Vũ Công Chiến: Nhà văn của những miền ký ức
Văn hóa - Ngày đăng : 10:25, 23/08/2019
Gần đây ông lại được độc giả nhắc nhiều khi cuốn Kim Liên một thuở - Ký ức Hà Nội từ những khu nhà cũ... được đề cử Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội năm 2019.
Từ hồi ức về một thời “máu và hoa”...
Người ta nói “dân kỹ thuật” thường khô khan nhưng với nhà văn Vũ Công Chiến nhận định này có vẻ không chính xác. Ngoại trừ vẻ bề ngoài chỉn chu, nghiêm ngắn, khi nói chuyện bất cứ ai cũng nhận ra nét hóm hỉnh, lãng tử trong con người ông. Nhất là khi đọc những trang văn ông bộc bạch tình yêu của mình với Hà Nội: “Rồi nhiều lúc, ngay cả khi chỉ có một mình, tôi cũng lang thang khắp trong khu tập thể, bồi hồi ngắm nhìn nét quen còn sót lại của một bờ tường, một gốc cây hay một đoạn đường. Nhớ lại ngày xưa mình đã từng ngồi, đã từng đi qua. Mẹ từng dắt tay mình qua đây mà nay không còn nữa. Chỗ góc đường bên gốc cây kia có cô bạn gái với tiếng cười lanh lảnh ngày cuối cấp tan trường mà chẳng hẹn hò được gì, để đến nỗi ngày hết chiến tranh trở lại, bến đã vắng con đò...”.
Vũ Công Chiến nhập ngũ khi vừa có giấy gọi nhập học của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội chỉ trước đó một tuần. Sáu năm ông chiến đấu tại chiến trường Nam Lào và mặt trận B3 Tây Nguyên là khoảng thời gian tuy không dài nhưng: “Đó là phần đời dữ dội, có sức ám ảnh rất lớn. Đó là “món nợ” tinh thần của anh đối với đồng đội. Nó buộc anh phải ghi lại và chia sẻ. Để những người lính thế hệ anh nhớ lại và tự hào về những năm tháng mình đã sống, đã hy sinh, chiến đấu vì đất nước. Để thế hệ sau có được một hình dung đầy đủ hơn chiến tích của một thời và cái giá của những ngày đang sống hôm nay”... như lời PGS.TS Lưu Khánh Thơ viết tựa cho cuốn Hồi ức lính. Có lẽ vì thế mà khi đã có một độ lắng nhất định, gần 60 tuổi, ông mới bắt đầu ngồi nhớ lại và tỉ mẩn ghi chép những câu chuyện về khoảng thời gian hào hùng mà bi tráng ấy.
Ông chọn cho mình một góc làm việc nhỏ nhưng yên tĩnh trong căn nhà, thức khuya cùng ngọn đèn bàn, chiếc máy tính, và cuốn nhật ký đời lính ông giấu tận đáy ba lô được mang ra để soi chiếu lại. Bằng trí nhớ tuyệt vời của “dân kỹ thuật”, ông gọi lại không sót một chi tiết nào, kể cả cái cảm giác đau buốt một bên vai do sức nặng của chiếc ba lô tỳ vào, nhớ rõ tiếng nhịp tim mình đập rất nhanh ra sao hay cái cảm giác lạnh tê của giọt nước mưa cứ thấm dần, ngấm dần từ chiếc khăn đội đầu rồi chảy vào vai qua sống lưng, ướt dần hai bên áo... khi ông cùng đồng đội nằm phục kích địch. Ban đầu ông chia sẻ những mẩu chuyện ấy trên trang mạng xã hội. Sau đó tình cờ những ghi chép ấy đã “lọt mắt xanh” của một người biên tập có nghề - PGS.TS Lưu Khánh Thơ (Viện Văn học), để rồi bà lại giới thiệu chúng với một “bà đỡ giàu kinh nghiệm” là NXB Trẻ. Thế là năm 2016 cuốn Hồi ức lính được xuất bản và một năm sau được trao giải “Tác phẩm đầu tay xuất sắc” của Hội Nhà văn Hà Nội.
Hồi ức lính gom góp những câu chuyện về đời lính được ông kể lại theo trình tự thời gian, từ khi nhập ngũ đến những ngày hành quân ở Trường Sơn, từ trận chiến đầu tiên ở chiến trường Nam Lào tới nhiều trận đánh ác liệt khác, những lần bổ sung quân, chuyển hậu cứ mới..., rồi những cuộc tác chiến, lập chốt, giữ chốt, trinh sát, phục kích... đã mang đến cho người đọc cái nhìn chân thực về sự mất mát trong chiến tranh và bản chất cao đẹp của người chiến sĩ. Sau khi xuất bản, Hồi ức lính đã gây xôn xao trên văn đàn. Nhà văn Bảo Ninh - tác giả tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh cũng bày tỏ rằng ông không biết bình luận thế nào về tác phẩm này cho thật thỏa lòng mình hay chọn những từ ngữ nào để nói về một tác phẩm văn học đích thực văn chương và đích thực là viết về chiến tranh hay như Hồi ức lính. Nhà văn Bảo Ninh còn cho rằng ai muốn viết sách, làm phim về chiến tranh thì phải đọc Hồi ức lính, để hiểu từ cách ăn, cách mặc, cách nói chuyện, cầm súng cho đến tinh thần của lính...
