Đưa công an chính quy về các xã: Tạo ổn định từ cơ sở
Chính trị - Ngày đăng : 06:43, 19/08/2019
Bài đầu: Những chuyển biến tích cực
Việc bố trí công an chính quy về đảm nhận chức danh công an xã tại thành phố Hà Nội được triển khai chưa lâu nhưng đã tạo chuyển biến tích cực ở cơ sở, được cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương đánh giá cao. Tuy nhiên, trong quá trình công tác, lực lượng công an xã chính quy cũng gặp trở ngại chưa thể giải quyết trong một sớm một chiều.
Nâng cao hiệu quả quản lý về an ninh, trật tự...
Sáng sớm, bà Cao Thị Khoan (xóm 13, thôn Đồng Mít) đến Công an xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức) để nhận lại sổ hộ khẩu sau khi đã hoàn thành thủ tục nhập khẩu cho cháu ngoại. Bà Khoan cho biết, trước đây mọi thủ tục tương tự phải tới công an huyện để làm. Quãng đường từ xã tới huyện khá xa nên phải mất cả ngày để giải quyết công việc. Từ tháng 12-2017, khi xã Đồng Tâm được bố trí 10 cán bộ, chiến sĩ công an chính quy về địa phương, nhân dân không phải tới huyện nữa, việc làm thủ tục đã thuận lợi hơn nhiều.
Thượng úy Nguyễn Duy Đại, công an viên xã Đồng Tâm cho biết, người dân có nhu cầu làm giấy tờ liên quan đến quản lý hành chính về an ninh, trật tự đều được công an xã hướng dẫn thủ tục rồi tập hợp chuyển lên cấp trên giải quyết. “Sau khi có kết quả, công an xã sẽ nhắn tin, gửi giấy mời người dân đến nhận giấy tờ”, Thượng úy Nguyễn Duy Đại nói.
Theo Chủ tịch UBND xã Đồng Tâm Hoàng Thanh Hương, từ khi xã được bố trí công an chính quy, những phản ánh của người dân liên quan đến công tác quản lý hành chính về an ninh, trật tự giảm rõ rệt.
Tương tự, tại xã Thanh Lâm (huyện Mê Linh), mặc dù việc đưa công an chính quy về mới được triển khai từ tháng 4-2019, song các cán bộ, chiến sĩ công an xã đã nhanh chóng nắm bắt địa bàn, nêu cao tinh thần vì nhân dân phục vụ. Trung úy Bùi Thế Hiển, Công an viên xã Thanh Lâm cho biết, công an xã tiếp nhận, giải quyết thông tin trình báo, thủ tục hành chính cho người dân với tiêu chí “làm hết việc chứ không hết giờ”.
Trao đổi với ông Lê Văn Đèn (thôn Ngự Tiền, xã Thanh Lâm) được biết, ngay cả ngày nghỉ cuối tuần, công an xã cũng tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính như ngày thường. “Chúng tôi hết sức trân trọng những nỗ lực, cố gắng của công an xã”, ông Lê Văn Đèn nói.
Còn tại huyện Sóc Sơn, Thượng úy Lê Chí Quyết, Công an viên xã Kim Lũ phụ trách thôn Xuân Dương thông tin với phóng viên Báo Hànộimới: Trước đây thôn Xuân Dương nổi lên là địa bàn phức tạp về an ninh, trật tự. Thôn có nhiều thanh niên lười lao động, đua đòi, thường xuyên tổ chức trộm cắp xe máy tại các địa bàn lân cận để có tiền ăn chơi.
Xuân Dương cũng có hơn 120 người được tha tù, nhiều đối tượng nghiện hút… càng làm cho an ninh, trật tự ở đây thêm phức tạp. Sau khi xã được bố trí 9 cán bộ, chiến sĩ công an chính quy, tình hình tại thôn Xuân Dương nói riêng và công tác bảo đảm an ninh, trật tự tại xã Kim Lũ nói chung được cải thiện.
