Bảo đảm an sinh xã hội đối với người cao tuổi: Cần cộng đồng trách nhiệm
Xã hội - Ngày đăng : 06:39, 18/08/2019
Chưa đáp ứng được nhu cầu
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tính đến thời điểm cuối 2018, nước ta có hơn 11,3 triệu người cao tuổi, bằng 11,95% tổng dân số, trong đó có gần 2 triệu người từ 80 tuổi trở lên, chiếm 17,5% tổng số người cao tuổi. Dự báo, đến năm 2030, tỷ lệ người cao tuổi ở nước ta sẽ chiếm khoảng 12,9% dân số và đến năm 2050, con số này sẽ tăng lên 23%. Đa số người cao tuổi sống ở nông thôn, không có lương hưu, không có tích lũy, nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn.
Để có nguồn thu nhập trang trải cho cuộc sống, hằng ngày, bà Nguyễn Thị Tuyết (62 tuổi), ở làng Chuông, xã Phương Trung (huyện Thanh Oai) nhận làm nhân viên dọn vệ sinh cho một tòa chung cư tại quận Hà Đông. Từ số tiền công trung bình khoảng 4,5 triệu đồng/tháng, bà Tuyết dành 60% chi tiêu và 40% để tích lũy. “Nếu sức khỏe cho phép, tôi sẽ đi làm khoảng 5 năm nữa”, bà Tuyết cho hay. Không riêng bà Tuyết, theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, nước ta có khoảng 45,3% người cao tuổi nam giới, 34,9% người cao tuổi nữ giới đang làm việc, tập trung nhiều nhất ở độ tuổi 60 đến 69 tuổi. Ngoài nhu cầu tiếp tục làm việc, đa số người cao tuổi cần được tư vấn tâm lý, chăm sóc sức khỏe.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, hệ thống dịch vụ chăm sóc, trợ giúp người cao tuổi ở nước ta còn thiếu về số lượng, hạn chế về chất lượng. Cả nước mới thành lập được 86 cơ sở chuyên chăm sóc người cao tuổi. Mạng lưới trung tâm bảo trợ xã hội của các tỉnh, thành phố mới chăm sóc thường xuyên cho khoảng 20.000 người, bao gồm cả người cao tuổi và người khuyết tật. Hệ thống bệnh viện thuộc ngành Y tế mới có hơn 70 đơn vị thành lập khoa Lão... “Người cao tuổi thường mắc nhiều bệnh, di chuyển khó khăn, nên họ cần được chăm sóc sức khỏe tại cộng đồng. Tiếc rằng, nhiều đơn vị, địa phương chưa dành sự quan tâm đúng mức đến vấn đề này”, ông Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế trăn trở.
Hiện tại, mức trợ cấp hằng tháng đối với nhóm người từ 80 tuổi trở lên hoặc có hoàn cảnh khó khăn cũng bộc lộ những bất cập. Theo bà Trần Thị Hiền (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam), trong những năm gần đây, mức chuẩn nghèo liên tục được điều chỉnh tăng, trong khi mức trợ cấp xã hội cho người cao tuổi không tăng, hiện mới bằng 30% so với chuẩn nghèo ở thành thị, 40% chuẩn nghèo ở nông thôn là không hợp lý. Điều đó lý giải vì sao, cả nước đã giải quyết chế độ trợ cấp xã hội hằng tháng cho khoảng 1,7 triệu người cao tuổi và 100% người cao tuổi, thuộc đối tượng được trợ giúp xã hội đều được cấp thẻ bảo hiểm y tế, hỗ trợ chi phí mai táng khi qua đời..., nhưng tỷ lệ hộ nghèo trong các gia đình có thành viên là người cao tuổi vẫn cao hơn mức trung bình của cả nước.
Cần bổ sung những chính sách trợ giúp
Nhằm nâng cao mức sống cho người cao tuổi, ông Đặng Thuần Phong (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre) đề nghị, các cơ quan chức năng nghiên cứu nâng mức trợ cấp hằng tháng; đồng thời, hạ độ tuổi hưởng trợ cấp xã hội đối với người cao tuổi từ 80 tuổi hiện nay xuống còn 75 tuổi.
Từ kinh nghiệm chăm sóc người cao tuổi, ông Nguyễn Tuấn Ngọc, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc người cao tuổi Bách Niên Thiên Đức (phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm) nhận định: “Số người cao tuổi có nhu cầu sử dụng các dịch vụ chăm sóc chuyên sâu ngày càng lớn, nên Nhà nước cần có cơ chế khuyến khích, thu hút các tổ chức, cá nhân xây dựng trung tâm chăm sóc người cao tuổi đạt chất lượng”.
Trao đổi về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, cả nước hiện có gần 20 doanh nghiệp triển khai xây dựng các trung tâm chăm sóc người cao tuổi theo mô hình của Đức, Nhật Bản… Đây là những quốc gia có nhiều kinh nghiệm chăm sóc người cao tuổi trong bối cảnh già hóa dân số, nên một bộ phận người cao tuổi ở nước ta sẽ được tiếp cận với các dịch vụ tiên tiến trong tương lai gần. Bên cạnh đó, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng tiếp tục kiểm tra, rà soát, đánh giá nhu cầu cần được trợ giúp của các đối tượng người cao tuổi, làm căn cứ đề xuất các chính sách trợ giúp phù hợp.
Tại Hà Nội, ngoài việc thực thi các chính sách chung, HĐND thành phố đã ban hành Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐND ngày 8-7-2019 quy định một số chính sách đặc thù hỗ trợ các đối tượng thuộc hộ gia đình không có khả năng thoát nghèo và hộ gia đình sau khi thoát nghèo ổn định cuộc sống. Theo đó, từ tháng 8-2019, người cao tuổi cô đơn, người cao tuổi là thành viên thuộc hộ nghèo không có khả năng thoát nghèo hoặc thuộc cận nghèo, mà trong hộ không có người còn khả năng lao động sẽ nhận được mức trợ cấp hằng tháng bằng mức chuẩn nghèo của thành phố. “Với mức trợ cấp hiện nay là 1,4 triệu đồng/người/tháng ở khu vực thành thị; 1,1 triệu đồng/người/tháng ở khu vực nông thôn, dự kiến đến cuối năm 2019, Hà Nội sẽ cơ bản không còn người cao tuổi phải sống trong cảnh nghèo”, ông Khuất Văn Thành, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết.
Từ những dẫn chứng nêu trên có thể khẳng định, mức sống của người cao tuổi sẽ được nâng lên, an sinh xã hội cho người cao tuổi sẽ được bảo đảm nếu các cấp, các ngành chức năng, gia đình, cộng đồng và bản thân mỗi người dân cùng nỗ lực, cộng đồng trách nhiệm.