Hà Nội phấn đấu cơ bản không còn hộ nghèo vào cuối năm nay
Đời sống - Ngày đăng : 09:28, 20/08/2019
Dự hội nghị có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc; Ủy viên Ban Thường vụ Thành Ủy, Trưởng ban Dân vận Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý và đại diện các sở, ban, ngành, địa phương.
Cơ bản không còn hộ nghèo gặp khó khăn về nhà ở
Tại hội nghị, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Khuất Văn Thành cho biết, nhờ sự nỗ lực từ nhiều phía, trong giai đoạn 2016-2018, toàn thành phố đã giảm được gần 52.000 hộ nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo của Hà Nội giảm xuống còn 1,16% vào thời điểm cuối năm 2018, về đích trước 2 năm so với kế hoạch đề ra. Đáng chú ý, đến thời điểm này, Hà Nội có 5 quận là: Ba Đình, Cầu Giấy, Hoàn Kiếm, Tây Hồ và Thanh Xuân không còn hộ nghèo.
Thực hiện kế hoạch hỗ trợ hộ nghèo xây dựng, sửa chữa nhà ở, toàn thành phố có 4.166 hộ nghèo được cải thiện nhà ở trong năm 2018, đưa Hà Nội trở thành địa phương đầu tiên trong cả nước cơ bản không còn hộ nghèo gặp khó khăn về nhà ở. Đa số hộ được hỗ trợ về nhà ở đã thoát khỏi danh sách hộ nghèo.
Ngoài ra, Hà Nội đã dành hơn 3.515 tỷ đồng chi trợ cấp xã hội hằng tháng; hỗ trợ bảo hiểm y tế cho người thuộc diện nghèo, cận nghèo; tặng quà Tết cho người nghèo, đối tượng yếu thế…
Không để người nghèo nào bị ở lại phía sau trên hành trình phát triển của Thủ đô và đất nước, HĐND thành phố đã ban hành Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐND, ngày 8-7-2019, quy định một số chính sách đặc thù hỗ trợ các đối tượng thuộc hộ gia đình không có khả năng thoát nghèo và hộ gia đình sau khi thoát nghèo ổn định cuộc sống.
Với các giải pháp nêu trên, Hà Nội phấn đấu cơ bản không còn hộ nghèo vào cuối năm 2019; không có ai bị “lọt lưới” an sinh xã hội.
Ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai hiệu quả chính sách hỗ trợ hỏa táng
Để khuyến khích người dân sử dụng hình thức hỏa táng cho người thân sau khi qua đời, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 28/2010/QĐ-UBND ngày 22-10-2010 và Quyết định số 08/2016/QĐ-UBND, ngày 21-3-2016.
Từ năm 2010 đến nay, thành phố hỗ trợ chi phí hỏa táng 3 triệu đồng/trường hợp và hỗ trợ thêm chi phí vận chuyển 1 triệu đồng/trường hợp ở khu vực ngoại thành, 500.000 đồng/trường hợp ở khu vực nội thành.
Chính sách này được người dân đồng tình ủng hộ và đã, đang góp phần hình thành nếp sống văn minh trong việc tang. Nếu năm 2010, số ca hỏa táng toàn thành phố đạt tỷ lệ 18,5%, thì đến năm 2018 đã tăng lên 60,09% (khu vực nội thành đạt 74,16%; khu vực ngoại thành đạt 50,86%). 6 tháng đầu năm nay, tỷ lệ hỏa táng ở các địa phương tiếp tục tăng. Dự kiến, giai đoạn 2020-2025, tỷ lệ hỏa táng ở Hà Nội đạt trên 65%.
Đặc biệt, từ năm 2016, thành phố đã ứng dụng công nghệ thông tin để giải quyết các chính sách hỗ trợ khuyến khích hỏa táng, giúp người dân nhận được sự hỗ trợ nhanh, chính xác, đúng, đủ, kịp thời. Các địa phương đã giảm bớt dịch vụ công trực tuyến trong việc khai tử cho gần 41.000 hồ sơ, tiết kiệm được gần 5 tỷ đồng.
