Mỹ ban hành lệnh bắt tàu chở dầu của Iran: Mâu thuẫn chưa có hồi kết
Thế giới - Ngày đăng : 06:56, 21/08/2019
Tàu chở dầu Grace 1 của Iran bị Hải quân Hoàng gia Anh cùng Cảnh sát biển Gibraltar bắt giữ từ ngày 4-7 với cáo buộc vi phạm lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) khi chở dầu tới Syria. Quyết định trả tự do cho tàu Grace 1 được Tòa án Tối cao Gibraltar đưa ra sau khi Bộ trưởng Gibraltar Fabian Picardo cho biết đã nhận được bảo đảm bằng văn bản của Iran, cam kết tàu này không vi phạm các lệnh cấm vận quốc tế.
Tuy nhiên, ngày 17-8, Bộ Tư pháp Mỹ đã ban hành lệnh bắt giữ tàu Grace 1 và khẳng định con tàu này phải bị tịch thu cùng toàn bộ số dầu trên tàu trị giá 995.000 USD do vi phạm Đạo luật Quyền lực kinh tế khẩn cấp quốc tế (IEEPA).
Mỹ cáo buộc Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) mà Washington coi là khủng bố đã sử dụng các chuyến tàu như Grace 1 để hỗ trợ các hoạt động bất hợp pháp và xây dựng một mạng lưới công ty bình phong, giúp IRGC rửa hàng triệu USD qua các lô hàng.
Xuất phát từ những khác biệt giữa Washington và châu Âu xoay quanh các lệnh trừng phạt đối với Tehran, chính quyền Gibraltar đã kiên quyết từ chối yêu cầu gia tăng thời hạn giữ tàu Iran của Mỹ. Vùng lãnh thổ Gibraltar thuộc Anh khẳng định, xét theo luật pháp của EU, họ không thể thực hiện đề nghị của Mỹ.
Ngay sau động thái của Washington ra lệnh bắt giữ con tàu này, Bộ trưởng Gibraltar Fabian Picardo nói rằng, quyết định bắt giữ tàu Grace 1 của Mỹ là quyết định đơn phương, và quyết định đó sẽ phải chịu quyền tài phán của Tòa án Tối cao Gibraltar.
Quốc gia Cộng hòa Hồi giáo cũng đã đưa ra những cảnh báo mạnh mẽ trước ý định của xứ Cờ hoa. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Abbas Mousavi khẳng định, hành động của Mỹ khi bắt giữ tàu chở dầu Grace 1 sẽ gây ra hậu quả nặng nề, hủy hoại an ninh hàng hải tại các vùng biển quốc tế.
Cảnh báo này đã được chuyển tới giới chức Mỹ thông qua Đại sứ quán Thụy Sĩ tại Tehran, trong đó nhấn mạnh việc Washington không được bắt giữ siêu tàu chở dầu của Iran tại vùng biển quốc tế. Trong buổi họp báo tại Tehran diễn ra ngày 18-8, Tư lệnh Hải quân Iran, Chuẩn Đô đốc Hossein Khanzadi cho biết, lực lượng này sẵn sàng điều động một hạm đội để hộ tống tàu Grace 1.
Tranh cãi về con tàu càng làm dày thêm hồ sơ đối đầu giữa Tehran và Washington, vốn xuất phát từ việc Tổng thống Mỹ Donald Trump đơn phương rút nước này khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015 giữa Iran và Nhóm P5+1, còn gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), đồng thời áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt đối với quốc gia Cộng hòa Hồi giáo.
Ngày 19-8, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif tuyên bố Tehran không muốn đàm phán với Washington và cho rằng các nhà trung gian hòa giải cần tập trung vào việc đưa xứ Cờ hoa trở lại thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Người đứng đầu ngành Ngoại giao Iran cũng cho rằng lệnh bắt giữ của Mỹ đối với tàu chở dầu của nước này là trái phép và mang động cơ chính trị.
Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 19-8 đã khẳng định, mọi nỗ lực hỗ trợ tàu Grace 1 đều có thể bị coi là ủng hộ vật chất cho một tổ chức đã bị Mỹ liệt vào danh sách khủng bố. Dữ liệu lộ trình cho thấy, con tàu đang trên đường tới vùng biển ngoài khơi thành phố Kalamata của Hy Lạp và Washington cũng đã kiên quyết truyền đạt quan điểm cứng rắn để cảnh báo Chính phủ Hy Lạp cũng như tất cả các cảng ở Địa Trung Hải. Đây là dấu hiệu cho thấy căng thẳng giữa Iran và Mỹ vẫn chưa thể đi đến hồi kết.