Khẳng định chủ quyền biển đảo Việt Nam
Văn hóa - Ngày đăng : 15:55, 20/08/2019
Năm tập của bộ phim “Biển đảo Việt Nam - nguồn cội tự bao đời” được Đài truyền hình thành phồ Hồ Chí Minh sản xuất từ năm 2015, nhưng những ngày qua, khi được phát sóng lại, vẫn mang đến nhiều cảm xúc, niềm tự hào, xúc động cho người xem về quá trình xây dựng và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và biển đảo Việt Nam.
Những người làm phim đã tìm kiếm nhiều tư liệu lịch sử quý giá qua các triều đại phong kiến của Việt Nam và Trung Quốc. Không những vậy, để đưa ra những bằng chứng xác thực nhất, chân thật nhất, khách quan nhất về chủ quyền biển đảo Việt Nam, các nhà làm phim đã đến 9 quốc gia từng có hoạt động giao thương mạnh mẽ trên Biển Đông như: Nhật Bản, Bồ Đào Nha, Hà Lan, Bỉ, Pháp… để thu thập tài liệu quý, phỏng vấn các học giả và nhà nghiên cứu về Biển Ðông. Mọi bằng chứng, tư liệu lịch sử của Việt Nam và quốc tế đều khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Trong tập 1 của bộ phim tài liệu, các nhà làm phim đã đưa ra những bằng chứng đanh thép về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thông qua những tư liệu lịch sử của Việt Nam và Trung Quốc ở thế kỷ XVII, XVIII, XIX. Trong các Châu bản Triều Nguyễn ghi lại rất rõ, từ thời vua Minh Mạng, nước ta đã xác lập chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Ngay trong 4 cuốn atlat do các nhà nước Trung Hoa trước đây xuất bản cũng xác định ranh giới của Trung Quốc chỉ dừng ở đảo Hải Nam.
Cụ thể, cuốn “Trung Quốc địa đồ” xuất bản năm 1908, “Trung Quốc toàn đồ” xuất bản năm 1917; “Trung Hoa bưu chính như đồ” xuất bản năm 1919 và tái bản bổ sung năm 1933 đều in ấn các bản đồ tổng thể Trung Quốc và thể hiện ranh giới rõ ràng của Trung Quốc trên biển.
Trong tập này, GS người Pháp Monique Chemillier Gendreau, Chủ tịch Hội Luật gia châu Âu, chuyên gia nghiên cứu Biển Đông nhận định rằng, các tư liệu đều chứng minh rất rõ hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Ở tập 2 và tập 3, đoàn phim Việt Nam tìm đến Bảo tàng quốc gia Nhật Bản và Bảo tàng tư nhân Đông Dương Văn khố Bunko (Nhật Bản) để tiếp cận nhiều tư liệu quan trọng, trong đó có tấm hải đồ do thương nhân Nhật Bản vẽ ra trong quá trình giao thương, cập cảng Hội An; hay hành trình tìm đến văn khố quốc gia Hà Lan, Bồ Đào Nha, Pháp, Bỉ… để tiếp cận những tấm bản đồ, hải trình, thư tịch cổ được xếp vào hàng tư liệu quý hiếm với nhiều ghi chép về Biển Đông.
Trong các tư liệu của người phương Tây lúc bấy giờ, quần đảo Hoàng Sa được đặt tên là Paracel, có liên hệ mật thiết với xứ Đàng Trong của đất Việt. Đó là những dữ liệu, căn cứ rõ ràng và khách quan khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam từ thời phong kiến.
Lịch sử Việt Nam đã ghi chép rất rõ, ngay cả khi thực dân Pháp xâm chiếm Việt Nam, triều đình nhà Nguyễn vẫn nỗ lực bảo vệ chủ quyền biển đảo đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Năm 1938, người Pháp đã cho xây dựng bia chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa, khẳng định quần đảo này thuộc chủ quyền của xứ An Nam.
Suốt chiều dài dựng xây đất nước, người Việt Nam luôn khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Trải qua nhiều đau thương, mất mát, hy sinh, người Việt Nam luôn khát khao hòa bình và sẽ bằng mọi giá để giữ vững nền hòa bình.
Bộ phim tài liệu “Biển đảo Việt Nam - nguồn cội tự bao đời” đã thể hiện rõ tinh thần yêu chuộng hòa bình của người Việt Nam nhưng không bao giờ khoan nhượng trước những hành động xâm hại đến chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và hòa bình khu vực. Chúng ta kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và các lợi ích hợp pháp chính đáng trên biển của Tổ quốc.