Chia sẻ kinh nghiệm, Trung tá Nguyễn Ngọc Lý, Trưởng Công an xã Kim Lũ cho biết, đơn vị đã tiếp cận địa bàn, tăng cường tuần tra kiểm soát ban đêm; lắng nghe ý kiến của cơ sở; đặt hòm thư tố giác tội phạm, vận động nhân dân cung cấp thông tin, đồng thời tổ chức tiếp nhận, xác minh thông tin 24/24 giờ...
Bên cạnh đó, theo Chủ tịch UBND xã Kim Lũ Nguyễn Công Kết, lực lượng công an xã chính quy đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương giải quyết triệt để các công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp tồn tại kéo dài; tái lập văn minh đô thị, đường thông hè thoáng. Điều đó đã tạo được bộ mặt khang trang, sạch đẹp hơn cho địa bàn xã Kim Lũ, được người dân đánh giá cao.
... Nhưng vẫn còn khó khăn, bất cập
Theo Trung tá Nguyễn Ngọc Lý, Trưởng Công an xã Kim Lũ (huyện Sóc Sơn), thời gian đầu về nắm địa bàn, do cơ sở vật chất của xã còn khó khăn, lực lượng công an chính quy được bố trí sử dụng một phần hội trường của xã để làm việc. Với diện tích chưa đến 30m2, đây là nơi vừa làm việc, tiếp công dân, vừa là nơi sinh hoạt của 9 công an viên chính quy và 10 công an viên bán chuyên trách.
Trước thực trạng này, UBND xã Kim Lũ đã đề xuất với các cấp có thẩm quyền đầu tư xây dựng dãy nhà làm việc mới trong khuôn viên trụ sở UBND xã, cơ bản đáp ứng được yêu cầu công tác của công an xã.
Thế nhưng, không phải công an xã nào cũng có được cơ sở vật chất như xã Kim Lũ. Dù là đơn vị đầu tiên của thành phố được triển khai công an chính quy về đảm nhiệm các chức danh công an xã, nhưng gần 2 năm qua, Công an xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức) vẫn phải “ở nhờ” trụ sở hợp tác xã nông nghiệp xây dựng đã lâu, tuy được tu sửa nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.
Chủ tịch UBND xã Đồng Tâm Hoàng Thanh Hương cho biết, trụ sở công an xã cũng không có nơi đáp ứng các nhu cầu sinh hoạt tối thiểu như nhà vệ sinh, nhà bếp... để phục vụ cán bộ trực đêm. “Điều đó đã tác động không nhỏ đến tâm lý, cũng như việc thực hiện nhiệm vụ”, ông Hoàng Thanh Hương nói.
Không chỉ gặp khó khăn về cơ sở vật chất khi phải mượn nơi làm việc của UBND xã, Công an xã Thanh Lâm (huyện Mê Linh) còn bất cập về nhân sự. Thiếu tá Nguyễn Mạnh Cường, Trưởng Công an xã Thanh Lâm cho hay, đơn vị có 6 cán bộ, chiến sĩ thì 2 người đang đi học nên khối lượng công việc hằng ngày dồn lên số người còn lại. Với một địa bàn giáp ranh, đông dân cư (17.000 nhân khẩu thường trú và khoảng 1.000 người tạm trú), phức tạp về an ninh, trật tự như xã Thanh Lâm, có thời điểm xảy ra cùng lúc 4 vụ việc, công an chính quy phải “chạy sô” để xử lý.
“Trong khi đó, lực lượng công an xã bán chuyên trách dù có 20 người nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, hiệu quả phối hợp không cao”, Thiếu tá Nguyễn Mạnh Cường nhìn nhận.
… Không riêng ở 3 xã nêu trên, những chuyển biến tích cực cũng như khó khăn, bất cập kể trên cũng là vấn đề chung tại địa bàn 21 xã đã đưa công an chính quy về đảm nhiệm các chức danh công an xã.
(Còn nữa)