Giải Đua xe đạp Hà Nội mở rộng năm 2019: Sân chơi nhiều ý nghĩa
Thể thao - Ngày đăng : 08:00, 24/08/2019
Đây được coi là một sân chơi nhiều ý nghĩa, có quy mô lớn nhất trong các giải đua xe đạp phong trào hiện nay - đó là khẳng định của bà Quách Thùy Linh, Chánh Văn phòng Liên đoàn Xe đạp - Mô tô thể thao Hà Nội với phóng viên Báo Hànộimới.
- Bà có thể chia sẻ đôi điều về công tác tổ chức và yếu tố chuyên môn của Giải Đua xe đạp Hà Nội mở rộng năm 2019?
- Đây là giải thường niên do Sở Văn hóa và Thể thao, Liên đoàn Xe đạp - Mô tô thể thao Hà Nội phối hợp tổ chức, duy trì suốt 5 năm qua. Không chỉ là hoạt động thể thao trọng điểm kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 hằng năm, giải đấu còn có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy phong trào chung của môn xe đạp trên toàn quốc, tăng cường quan hệ, hợp tác hữu nghị, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm với các tỉnh, thành phố trong nước và quốc tế.
Đến thời điểm này, đã có hơn 200 vận động viên của hơn 30 câu lạc bộ xe đạp các tỉnh, thành, ngành đăng ký tham dự, tranh tài ở các nội dung thi đấu cá nhân, đồng đội hạng chuyên nghiệp và hạng phong trào theo nhiều nhóm tuổi. Với hạng chuyên nghiệp, các vận động viên nam sẽ đua 12 vòng hồ Hoàn Kiếm và các vận động viên nữ đua 8 vòng hồ Hoàn Kiếm (mỗi vòng 1,7km). Còn hạng phong trào, nam lứa tuổi 31-45 và lứa tuổi 46-55 đua 10 vòng hồ và nữ đua 6 vòng hồ. Riêng lứa tuổi từ 56 trở lên đua 8 vòng hồ đối với nam và 6 vòng hồ đối với nữ.
- Lực lượng vận động viên tham gia giải năm nay được đánh giá như thế nào, thưa bà?
- Giải Đua xe đạp Hà Nội mở rộng không chỉ dừng lại ở quy mô một địa phương, mà đây thực sự là sân chơi dành cho các vận động viên đua xe đạp phong trào của cả nước. Ngay từ đầu năm 2019, Liên đoàn Xe đạp - Mô tô thể thao Hà Nội đã nhận được không ít câu hỏi về thời điểm tổ chức giải của nhiều câu lạc bộ xe đạp trên cả nước để họ sắp xếp lịch tập luyện, sẵn sàng cho giải đấu.
Mặc dù đến ngày 25-8, Ban Tổ chức mới chốt danh sách vận động viên dự giải, nhưng dự kiến năm nay có hơn 300 vận động viên tham gia tranh tài. Với các giải đua xe đạp dành cho các vận động viên chuyên nghiệp, giới chuyên môn không khó để đưa ra dự đoán về các ứng viên sáng giá cho vị trí Nhất, Nhì, Ba của từng nội dung. Song, với giải đấu mang đậm chất phong trào như giải này, mọi nhận định đều chỉ mang tính chất tương đối. Ngay cả với nội dung thi đấu hạng chuyên nghiệp, chủ yếu dành cho các vận động viên trẻ thuộc đội tuyển xe đạp cấp quận, huyện, thị xã, chứ vận động viên các tuyến của đội tuyển xe đạp Hà Nội không được tham gia. Các vận động viên của các tỉnh, thành, ngành tham gia nội dung này cũng phải là lực lượng chưa đăng ký thi đấu tại Giải vô địch quốc gia hoặc Giải trẻ quốc gia. Thế nhưng, tôi tin là sẽ không có sự chênh lệch quá lớn về chỉ số thành tích, bởi Liên đoàn Xe đạp - Mô tô thể thao Hà Nội đã phân hạng lứa tuổi, nội dung thi đấu rất kỹ lưỡng.
- Ban Tổ chức đã có sự chuẩn bị như thế nào để cuộc đua diễn ra an toàn, chất lượng?
- Liên đoàn Xe đạp - Mô tô thể thao Hà Nội sẽ huy động hơn 20 trọng tài cấp quốc gia. Họ sẽ được phân bổ hợp lý, có lực lượng theo mô tô giám sát đường đua, có lực lượng bố trí ở vạch đích, nhằm bảo đảm tính minh bạch, công bằng. Có hơn 50 xe mô tô thể thao làm công tác hỗ trợ dẫn đường, dẹp đường, khóa đuôi..., bảo đảm an toàn đường đua. Về y tế, có 2 kíp trực của Trung tâm Cấp cứu 115 được bố trí gần khu vực thi đấu. Công an thành phố Hà Nội cũng đã có phương án bảo đảm an ninh, an toàn cho giải đấu.
Theo kế hoạch, ngày 30-8, Ban Tổ chức sẽ tiến hành họp chuyên môn, bốc thăm xếp lịch thi đấu trong buổi sáng và tập huấn trọng tài vào buổi chiều cùng ngày. 17h ngày 30-8, chúng tôi sẽ kiểm tra, rà soát lại toàn bộ công tác chuẩn bị, trước khi giải đấu khởi tranh vào 7h sáng ngày 31-8.
- Bà nghĩ thế nào về nhận định, tổ chức một giải đua xe đạp phong trào còn vất vả hơn tổ chức giải đua xe đạp dành cho vận động viên chuyên nghiệp?
- Với các giải dành cho vận động viên chuyên nghiệp, số lượng vận động viên dự giải thường ít hơn giải phong trào. Chính vì vậy, công tác tổ chức, hậu cần cho một giải đua xe đạp phong trào nhiều khi vất vả hơn giải chuyên nghiệp. Bù lại, chúng tôi tạo dựng được một sân chơi cho những người yêu thể dục, thể thao, tự giác rèn luyện và đi xe đạp thường xuyên. Các vận động viên phong trào sẵn sàng tự túc kinh phí tập luyện, đi lại, ăn ở, trang thiết bị thi đấu để đến Hà Nội tranh tài, bởi đây thực sự một ngày hội dành cho những người yêu thích bộ môn xe đạp. Những mùa giải trước, có nhiều gia đình cùng tham gia, lan tỏa lối sống tích cực, năng vận động, gắn kết các thành viên một nhà qua hoạt động thể thao...
- Trân trọng cảm ơn bà!