Xây dựng lực lượng Cảnh sát biển đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới
Xã hội - Ngày đăng : 06:42, 25/08/2019
Không ngừng xây dựng, củng cố lực lượng
- Để hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền biển, đảo bằng biện pháp dân sự và pháp luật, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đã chú trọng đến việc xây dựng lực lượng như thế nào, thưa đồng chí?
- 21 năm qua, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam đã tiếp nối nhau xây đắp truyền thống “Kiên quyết dũng cảm, khắc phục khó khăn, đoàn kết hiệp đồng, giữ nghiêm pháp luật”. Từ một cơ quan Cục Cảnh sát biển trực thuộc Quân chủng Hải quân, đến nay đã thành Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển; các vùng Cảnh sát biển được tổ chức lại thành Bộ Tư lệnh vùng; các cụm trinh sát, phòng chống tội phạm ma túy được tổ chức thành Đoàn trinh sát, Đoàn đặc nhiệm phòng, chống tội phạm ma túy. Lực lượng được trang bị tàu, xuồng, máy bay tuần thám, công cụ hỗ trợ hiện đại, từng bước đáp ứng yêu cầu tuần tra, kiểm soát, để bảo vệ chủ quyền, thực thi pháp luật trên biển.
Bên cạnh đó, quá trình xây dựng, củng cố lực lượng luôn gắn liền với việc hoàn thiện hành lang pháp lý và tổ chức thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ Cảnh sát biển. Trên cơ sở tổ chức thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, nhân dân giao cho, Cảnh sát biển từng bước tham mưu, hoàn thiện các quy định pháp luật về tổ chức và hoạt động của lực lượng.
- Thời gian qua, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển thực hiện chức năng tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước về chính sách pháp luật, bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn trên biển như thế nào?
- Trên cơ sở quán triệt và thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, mệnh lệnh của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về nhiệm vụ quân sự - quốc phòng và nhiệm vụ cảnh sát biển, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đã nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác nắm tình hình, dự báo chiến lược, từ đó có quyết sách đúng, trúng trong xử lý các tình huống, không để bị động, bất ngờ, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Cảnh sát biển tích cực tham mưu cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng những đối sách xử lý các tình huống quốc phòng, an ninh trên biển theo nguyên tắc coi trọng biện pháp pháp luật, lấy ổn định, phát triển lâu dài là xuyên suốt, giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, các quyền của quốc gia ven biển.
- Thực tế, trong công tác quản lý bảo vệ chủ quyền, duy trì thực thi pháp luật trên biển, Cảnh sát biển thường xuyên phải đối mặt với những diễn biến phức tạp. Việc xây dựng bản lĩnh chính trị cho cán bộ, chiến sĩ được thực hiện ra sao, thưa đồng chí?
- Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam đặc biệt chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ vững mạnh về chính trị tư tưởng, từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, pháp luật, ngoại ngữ và khả năng sẵn sàng chiến đấu. Trong đó, xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng là nhiệm vụ thường xuyên, là khâu then chốt, có ý nghĩa quan trọng.
- Việc tăng cường công tác đối ngoại quốc phòng được Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển thực hiện ra sao trong thời gian qua?
- Quán triệt đường lối đối ngoại của Đảng và các chỉ thị, nghị quyết của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về đối ngoại quốc phòng, Cảnh sát biển Việt Nam đã có quan hệ song phương, đa phương với lực lượng thực thi pháp luật của nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới, như: Campuchia, Philippines, Indonesia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Hoa Kỳ…
Cảnh sát biển Việt Nam là đại diện cho Chính phủ Việt Nam tham gia Hiệp định liên chính phủ về chia sẻ thông tin chống cướp biển, cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền tại châu Á; là thành viên của hội nghị Những người đứng đầu lực lượng thực thi pháp luật trên biển các nước châu Á; đại diện cho Việt Nam tham gia Sáng kiến thực thi pháp luật trên vịnh Thái Lan…
Hiện nay, Cảnh sát biển đã có một trung tâm trao đổi thông tin liên lạc, duy trì thường xuyên hoạt động chia sẻ thông tin về tình hình an ninh hàng hải, cướp biển, cướp có vũ trang, tìm kiếm cứu nạn với lực lượng thực thi pháp luật của 20 quốc gia và duy trì đường dây nóng với 7 quốc gia trong khu vực.
Thời gian tới, Cảnh sát biển Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh công tác đối ngoại, thúc đẩy quan hệ hợp tác với lực lượng bảo vệ bờ biển, cảnh sát biển các nước, ưu tiên các nước trong khu vực, các nước có vùng biển giáp với nước ta và các đối tác truyền thống.
Điểm tựa để ngư dân bám biển
- Mô hình “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân” đã trở thành điểm tựa cho ngư dân trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc. Đồng chí có thể nói rõ hơn về công tác này?