Còn với riêng Vũ Công Chiến, ông viết những câu chuyện kể về đời lính của mình đơn giản như một cuộc dạo chơi với văn chương, xa hơn là để một thế hệ trẻ đang lớn lên còn biết cha ông họ đã từng có một “mùa chinh chiến”, một “mùa xa nhà” mà lòng vẫn phơi phới lý tưởng và nhiệt huyết như thế.
... đến những trang viết đậm chất Hà Nội
Hai năm sau khi tác phẩm Hồi ức lính ra đời, trong một lần trò chuyện với vài người bạn trở về từ phương xa, ôn lại chuyện cũ xoay quanh nơi ông đang ở, ông đã nung nấu ý định phải viết về nó, khu tập thể Kim Liên - khu tập thể có tuổi đời nửa thế kỷ, “một Hà Nội nhỏ” đã chứng kiến bao sự đổi thay của đất nước, trong đó có chính gia đình ông.
Gắn bó với khu tập thể Kim Liên quá nửa đời người và chứng kiến biết bao sự đổi thay của mảnh đất, con người nơi đây nên ông có một lợi thế chính là ký ức khá dày dặn về mảnh đất này. Vẫn là kết cấu theo dòng thời gian quen thuộc, tác giả viết về những bước chuyển mình mạnh mẽ của khu tập thể Kim Liên, từ một khu tập thể lưa thưa bóng người, còn nghèo đói của những năm miền Bắc bắt đầu xây dựng xã hội chủ nghĩa, đến Kim Liên của những năm sơ tán với đầy rẫy những hầm hố trú ẩn, Kim Liên của những năm bao cấp với cảnh hàng dài người xếp hàng để mua được một chút gạo, chút mắm muối..., và cả những bước ngoặt đầy mạnh mẽ thành một Kim Liên đông đúc với cơ sở vật chất hiện đại như ngày hôm nay.
Trên từng trang viết, khu tập thể Kim Liên hiện ra không hề có tiếng xe cộ ồn ào, không có khói bụi của ô tô, xe máy mà chỉ còn tiếng cười giòn tan của lũ trẻ chơi trò bắt rắn dọa nhau hay chơi trận giả, trốn tìm... Bằng cái nhìn của một người chịu khó quan sát, ông bày ra cho bạn đọc “xem” về một khu tập thể được ví như một cái làng thu nhỏ. Ở đó dù cuộc sống còn nhiều thiếu thốn nhưng họ cư xử với nhau rất nhân ái, sẵn sàng giúp đỡ nhau lúc “tối lửa tắt đèn”, chia nhau từ miếng chanh, củ gừng, an ủi nhau những khi hoạn nạn. Vì các gia đình trong cùng cầu thang gặp mặt hằng ngày đều biết rất rõ về nhau, kể cả hoàn cảnh gia đình nên tình thân như ruột thịt...
Khi được hỏi tại sao lại chọn chính nơi mình sinh ra và viết về nó, ông bảo rằng: “Tôi kể về ký ức tuổi thơ và sự biến đổi của khu tập thể Kim Liên là để gửi gắm trong đó tình yêu khu tập thể của mình và tình yêu với Hà Nội. Trong con mắt của tôi, khu tập thể Kim Liên vẫn giữ được nét của một “khu tập thể” và tôi thích gọi thế hơn”. Ông viết về nó vì còn một lý do nữa đó là khi ông bất chợt lo xa cho chốn cũ của mình: “Một lúc nào đó có dịp trở lại nơi xưa chốn cũ, ta thường giật mình khi nhìn lại quãng thời gian cách xa, thấy nó trôi sao nhanh thế.
Xa lâu đến nỗi ở vùng đất năm xưa đó, người xưa không còn mà cảnh cũ cũng nhiều đổi thay”. Hà Nội vươn mình lớn mạnh hòa cùng nhịp sống hiện đại, rồi sẽ có một ngày chẳng ai có thể nhìn được hình dáng cổ xưa của Kim Liên nữa. Ông hoàn thành cuốn sách với mong muốn: “Trước là để dành tặng cho cư dân mọi thời kỳ của khu Kim Liên, nếu còn có lúc hoài niệm về quá khứ. Sau nữa là thông qua chuyện của mình kể cho mọi người nghe về một Hà Nội một thời yên bình, một thời khói lửa, một thời hào hùng và một thời đáng nhớ...”.
Nhà văn Vũ Công Chiến sinh năm 1953, vốn là một kỹ sư điện tử của Đại học Bách khoa Hà Nội; cán bộ của Viện Khoa học Việt Nam, Viện Nghiên cứu Điện tử, Tin học, Tự động hóa, Bộ Công Thương. Ông nhập ngũ năm 1971, tham gia chiến đấu ở Trường Sơn, chiến trường Nam Lào, mặt trận B3 Tây Nguyên. Bên cạnh hai tác phẩm Hồi ức lính và Kim Liên một thuở - Ký ức Hà Nội từ những khu nhà cũ... được độc giả và giới văn chương đón nhận, ông còn thành công ở thể loại truyện ngắn với những tác phẩm đáng chú ý như Miền Trung thương nhớ, Ấm chè, Thái giám, Anh vẫn đi tìm em, Chuyện tình của Bảo...