Bài cuối: Chú trọng hơn nữa công tác dân vận chính quyền
Chính trị - Ngày đăng : 06:54, 22/08/2019
- Đồng chí có thể khái quát đôi nét về những kết quả mà hệ thống dân vận thành phố đã đạt được trong thời gian qua?
- Trong gần 4 năm của nhiệm kỳ 2015-2020, công tác dân vận đã được các cấp ủy Đảng đặc biệt quan tâm, chỉ đạo thực hiện. Điểm nổi bật nhất là Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã thực hiện nghiêm túc những chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị về công tác dân vận, như: Quyết định số 217-QĐ/TƯ “Về việc ban hành quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội” và Quyết định số 218-QĐ/TƯ “Ban hành quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền”.
Cụ thể hóa hai quyết định này, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Quyết định số 6525-QĐ/TU ngày 25-9-2015 của Thành ủy về “Quy định trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền tiếp thu góp ý của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trên địa bàn thành phố Hà Nội”. Quyết định này đã được các cấp ủy Đảng thực hiện nghiêm túc.
Để phát huy dân chủ tại cơ sở, Ban Thường vụ Thành ủy cũng đã ban hành Quyết định số 2200-QĐ/TU ngày 25-5-2017 về “Quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trên địa bàn thành phố Hà Nội”. Đến nay, việc thực hiện quy định này bắt đầu đi vào nền nếp. Ban Dân vận Thành ủy được giao là cơ quan thường trực, có trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra, theo dõi việc thực hiện nội dung này. Qua kiểm tra cho thấy, 30/30 bí thư, chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã đều đã biết và thực hiện quyết định này, qua đó tăng cường sự đối thoại, thắt chặt sợi dây liên kết giữa Đảng với nhân dân.
Thứ hai, qua thực hiện Quyết định số 6525-QĐ/TU, Quyết định số 2200-QĐ/TU, Ban Thường vụ Thành ủy đã nhận thấy những điểm yếu trong thực hiện công tác dân vận chính quyền và đã có sự điều chỉnh. Bởi thực tế, các cơ quan nhà nước là nơi tiếp xúc với người dân nhiều nhất. Nếu thông qua cán bộ, công chức để làm công tác dân vận thì hệ thống dân vận thành phố sẽ ngày càng hoàn chỉnh. Chính vì vậy, từ năm 2017 đến nay, hằng năm, Ban Dân vận Thành ủy đều ký chương trình phối hợp với Ban Cán sự đảng UBND thành phố, quy định rõ nội dung trách nhiệm của ban dân vận và UBND các cấp trong triển khai công tác dân vận chính quyền. Cùng với đó, Chính phủ và Ban Dân vận Trung ương cũng có chỉ đạo cụ thể về thực hiện công tác dân vận chính quyền và đến nay, việc triển khai công tác này tại các cơ quan của thành phố Hà Nội đã nền nếp hơn.
Thứ ba, Hà Nội đã thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở do đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng làm Trưởng ban. Ở cấp quận, huyện, cấp xã, phường, thị trấn, các đồng chí bí thư hoặc phó bí thư sẽ là trưởng ban. Vì vậy, Quy chế dân chủ ở cơ sở đã được triển khai bài bản, có sự tham gia của cả hệ thống chính trị và ở mọi loại hình tổ chức ở khối cơ quan, doanh nghiệp và đơn vị sự nghiệp theo đúng các quy định của Trung ương. Đặc biệt, Hà Nội đã hoàn thành 100% việc kiểm tra quy chế dân chủ tại 584 xã, phường, thị trấn.
Thứ tư, thành phố Hà Nội đã tích cực xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận. Hiện nay, cơ bản các trưởng ban dân vận quận, huyện ủy đều là ủy viên ban thường vụ. Đây là sự quan tâm rất lớn của Thành ủy, các cấp ủy Đảng nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ và nâng cao chất lượng cán bộ làm công tác dân vận.
Thứ năm, hệ thống dân vận toàn thành phố đã tham mưu hiệu quả cho các cấp ủy Đảng, chính quyền thực hiện tốt công tác tôn giáo.
- Thực tế cho thấy, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai công tác dân vận. Đồng chí có thể phân tích rõ hơn về vấn đề này?
- Đúng vậy. Khó khăn đầu tiên của hệ thống dân vận phải kể đến đội ngũ cán bộ có nơi, có lúc chưa theo kịp sự thay đổi rất nhanh, mạnh mẽ của thành phố. Thêm vào đó, mạng xã hội cũng phát triển nhanh chóng, nhưng việc đeo bám để dự báo hiệu quả tình hình nhân dân nhằm tham mưu cho các cấp ủy Đảng, chính quyền lại chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra.
Cùng với đó, Thủ đô Hà Nội đang trong quá trình đô thị hóa nhanh nhưng hệ thống dân vận chưa theo kịp để tuyên truyền hiệu quả tới người dân. Việc tham gia giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong giải quyết đơn thư chưa được đẩy mạnh nên có lúc, có nơi nhân dân còn bức xúc… Đây chính là những tồn tại, bất cập mà hệ thống dân vận thành phố phải sớm khắc phục.
- Vậy yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra với hệ thống dân vận toàn thành phố và giải pháp thực hiện trong thời gian tới là gì, thưa đồng chí?
- Một trong những yêu cầu cấp bách là phải nỗ lực củng cố hệ thống cán bộ làm công tác dân vận; sắp xếp hợp lý, phát huy tối đa hiệu quả hoạt động của các tổ dân vận ở khu dân cư. Để phát huy vai trò của cán bộ dân vận ở cơ sở, cấp ủy địa phương phải tạo điều kiện hỗ trợ hoạt động thường xuyên, mời tổ dân vận tham gia các hoạt động của khu dân cư; thu hút người có uy tín tại cộng đồng tham gia tổ dân vận.
Đối với cán bộ làm công tác dân vận, cần chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền để từ đó đề ra chủ trương về công tác dân vận kịp thời, hiệu quả hơn. Qua đó, góp phần giải quyết tốt vấn đề dân sinh gây bức xúc trong các lĩnh vực: Giải phóng mặt bằng, xử lý rác thải, cải cách hành chính, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo…
Mặt khác, cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong từng lĩnh vực, như: Giải phóng mặt bằng, công tác tôn giáo, khu vực đồng bào thiểu số… Cùng với việc nghiên cứu, ban hành quy trình cụ thể, “Dân vận khéo” phải được nghiên cứu triển khai theo từng địa bàn, từng mô hình nhằm đáp ứng những yêu cầu ngày càng cao đang đặt ra trong giai đoạn hiện nay.
Cuối cùng, cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng trong việc thực hiện công tác dân vận chính quyền; tiếp tục thực hiện tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội… Quan trọng nhất là cả hệ thống chính trị phải cùng nỗ lực vào cuộc nhằm thực hiện tốt chính sách dân vận của Đảng theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, qua đó góp phần củng cố mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân.
- Trân trọng cảm ơn đồng chí!