh mẽ nhằm thúc đẩy hợp tác giữa ba Quốc hội một cách sâu sắc và thiết thực hơn. Đặc biệt, hội nghị lần này đánh dấu chặng đường 20 năm hình thành và phát triển của khu vực tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam; đánh giá toàn diện hiệu quả thực hiện các thỏa thuận hợp tác giữa ba nước.
Đồng thời, đây cũng là cơ hội các bên trao đổi, thảo luận, đưa ra những phương hướng nhằm nâng cao vai trò của Quốc hội trong hoạt động lập pháp, giám sát và thúc đẩy thực hiện các thỏa thuận hợp tác giữa Chính phủ ba nước.
Các Ủy ban chính là cầu nối giữa Quốc hội với các cơ quan Chính phủ và người dân, thể hiện sinh động nguyện vọng, quyền lợi của người dân trong các chính sách phát triển kinh tế-xã hội của mỗi quốc gia.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh, những kết quả đạt được của ba nước trong khu vực tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam 20 năm qua là rất to lớn, đóng góp thiết thực, giúp các địa phương thu hẹp khoảng cách phát triển, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội của mỗi quốc gia, củng cố quan hệ láng giềng tốt đẹp, đảm bảo hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển trong khu vực.
Mặc dù điểm xuất phát và quy mô kinh tế còn nhỏ, 13 tỉnh trong khu vực tam giác phát triển đã rất nỗ lực hợp tác, đầu tư góp phần tái cơ cấu kinh tế, tăng cường cơ sở hạ tầng, chăm lo phát triển giáo dục, y tế, văn hóa và bảo vệ môi trường.
Hoạt động đầu tư vào khu vực tam giác phát triển ngày càng sôi động, đến nay các doanh nghiệp của Việt Nam đã đầu tư vào các tỉnh của Lào, Campuchia trong khu vực này là 116 dự án, tổng số vốn đăng ký đạt khoảng 3,6 tỷ USD.
Phát biểu tại hội nghị, đại diện Ủy ban đối ngoại Quốc hội của hai nước Campuchia và Lào đều khẳng định, trong thời gian qua, quan hệ giữa Quốc hội ba nước tiếp tục được củng cố, tăng cường và phát triển tốt đẹp. Điều đó được thể hiện thông qua các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao của Quốc hội ba nước, các hội nghị luân phiên, định kỳ giữa các cơ quan của Quốc hội ba nước đã giúp thúc đẩy, tăng cường mối quan hệ hữu nghị và hợp tác vì sự phát triển chung khu vực ba nước Campuchia-Lào-Việt Nam.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, hợp tác trong khu vực tam giác phát triển còn nhiều vấn đề cần đẩy mạnh hơn nữa như kết nối cơ sở hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực, lao động kỹ năng còn hạn chế; nguồn lực thực hiện và các chính sách chưa nhất quán, cùng với đó là các vấn đề bảo đảm an ninh, an toàn, chống buôn lậu và gian lận thương mại ở các tỉnh biên giới còn nhiều khó khăn, phức tạp.
Để phát huy tiềm năng, lợi thế đã có, tiếp tục thực hiện có hiệu quả các kế hoạch hợp tác của khu vực tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam, cả ba nước cần đánh giá đầy đủ những kết quả đã đạt được và thuận lợi, khó khăn, thách thức trong quá trình triển khai các thỏa thuận hợp tác. Từ đó các bên đề xuất những sáng kiến, giải pháp mới, thích hợp với tình hình mới; rút ra bài học, kinh nghiệm hay trong thực tiễn, nhằm thúc đẩy hợp tác đầu tư, thương mại, kết nối hạ tầng vùng tam giác phát triển.
Các bên liên quan cũng tiếp tục cùng rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật của mỗi nước để hỗ trợ việc triển khai chính sách hợp tác ba bên trong khu vực tam giác phát triển; thường xuyên trao đổi kinh nghiệm về sự tham gia của Quốc hội, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội ba nước trong việc triển khai giám sát và thúc đẩy hợp tác trong khu vực tam giác phát triển.
Ba bên cần tăng cường chia sẻ thông tin giữa Ủy ban điều phối chung khu vực tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam với Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội ba nước, phương thức hoạt động phối hợp xử lý thông tin chung, để có biện pháp công tác chung của ba Quốc hội.
Khu vực tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam gồm 13 tỉnh, với tổng diện tích tự nhiên 144.300km2, chiếm 19,3% diện tích tự nhiên của ba nước; dân số đạt trên 7 triệu người, chiếm khoảng 6,1% dân số của ba nước.
Từ khi thiết lập cơ chế hợp tác khu vực tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam đến nay đã tổ chức được 10 cuộc họp cấp Thượng đỉnh (cấp Thủ tướng), 12 kỳ họp cấp Bộ trưởng và đạt được một số kết quả trên nhiều lĩnh vực.
Hội nghị lần này là dịp để ba nước Campuchia-Lào-Việt Nam nhìn lại chặng đường hình thành và phát triển của khu vực tam giác phát triển, đánh giá các kết quả đã làm được trong thời gian qua kể từ sau hội nghị ba Ủy ban lần thứ 6, cùng nhau trao đổi kinh nghiệm, đưa ra giải pháp và phương hướng để thúc đẩy các cam kết, thỏa thuận của ba nước tại khu vực tam giác phát triển trong thời gian tới.
Sự phát triển của khu vực tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam không chỉ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế-xã hội của ba nước mà còn góp phần hiện thực hóa Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025.