Thí điểm tự chủ đối với 4 bệnh viện: Liệu người bệnh có bị lạm thu?
Đời sống - Ngày đăng : 06:28, 25/08/2019
Sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn lực của bệnh viện
Cách đây hơn một năm, bệnh nhân Phan Thanh Quang N. (16 tuổi ở Hà Nội) phát hiện bị cong vẹo cột sống. Tháng 6-2019, N. là một trong 3 bệnh nhân đầu tiên được phẫu thuật bằng hệ thống định vị không gian ba chiều O-arm cùng vít trượt Streamline tại Bệnh viện Bạch Mai. Sau mổ khoảng một tuần, bệnh nhân đi lại được bình thường. Bác sĩ Hoàng Gia Du, Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình và Cột sống (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, kỹ thuật mới đã giúp giảm tỷ lệ phải phẫu thuật lại, thời gian phẫu thuật được rút ngắn.
Đây là một trong nhiều kỹ thuật cao được Bệnh viện Bạch Mai đầu tư, triển khai áp dụng kể từ khi thực hiện việc tự chủ tài chính, bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động (năm 2015). Theo Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Ngọc Hiền, chỉ riêng năm 2018, bệnh viện đã thu hút gần 2 triệu lượt người khám bệnh ngoại trú, điều trị nội trú cho hơn 161.000 trường hợp, doanh thu khoảng 4.500 tỷ đồng, chi phí hơn 3.600 tỷ đồng.
Tương tự, Bệnh viện K vừa đưa vào sử dụng máy xạ trị gia tốc điều trị ung thư trị giá gần 150 tỷ đồng. Trước đây, các trang thiết bị của bệnh viện đều được Nhà nước hỗ trợ, thì nay, khi thực hiện tự chủ, bệnh viện phải tự lo.
Giám đốc Bệnh viện K Trần Văn Thuấn cho biết, từ năm 2017, được Bộ Y tế giao là đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm toàn bộ kinh phí chi thường xuyên. Trung bình mỗi năm, bệnh viện tiếp đón hơn 400.000 lượt người đến khám bệnh (tăng gần 50% so với thời điểm trước năm 2016), điều trị nội trú cho hơn 45.000 người bệnh (tăng hơn 20% so với thời điểm trước năm 2016).
“Khi được giao quyền tự chủ, các bệnh viện buộc phải thay đổi để quản lý năng động, hiệu quả hơn, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, cải thiện thái độ phục vụ người bệnh”, ông Trần Văn Thuấn khẳng định.
Đánh giá về việc triển khai thí điểm cơ chế tự chủ tại các bệnh viện, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho rằng, đây là hướng đi hiệu quả, phù hợp với tình hình hiện nay; các bệnh viện sẽ phát huy tính chủ động, sáng tạo, khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn lực. So với cơ chế tự chủ về tài chính, ưu điểm của tự chủ, tự chịu trách nhiệm toàn diện là người đứng đầu bệnh viện tự quyết về nhân lực, đầu tư, mua sắm. Cơ chế này cho phép bệnh viện thu hút bác sĩ giỏi, phát triển nhiều kỹ thuật cao, tạo ra sự cạnh tranh về chất lượng bệnh viện, chất lượng điều trị và người được hưởng lợi chính là bệnh nhân.
Nỗi lo có sự phân biệt công - tư, khám chữa thường - dịch vụ
Khi tự chủ, bệnh viện có thể tăng mức đầu tư nhân lực, vật lực để nâng cao năng lực, chất lượng khám bệnh, chữa bệnh. Tuy nhiên, thực tế cho thấy khi lợi nhuận được đặt lên hàng đầu, các bệnh viện sẽ có xu hướng đẩy mạnh việc khám, chữa bệnh dịch vụ để tăng thu.
Thậm chí, có những thời điểm bệnh nhân phải nằm ghép giường, nằm cáng, nhưng bệnh viện vẫn dành 20-40% số giường cho “dịch vụ y tế theo yêu cầu” với mức giá cao. Việc này ảnh hưởng đến trách nhiệm xã hội, tính nhân văn của ngành Y tế.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế) cho biết, Bộ Y tế đã yêu cầu các bệnh viện phải tiến hành rà soát, nếu bệnh nhân còn phải nằm ghép, thì không được dành quá nhiều giường cho dịch vụ. Quy định về việc sử dụng tài sản công cũng yêu cầu bệnh viện phải bảo đảm số giường phục vụ bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế, sau đó mới dành cho dịch vụ. Bệnh viện cũng chỉ được quyết định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu trong phạm vi khung giá do Bộ Y tế ban hành và thực hiện việc kê khai, niêm yết giá theo quy định của pháp luật.
“Dù chi phí giường kế hoạch hay giường dịch vụ của bệnh nhân có khác nhau, nhưng tất cả phác đồ điều trị đều phải giống nhau, không có sự phân biệt công - tư, khám thường hay dịch vụ”, ông Nguyễn Nam Liên nhấn mạnh.
Trước những lo ngại, khi bệnh viện được tự chủ hoàn toàn sẽ “tự tung, tự tác”, lạm dụng chỉ định, xét nghiệm, kê đơn, Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến khẳng định Bộ Y tế sẽ kiểm soát được tình trạng này. Bởi, khi 4 bệnh viện thực hiện thí điểm tự chủ hoàn toàn, Bộ Y tế chỉ định thành lập Hội đồng quản lý và cử giám đốc bệnh viện làm chủ tịch. Hội đồng quản lý có 7-11 người, trong đó có 1 người là cục trưởng (cục phó), hoặc vụ trưởng (vụ phó) của Bộ Y tế tham gia.
Hội đồng quản lý có quyền quyết định cấu hình, tính năng kỹ thuật của trang thiết bị y tế, bảo đảm phù hợp với yêu cầu phát triển chuyên môn của bệnh viện và an toàn cho người bệnh. “Dù tự chủ toàn diện, nhưng bệnh viện vẫn bị ràng buộc bởi các quy chế kê đơn, sử dụng thuốc an toàn, hợp lý...”, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết.
Tuy nhiên, theo ông Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam), việc thí điểm tự chủ hoàn toàn với 4 bệnh viện lớn có thể dẫn đến nguy cơ độc quyền về chuyên môn. Chính vì vậy, khi thực hiện thí điểm cần có Hội đồng chuyên môn độc lập, giao cho một tổ chức (không thuộc Bộ Y tế) thực hiện giám sát, xem xét có hay không tình trạng lẫn lộn công - tư, lạm dụng chỉ định, phẫu thuật, dùng thuốc…
Tự chủ tài chính là chủ trương đúng, tạo điều kiện cho các bệnh viện nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh một cách chủ động; không ỷ lại, trông chờ vào ngân sách nhà nước. Song, trao quyền tự chủ cho các bệnh viện phải đi liền với việc giám sát và bảo đảm người bệnh được hưởng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, chăm sóc y tế tốt nhất.
Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 19-5-2019 của Chính phủ yêu cầu 4 bệnh viện trong diện thí điểm tự chủ phải "thực hiện trách nhiệm xã hội của bệnh viện, bảo đảm quyền lợi cho đối tượng có thẻ bảo hiểm y tế, đối tượng chính sách, nhất là bệnh nhân nghèo, bệnh nhân thuộc diện khó khăn trong tiếp cận với dịch vụ y tế có chất lượng với chi phí hợp lý; không để xảy ra tình trạng thu hút bệnh nhân quá mức và lạm thu"; "xây dựng Đề án tự chủ, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; hằng năm có sơ kết đánh giá kết quả triển khai thực hiện báo cáo Bộ Y tế, Thủ tướng Chính phủ".