Những cách làm hiệu quả
Chia sẻ về kinh nghiệm giảm nghèo, Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Lê Mai Trang cho biết, trong giai đoạn 2016 - 2018, quận Thanh Xuân dành nguồn ngân sách hơn 20,3 tỷ đồng ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội cho các hộ nghèo, cận nghèo vay vốn ưu đãi để giải quyết việc làm. Ngoài ra, quận còn vận động các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm hỗ trợ công cụ, phương tiện sản xuất như máy khâu, máy vắt sổ, máy ép nước mía… cho các hộ nghèo, cận nghèo có thành viên trong độ tuổi lao động hoặc còn khả năng lao động để họ tự làm việc, vươn lên thoát nghèo. Một số hộ có nhu cầu bán hàng được quận Thanh Xuân bố trí cho địa điểm bán hàng cố định… Thông qua các giải pháp hỗ trợ trực tiếp, quận Thanh Xuân đã giảm được 162 hộ nghèo trong 3 năm, hiện không còn hộ nghèo.
Trong khi đó, Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Kiều Xuân Huy cho hay, toàn huyện có 270 hộ nghèo có nhà mới khang trang trong năm 2018 với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 4 tỷ đồng. Đa số gia đình nhận được sự hỗ trợ về nhà ở đã thoát nghèo vào cuối năm 2018. Những hộ nghèo có nhu cầu xây dựng, sửa chữa nhà ở phát sinh trong năm 2019 và những năm tiếp theo vẫn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, bảo đảm không để người dân nào phải sống trong những căn nhà xuống cấp nghiêm trọng.
Đồng chí Nguyễn Thị Tám, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh chia sẻ, nhiều năm qua, huyện đạt tỷ lệ hỏa táng cao là nhờ HĐND huyện đã ban hành Nghị quyết số 30 ngày 15-7-2008 về thực hiện việc tang văn minh tiến bộ, gồm 4 nội dung: Giảm ăn uống linh đình; xóa bỏ các hủ tục lạc hậu; quy hoạch nghĩa trang và thực hiện hỏa táng. Trong quá trình thực hiện, huyện Đông Anh tuyên truyền, vận động các cấp, ngành, các tầng lớp nhân dân cùng tham gia và coi đây là tiêu chí bắt buộc để bình xét các danh hiệu văn hóa, các phong trào thi đua. Ngoài quy định chung, huyện Đông Anh có quy định riêng về việc thực hiện tang văn minh với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức… Hiện 100% xã, thị trấn trên địa bàn có cán bộ phụ trách việc tang văn minh, tiến bộ...
Huy động nguồn lực xã hội hóa giúp đỡ các hộ gia đình thoát nghèo bền vững
Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung khẳng định, việc thực hiện các chính sách an sinh và phúc lợi xã hội để chăm lo cho các đối tượng chính sách, hộ gia đình nghèo, những người có hoàn cảnh khó khăn là nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
Để hoàn thành mục tiêu đến cuối năm 2019, Hà Nội cơ bản không còn hộ nghèo, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương tuyên truyền, vận động người dân tích cực lao động, sản xuất, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.
Bên cạnh đó, các địa phương cần nghiên cứu những mô hình giảm nghèo nhanh, hiệu quả để áp dụng cho phù hợp với đặc điểm của địa phương, nhu cầu của từng hộ nghèo; lồng ghép với chương trình xây dựng nông thôn mới. UBND các quận, huyện, thị xã cần thường xuyên chỉ đạo, rà soát các hộ nghèo có nhà ở xuống cấp, hư hỏng để tiếp tục huy động các nguồn lực hỗ trợ kịp thời.
Đặc biệt, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội từ thành phố tới cơ sở cần phát huy vai trò giám sát việc thực hiện các chính sách, kế hoạch giảm nghèo tại các địa phương; tăng cường vận động, huy động nguồn lực xã hội hóa giúp đỡ địa phương, cộng đồng và các hộ gia đình thoát nghèo bền vững. Các giải pháp, chính sách hỗ trợ giảm nghèo bền vững cần được thực hiện song song, lồng ghép với chương trình xây dựng nông thôn mới.
Về chính sách hỗ trợ khuyến khích hỏa táng, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung yêu cầu các cơ quan, đơn vị chức năng tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; nâng cấp phần mềm hỗ trợ hỏa táng theo hướng liên thông, tạo điều kiện tốt nhất cho người dân trong quá trình giải quyết các thủ tục.
Chủ tịch UBND thành phố giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng chính sách hỗ trợ hỏa táng giai đoạn sau năm 2020, trình HĐND thành phố xem xét, thông qua.
Tại hội nghị, UBND TP Hà Nội đã biểu dương, khen thưởng 17 tập thể và 16 cá nhân có nhiều đóng góp tích cực cho công tác hỗ trợ giảm nghèo.