Nỗ lực khép kín đường Vành đai 2

Giao thông - Ngày đăng : 07:41, 06/02/2023

(HNM) - Việc triển khai dự án đường Vành đai 2 thành phố Hồ Chí Minh hiện vẫn đang đứt đoạn, do không có mặt bằng thi công. Năm 2023, thành phố nỗ lực thi công để sớm hoàn thành tuyến đường quan trọng này, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và các tỉnh lân cận.

Đoạn 3 (từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa, thành phố Thủ Đức) thuộc đường Vành đai 2 vẫn đang ngổn ngang do dừng thi công gần 3 năm nay.

Có mặt tại công trường thuộc đoạn 3 (từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa, thành phố Thủ Đức) thuộc đường Vành đai 2 những ngày đầu tháng 2, phóng viên Báo Hànộimới nhận thấy đây vẫn là một bãi đất trống với cây cỏ um tùm, cùng với máy móc, thiết bị, vật liệu sắt, thép nằm ngổn ngang, hoen gỉ theo thời gian. “Chúng tôi rất mong thời gian tới, chính quyền thành phố cho thi công trở lại tuyến đường và nhanh chóng hoàn thành để người dân ổn định cuộc sống”, ông Văn Tiến Vượng, sống gần công trường đường giãi bày.

Là chủ đầu tư của đoạn 3, Công ty cổ phần Văn Phú Bắc Ái cho biết, vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng và quỹ đất thanh toán cho chủ đầu tư khiến dự án mới chỉ đạt khoảng 44% khối lượng. Đoạn 3 dài 2,7km, từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa (thành phố Thủ Đức) triển khai từ năm 2017, nhưng đã ngừng thi công gần 3 năm nay. Công trình đầu tư theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao), tổng vốn hơn 2.700 tỷ đồng. Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Văn Phú Bắc Ái Trần Đức Thắng cho hay, dự án dừng thi công khiến thời gian hoàn thành kéo dài, phát sinh chi phí. Công ty kiến nghị UBND thành phố Hồ Chí Minh sớm xem xét, chỉ đạo các bên liên quan điều chỉnh thời gian thực hiện dự án, điều chỉnh phụ lục hợp đồng BT, thanh toán đất đối ứng…, để các bên cùng sớm khởi động lại dự án.

Theo Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông thành phố (Ban Giao thông) Lương Minh Phúc, đối với đoạn 3, hiện Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng thành phố Thủ Đức đã bàn giao diện tích 15/20ha, đạt 75%. Để gỡ nút thắt, Ban Giao thông đã kiến nghị UBND thành phố xem xét chỉ đạo các sở, ngành giải quyết các kiến nghị của nhà đầu tư để tránh phát sinh lãi, gây thất thoát, lãng phí ngân sách.

Ngoài ra, tuyến Vành đai 2 còn có đoạn 4 chưa được xây dựng, từ quốc lộ 1 đến đường Nguyễn Văn Linh (quận Bình Tân và huyện Bình Chánh) dài 5,3km, có tổng mức đầu tư hơn 9.000 tỷ đồng. Hiện UBND thành phố Hồ Chí Minh đã bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn năm 2021-2025 từ nguồn vốn ngân sách địa phương. Mặt khác, Ban Giao thông đang đôn đốc các quận, huyện có ý kiến về các loại đất bị ảnh hưởng và khái toán chi phí giải phóng mặt bằng, tái định cư, làm cơ sở để tư vấn hoàn thiện hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư.

Theo Sở Giao thông - Vận tải thành phố Hồ Chí Minh, đường Vành đai 2 được thành phố Hồ Chí Minh quy hoạch từ năm 2007. Chiều dài tuyến đường hơn 64km, đến nay còn 14km chưa khép kín, chia làm 4 đoạn. Trong đó, riêng về 2 đoạn đi qua thành phố Thủ Đức, dài hơn 6km, với tổng vốn hơn 17.000 tỷ đồng sẽ được UBND thành phố trình HĐND thành phố thông qua chủ trương đầu tư bằng ngân sách năm 2023 để khởi công xây dựng. Cụ thể, đoạn 1 dài 3,5km, từ cầu Phú Hữu đến Xa lộ Hà Nội, dự kiến vốn đầu tư giai đoạn 1 gần 8.591 tỷ đồng. Đoạn 2 dài 2,8km, từ Xa lộ Hà Nội đến đường Phạm Văn Đồng, với tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 là 8.458 tỷ đồng.

Nói thêm về vấn đề này, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải thành phố Hồ Chí Minh Trần Quang Lâm thông tin, hiện Sở đã cơ bản chuẩn bị xong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi với tổng mức đầu tư đoạn 1 và đoạn 2. Nếu dự án được HĐND thành phố thông qua chủ trương đầu tư trong năm 2023 thì công trình có thể hoàn thành vào năm 2026.

Để tiến độ thi công đường Vành đai 2 được triển khai nhanh chóng, Sở Giao thông - Vận tải cũng đã có văn bản kiến nghị UBND thành phố Hồ Chí Minh về việc đẩy nhanh tiến độ khép kín. Theo đó, kiến nghị thành phố chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương nghiên cứu nguồn vốn trung hạn giai đoạn năm 2021-2025 đã được HĐND thành phố thông qua và nguồn dự kiến tăng thêm của thành phố để trình UBND thành phố phương án cân đối nguồn vốn ngân sách để bố trí cho dự án khoảng 13.639 tỷ đồng. Phần kinh phí còn lại khoảng 3.410 tỷ đồng sẽ cân đối bố trí trong giai đoạn năm 2026-2030.

Gia Bảo