Hỗ trợ đầu tư phát triển khoa học, công nghệ
Công nghệ - Ngày đăng : 08:34, 19/08/2019
Ông Nguyễn Khắc Thanh, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Hiện, toàn thành phố có 82 doanh nghiệp khoa học công nghệ, chiếm 50% tổng số doanh nghiệp khoa học công nghệ cả nước.
Tuy nhiên, số lượng này rất khiêm tốn so với tổng số hơn 300.000 doanh nghiệp của thành phố. Trong thời gian qua, nhằm thúc đẩy doanh nghiệp khoa học, công nghệ phát triển, thành phố đã áp dụng nhiều ưu đãi như: Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm đầu và giảm 50% trong 9 năm tiếp theo; miễn giảm tiền thuê đất; vay vốn tín dụng ưu đãi phát triển các sản phẩm khoa học công nghệ...
Thầy thuốc ưu tú Trần Tựu, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Dược phẩm SaviPharm, doanh nghiệp khoa học công nghệ đầu tiên trong lĩnh vực dược của thành phố Hồ Chí Minh cho biết, với sự hỗ trợ từ phía cơ quan nhà nước, SaviPharm đã xây dựng Trung tâm Nghiên cứu phát triển công nghệ cao và tăng tỷ lệ phục vụ nghiên cứu phát triển 1-3% doanh thu những năm trước lên 3-5%, tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, hiện vẫn còn doanh nghiệp khoa học và công nghệ gặp khó khăn, nhất là tiếp cận nguồn vốn và thị trường. Ông Đỗ Hoàng Trung, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Kỹ thuật Ý tưởng mong muốn nhà nước tạo “sân chơi” để có thêm nhiều sản phẩm khoa học công nghệ được chọn là sản phẩm chủ lực của thành phố, mở rộng cửa tham gia sâu thị trường trong và ngoài nước.
Còn theo ông Ngô Võ Kế Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu triển khai - Ban Quản lý Khu công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh, cần minh bạch hơn nữa trong thực hiện phân bổ nguồn vốn từ Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ để các doanh nghiệp bình đẳng trong tiếp cận.
Để phát triển khoa học và công nghệ một cách tập trung, thành phố đang đề xuất cơ chế, chính sách, thúc đẩy triển khai thực hiện hai dự án hạ tầng nhằm thu hút đầu tư các dự án khoa học, công nghệ. Đó là Dự án Công viên Khoa học và Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh tại quận 9 và Dự án Khu công nghiệp mới, ưu tiên doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ cao tại huyện Bình Chánh.
Dự kiến, sau khi hoàn thiện các thủ tục đầu tư, Dự án Công viên Khoa học và Công nghệ thành phố sẽ được khởi công xây dựng vào đầu năm 2020. Đối với Khu công nghiệp mới, dự kiến quý IV-2019, thành phố sẽ hoàn thành việc xin chủ trương của Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng đối với dự án này.
Ông Nguyễn Khắc Thanh cho biết, đối với doanh nghiệp khoa học và công nghệ hiện tại và những đơn vị khởi nghiệp mới, thành phố cam kết hỗ trợ, đầu tư vào các chương trình nghiên cứu và phát triển (R&D) với tỷ lệ 1-1. Kinh phí hỗ trợ tối đa 1 tỷ đồng đối với nhiệm vụ thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên.
Sở Khoa học và Công nghệ thành phố cũng đang triển khai các chương trình nghiên cứu khoa học với mức hỗ trợ 30% tổng kinh phí cho các hoạt động nghiên cứu đổi mới công nghệ, sản phẩm; thương mại hóa sản phẩm từ kết quả nghiên cứu; nghiên cứu chuyển giao công nghệ…
Riêng chương trình khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo có mức hỗ trợ 30% tổng kinh phí cho các hoạt động huấn luyện, đào tạo. Đặc biệt, hoạt động ươm tạo, phát triển và tăng tốc cho các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có mức hỗ trợ tối đa lên đến 2 tỷ đồng/dự án.
Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thành phố đặt mục tiêu đầu tư cho khoa học và công nghệ từ ngân sách thành phố tăng trung bình 20% hằng năm, huy động đầu tư từ xã hội cho khoa học và công nghệ tăng 30% hằng năm.
Tỷ lệ ứng dụng các đề tài khoa học và công nghệ vào thực tế đến năm 2020 đạt 40% và doanh thu từ các đề tài khoa học và công nghệ được ứng dụng đến năm 2020 đạt 1.000 tỷ đồng.