- Từ năm 2017, Đảng ủy Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đã xây dựng và triển khai mô hình công tác dân vận “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân”. Sau 2 năm thực hiện, Ban Thường vụ Đảng ủy Cảnh sát biển đã ký kết phối hợp với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kiên Giang; chỉ đạo các đơn vị tổ chức ký kết phối hợp hoạt động, triển khai thực hiện mô hình tại 13 xã, huyện đảo trên 11 tỉnh, thành phố ven biển, tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật cho hơn 10.300 lượt cán bộ, ngư dân.
Cảnh sát biển đã tổ chức 11 cuộc thi “Em yêu biển đảo quê hương” tại trường trung học cơ sở của các xã, huyện đảo với hơn 6.500 giáo viên, học sinh và cán bộ chính quyền địa phương tham gia; in ấn và cấp phát hàng chục nghìn tờ rơi, 1.250 sổ tay pháp luật. Cảnh sát biển tổ chức 70 lượt phương tiện tàu, xuồng tham gia tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn; cứu được 415 thuyền viên, 17 phương tiện tàu thuyền, cứu vớt 15 thi thể; ứng cứu kịp thời nhiều ngư dân gặp nạn trên biển.
Các đơn vị trực thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đã kêu gọi, vận động hơn 60 tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp, nhà hảo tâm ủng hộ, tài trợ hơn 8 tỷ đồng để xây dựng nhà tình nghĩa, tặng quà cho hàng trăm gia đình chính sách, ngư dân nghèo.
Theo đó, đã tặng 2 nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách; hỗ trợ xe đạp, học bổng cho gần 1.000 học sinh nghèo vượt khó; khám bệnh, tư vấn sức khỏe, cấp thuốc miễn phí cho 1.860 lượt ngư dân; tặng 2.370 cờ Tổ quốc, 2.170 tủ thuốc và túi cứu thương, 1.364 áo phao, cùng các trang thiết bị, đồ dùng sinh hoạt, nhu yếu phẩm có giá trị hàng trăm triệu đồng...
- Luật Cảnh sát biển Việt Nam có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2019, là cơ sở pháp lý quan trọng trong thực thi pháp luật trên biển. Theo đồng chí, các cấp, ngành cần làm gì để mọi tầng lớp nhân dân, nhất là người dân các tỉnh, thành phố ven biển nắm rõ nội dung của luật?
- Luật Cảnh sát biển Việt Nam ra đời đã tạo khuôn khổ pháp lý vững chắc cho lực lượng Cảnh sát biển thực thi tốt hơn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Để luật sớm đi vào cuộc sống, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển tiếp tục nghiên cứu, tham mưu với Bộ Quốc phòng đề xuất Chính phủ ban hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành luật sao cho đồng bộ, dễ hiểu và dễ thực hiện.
Đối với các bộ, ngành có liên quan và cấp ủy, chính quyền các địa phương, nhất là 28 tỉnh, thành phố ven biển, cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các nội dung cơ bản của luật cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là ngư dân để họ nắm vững, hiểu rõ, sẵn sàng chấp hành việc huy động nhân lực, phương tiện nhằm thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Cảnh sát biển khi thực tiễn, yêu cầu nhiệm vụ trên biển đặt ra. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, giới thiệu luật trên các phương tiện thông tin đại chúng.
- Để đáp ứng yêu cầu của một lực lượng được ưu tiên tiến thẳng lên hiện đại, phát huy vị trí, vai trò là một trong những điểm tựa vững chắc cho ngư dân bám biển và hoạt động của các tổ chức, cá nhân trên biển, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển chú trọng đến công tác xây dựng lực lượng trong thời gian tới như thế nào?
- Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đã xác định xây dựng lực lượng vững chắc, tiến thẳng lên hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý, bảo vệ vùng biển, đảo trong tình hình mới. Theo đó, xây dựng lực lượng vững mạnh toàn diện về chính trị tư tưởng và tổ chức; tăng cường đầu tư trang thiết bị, phương tiện hiện đại; nâng cao chất lượng công tác cán bộ, công tác huấn luyện chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, chiến sĩ.
Trong đó, việc xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng là khâu then chốt; xây dựng tổ chức Cảnh sát biển phù hợp với chức năng, nhiệm vụ mang tính đa ngành, đa lĩnh vực. Trên cơ sở các đầu mối tổ chức hiện có, từng bước nâng cấp, tăng cường vai trò tham mưu chiến lược của cơ quan Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, điều chỉnh tổ chức, biên chế các đơn vị trực thuộc. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng Đề án cơ cấu lại Trung tâm Đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ Cảnh sát biển thành Trường Cảnh sát biển nhằm bảo đảm công tác đào tạo cán bộ có tính thống nhất, cơ bản và lâu dài.
- Trân trọng cảm ơn đồng chí!