Đoàn kết trong Đảng là hạt nhân của khối đại đoàn kết dân tộc
Chính trị - Ngày đăng : 06:42, 24/08/2019
Truyền thống quý báu
Suốt tiến trình xây dựng và phát triển, để bảo đảm vai trò lãnh đạo, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn coi đoàn kết thống nhất là một trong những nguyên tắc cơ bản nhất trong xây dựng Đảng; là vấn đề sống còn của sự nghiệp cách mạng, là cơ sở để xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân. Đảng Cộng sản là một bộ phận trong hệ thống chính trị nhưng là lực lượng lãnh đạo, là linh hồn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, cho nên “sự đoàn kết trong Đảng là quan trọng hơn bao giờ hết, nhất là sự đoàn kết chặt chẽ giữa các cán bộ lãnh đạo”.
Trên tinh thần tuyệt đối không thỏa hiệp với những xu hướng bè phái; coi sự chia rẽ là tội ác lớn nhất đối với Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Đoàn kết là một truyền thống quý báu, vì “không đoàn kết thì suy và mất. Có đoàn kết thì thịnh và còn. Chúng ta phải lấy đoàn kết mà xoay vần vận mệnh, giữ gìn dân tộc và bảo vệ nước nhà”.
Coi trọng đoàn kết trong Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn trong Di chúc: “Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác…”. Nhờ tinh thần đoàn kết, Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân giành được độc lập, tự do cho toàn dân tộc năm 1945, củng cố chính quyền nhân dân non trẻ, tiến hành thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.
Đặc biệt, những năm cuối thập niên 80, đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, thế giới chứng kiến sự chia rẽ trong nội bộ các đảng cầm quyền ở Liên Xô, Đông Âu đã dẫn đến sự tan rã của mô hình chủ nghĩa xã hội ở những nước này. Bước sang thế kỷ XXI, chủ nghĩa khủng bố, các xung đột sắc tộc, tôn giáo, phe phái diễn ra ở nhiều quốc gia đã dẫn đến những bất ổn nhiều mặt trong đời sống chính trị, kinh tế thế giới. Rõ ràng, sự thống nhất của đảng cầm quyền, sự đoàn kết trong nội bộ các quốc gia, nếu không được xây dựng và củng cố, thì hậu quả là khó lường trước được… Hình ảnh đất nước Việt Nam ổn định, bình yên ngày nay vừa là thành quả trực tiếp từ công cuộc đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, vừa có cội nguồn sâu xa từ khối đoàn kết thống nhất trong Đảng, hạt nhân của khối đại đoàn kết toàn dân tộc do Chủ tịch Hồ Chí Minh dày công vun đắp…
Tiếp tục thực hiện di huấn của Người về đoàn kết
Ngày 2-9-1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi xa về cõi vĩnh hằng. Vĩnh biệt Người, tại Lễ truy điệu sau đó ít ngày, đồng chí Lê Duẩn - Bí thư Thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) thay mặt toàn Đảng, toàn dân đã hứa: “Hết lòng hết sức giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình, tăng cường sức chiến đấu của Đảng, làm hạt nhân cho khối đoàn kết toàn dân, đảm bảo cho sự nghiệp cách mạng của giai cấp công nhân và dân tộc Việt Nam hoàn toàn thắng lợi”. Thấm nhuần những chỉ dẫn của Người: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công” và thực hiện lời căn dặn trong Di chúc, Đảng Cộng sản Việt Nam đã hoàn thành trọng trách mà Tổ quốc và nhân dân giao phó.
Thực tiễn lịch sử gần 90 năm xây dựng và trưởng thành cho thấy, đoàn kết trong Đảng đã được Đảng ta thấm nhuần và thực hiện. Đó không chỉ là nhiệm vụ chiến lược của Đảng mà còn là đòi hỏi khách quan của toàn thể dân tộc trong cuộc đấu tranh để giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vì thế, văn kiện các kỳ Đại hội Đảng đều nhấn mạnh vai trò của đoàn kết, coi đoàn kết thống nhất trong Đảng, trước hết là ở cơ quan lãnh đạo có ý nghĩa quyết định sự thành công của cách mạng. Trong đó, Đại hội XII của Đảng khẳng định: “Đoàn kết trong Đảng là hạt nhân, là cơ sở vững chắc để xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc”.
Nhận thức sâu sắc rằng, xây dựng và củng cố khối đoàn kết thống nhất trong Đảng dựa trên cơ sở chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, dựa vào đường lối của Đảng, Điều lệ Đảng, đội ngũ cán bộ, đảng viên đã từng bước giải quyết những bất cập, nảy sinh trong thực tiễn. Bằng kỷ luật Đảng, Đảng ta kiên quyết xử lý dứt điểm tình trạng mất đoàn kết nội bộ ở nơi này, nơi khác từ khi có những biểu hiện manh nha, đồng thời, cảnh giác và chủ động đấu tranh với việc lợi dụng bất đồng ý kiến, mâu thuẫn trong nội bộ để kích động, chống phá, phá hoại khối đoàn kết, thống nhất trong Đảng, dẫn đến nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ... thông qua quá trình nâng cao nhận thức trong tư tưởng, tiến hành thảo luận dân chủ với tinh thần xây dựng, tự phê bình và phê bình nghiêm túc theo nguyên tắc tập trung dân chủ.
Bên cạnh đó, Đảng đã tăng cường công tác kiểm tra và giám sát việc thực hiện Điều lệ Đảng, quy định về những điều đảng viên không được làm, các quy định nêu gương; đẩy mạnh phòng, chống và ngăn chặn những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, tham ô, tham nhũng, “lợi ích nhóm”; và nhất là dựa vào nhân dân để kiểm tra, giám sát, phát hiện những vi phạm của cán bộ, đảng viên nhằm kịp thời uốn nắn những sai phạm và đưa ra khỏi Đảng những kẻ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”... để củng cố, tăng cường sự đoàn kết thống nhất trong tư tưởng và hành động của mỗi cấp ủy, mỗi tổ chức cơ sở Đảng.
... Trước những vận hội và cả nguy cơ của xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, Đảng Cộng sản Việt Nam ngày càng khẳng định vai trò lãnh đạo, trách nhiệm của mình trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Từ đó có thể thấy, đoàn kết trong Đảng không phải chỉ là nhiệm vụ chiến lược của Đảng mà còn là đòi hỏi khách quan của toàn thể dân tộc. Cho nên, nhất quán và xuyên suốt, mục đích của Đảng là: “Đoàn kết toàn dân, phụng sự Tổ quốc” như văn kiện Đại hội XII đã khẳng định.