Chuyển đổi số - Xu thế tất yếu

Xe++ - Ngày đăng : 08:02, 19/08/2019

(HNM) - Chuyển đổi số để xây dựng kinh tế số là xu thế tất yếu, không thể đảo ngược, đã được Chính phủ yêu cầu đẩy nhanh tiến độ trong Nghị quyết số 39/NQ-CP phiên họp thường kỳ tháng 5-2019. Với các doanh nghiệp công nghệ, chuyển đổi số không chỉ là yêu cầu nội tại mà còn đem lại cơ hội đưa sản phẩm, giải pháp phục vụ quá trình này.

Ngành Viễn thông đã thực hiện chuyển đổi từ nhà cung cấp dịch vụ truyền thống sang nhà cung cấp dịch vụ số. Ảnh: Mạnh Hà

Theo nghiên cứu của Tập đoàn Microsoft (Mỹ) tác động từ chuyển đổi số sẽ đóng góp 25% GDP tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong năm 2019 (năm 2017 là 6%); năm 2021 sẽ là 60%. Chuyển đổi số cũng sẽ giúp tăng năng suất lao động vào năm 2020 là 21%; cùng với đó 85% công việc trong khu vực sẽ bị biến đổi trong 3 năm tiếp theo...

Từ những dự báo này cho thấy xu thế tất yếu của chuyển đổi số để phát triển kinh tế số là ứng dụng công nghệ thông tin tạo ra giá trị gia tăng, hiệu quả cho doanh nghiệp, tổ chức.

Nói về quá trình chuyển đổi số tại đơn vị, ông Nguyễn Đình Tuấn - Thành viên Hội đồng thành viên Tổng công ty Viễn thông MobiFone cho biết, MobiFone đã số hóa trong hoạt động nội bộ, như hệ thống E-office (văn phòng điện tử), ERP (hệ thống quản trị doanh nghiệp).

Đặc biệt, toàn bộ cơ sở hạ tầng và các điểm giao dịch với khách hàng đều có lộ trình số hóa tự động. Lãnh đạo các Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel), Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT) đều cho biết đã thực hiện chuyển đổi số từ nhà cung cấp dịch vụ viễn thông truyền thống sang nhà cung cấp dịch vụ số từ nhiều năm nay.

Trong khi đó, Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT Nguyễn Văn Khoa chia sẻ, FPT đã bắt đầu chuyển đổi số từ cách đây 3 năm bằng ba việc: Xây dựng phương pháp luận (được hiểu là cách làm) về chuyển đổi số; đưa ra các sản phẩm số (sản phẩm nền tảng và ứng dụng); đào tạo nhân lực.

Bên cạnh việc duy trì tăng trưởng lợi nhuận, thực hiện chuyển đổi số đã giúp các doanh nghiệp thay đổi mạnh mẽ phương thức quản lý. Về vấn đề này, lãnh đạo Tập đoàn VNPT cho biết, VNPT đã xây dựng hệ thống dữ liệu lớn - VNPT BigData và sử dụng trí tuệ nhân tạo trên nền dữ liệu này để phân tích xu hướng của khách hàng. Trên nguồn dữ liệu này, có thể phân tích và đưa ra phương án chăm sóc khách hàng kịp thời.

Hiện VNPT cũng là nhà cung cấp dịch vụ số hàng đầu với bộ giải pháp chính phủ điện tử, tiêu biểu như các giải pháp trục liên thông văn bản quốc gia, eCabinet - phòng họp không giấy tờ. Giải pháp VNPT-HIS được triển khai tới 7.278 cơ sở y tế các tuyến tại 60/63 tỉnh, thành phố. Mạng giáo dục vnEdu được hơn 12.000 trường học với gần 4 triệu học sinh trên toàn quốc sử dụng...

Với FPT, theo ông Nguyễn Văn Khoa, FPT sẽ cung cấp miễn phí ứng dụng chuyển đổi số dựa trên các nền tảng và chuyển đổi số như FPT.AI (trí tuệ nhân tạo), FPT-U.Services (số hóa tác nghiệp nội bộ)... để xây dựng các ứng dụng thông minh như nhận dạng giấy tờ tùy thân hay chatbot (tương tác tự động) giúp rút ngắn thời gian xử lý dịch vụ công và mang lại trải nghiệm tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp.

Ngoài ra, FPT cam kết đào tạo 50.000 kỹ sư công nghệ cao phục vụ cho quá trình chuyển đổi số; đặt mục tiêu giảm 30-50% thời gian triển khai dự án chuyển đổi số cho tổ chức, doanh nghiệp và chuyển giao phương pháp luận chuyển đổi số cho đối tác.

Ông Lê Đăng Dũng, Quyền Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel cho biết sẽ tập trung phát triển 3 lĩnh vực: Tài chính số; dịch vụ dữ liệu và thương mại điện tử. Trong đó, Viettel tập trung kiện toàn hệ sinh thái và ngân hàng số - ViettelPay, triển khai thí điểm mobile money (thanh toán tiền qua di động). Từ nay tới năm 2025, có 26 triệu khách hàng trên hệ sinh thái, phát triển 600.000 điểm chấp nhận thanh toán và cung cấp dịch vụ.

Với những thông tin kể trên có thể thấy rằng các doanh nghiệp đã, đang tập trung đẩy mạnh cho chuyển đổi số. Như ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam nhận định: Chỉ có thực hiện chuyển đổi số sớm hơn thì sẽ giành được vị thế và lợi thế cạnh tranh lớn hơn trên thị trường. Có như vậy mới bắt kịp, đi cùng và có thể đi nhanh hơn các nước khác trong công cuộc phát triển nền kinh tế số.

Trong Dự thảo Đề án Chuyển đổi số quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra một số mục tiêu cụ thể đến năm 2025. Theo đó, Việt Nam đặt mục tiêu chung thuộc tốp 4 ASEAN về xếp hạng số hóa quốc gia. Về kinh tế số, xếp hạng tốp 40 thế giới về chỉ số cạnh tranh quốc gia (năm 2020 tốp 50); công nghiệp số đạt ít nhất 25% GDP (2020 đạt 15%)...

Việt Nga