Trọn nghĩa, vẹn tình
Chính trị - Ngày đăng : 07:04, 25/08/2019
1. Thắt chặt tình đoàn kết quốc tế với nhân dân tiến bộ trên thế giới đã phát triển tới đỉnh cao trong thời đại Hồ Chí Minh. Theo đó, trong kháng chiến chống Pháp và những năm đầu chống Mỹ, với tinh thần "Giúp bạn là tự giúp mình", nhân dân Việt Nam đã hết lòng đoàn kết chiến đấu với nhân dân Lào, Campuchia chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Đồng thời, nhân dân ta đã tích cực góp phần vào cuộc đấu tranh của nhân dân tiến bộ thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn ghi nhận và biết ơn đối với những đóng góp to lớn, quý báu cả về tinh thần, vật chất của bạn bè quốc tế đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta. Đó cũng là biểu hiện của truyền thống đoàn kết, thủy chung, trọng tình, trọng nghĩa của dân tộc Việt Nam mà Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân cao đẹp nhất.
Hơn nữa, với trọng trách người lãnh đạo đất nước, Người mong rằng, Đảng ta và toàn thể nhân dân Việt Nam cần nêu cao vai trò, nghĩa vụ quốc tế, đóng góp thiết thực cho phong trào cách mạng thế giới đi đến thắng lợi.
Những dòng cuối trong Di chúc, Người tin tưởng và căn dặn: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới".
Thực hiện lời thề thiêng liêng trước anh linh Bác và Di chúc của Người, từ năm 1969 đến nay, trải qua nửa thế kỷ, nhân dân Việt Nam đã đoàn kết chặt chẽ với nhân dân Lào, Campuchia đấu tranh giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Đồng thời, giữ vững và tăng cường mối quan hệ đoàn kết với Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa anh em khác, tranh thủ sự giúp đỡ quan trọng của các nước bè bạn gần xa, góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Kháng chiến chống Mỹ kết thúc cũng là lúc nhân dân Campuchia lâm vào thảm họa diệt chủng, quân và dân Campuchia với sự giúp đỡ của Quân tình nguyện Việt Nam đã đánh đổ tập đoàn phản động Pol Pot - Ieng Sary, giải phóng đất nước Chùa Tháp, thành lập một chế độ mới. Thắng lợi đó là mốc son của tinh thần đoàn kết quốc tế trong sáng, thủy chung giữa hai dân tộc Việt Nam - Campuchia.
2. Từ sau năm 1986, công tác đối ngoại được Đảng ta đẩy mạnh thực hiện, song hành với đổi mới kinh tế. Đặc biệt, Đại hội VII của Đảng (năm 1991) đã xác định: “Việt Nam muốn là bạn với các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển”. Kiên định thực hiện chủ trương này, Việt Nam đã bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc vào tháng 11-1991, chủ động cải thiện quan hệ với các nước ASEAN, đấu tranh để Mỹ phá bỏ cấm vận và tiến tới bình thường hóa quan hệ với Việt Nam…
Đến năm 1995, Việt Nam đã phá thế bao vây, cấm vận, cô lập và mở rộng quan hệ với các nước và các tổ chức quốc tế. Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 188/193 quốc gia thành viên của Liên hợp quốc; thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược, Đối tác toàn diện với 30 quốc gia. Việc Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần 2, trúng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 với số phiếu gần như tuyệt đối (192/193) cho thấy sự tín nhiệm của bạn bè quốc tế và khả năng đóng góp giải quyết các vấn đề quốc tế và khu vực của Việt Nam.
Với tinh thần “Việt Nam là thành viên tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”, cùng với nhiều hoạt động quốc tế đa phương và song phương, ngày 25-5-2014, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc giai đoạn 2014-2020 và những năm tiếp theo”.
Theo đó, từ năm 2014, hai sĩ quan Việt Nam đầu tiên đã lên đường làm nhiệm vụ tại Nam Sudan, đánh dấu sự tham gia chính thức hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của Việt Nam. Tiếp đó, sau hơn 4 năm chuẩn bị, Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 gồm 63 người đã lên đường làm nhiệm vụ tại Nam Sudan vào đầu tháng 10-2018.
Đây là bước đột phá đầy ấn tượng, không chỉ thể hiện thiện chí, trách nhiệm, mà còn cho thấy sự cố gắng, năng lực của Việt Nam trong việc tham gia trực tiếp vào hoạt động gìn giữ hòa bình trên thế giới. Trong năm 2019 và những năm tiếp theo, Việt Nam tiếp tục đưa phân đội công binh, Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 và một số phân đội khác tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Những việc làm đó tiếp tục hiện thực hóa chủ trương của Đảng là “chủ động, tích cực tham gia các cơ chế đa phương về quốc phòng, an ninh, trong đó có việc tham gia các hoạt động hợp tác ở mức cao hơn như hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, diễn tập về an ninh phi truyền thống và các hoạt động khác”.
Như vậy, lời thề thứ tư trước anh linh Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta kiên định thực hiện trong 50 năm qua. Trong giai đoạn cách mạng mới, chúng ta cần tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội XII của Đảng: “Mở rộng và đưa vào chiều sâu các quan hệ đối ngoại; tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, thực hiện hiệu quả hội nhập quốc tế trong điều kiện mới, tiếp tục nâng cao vị thế và uy tín của đất nước trên trường quốc tế”; đồng thời, tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết số 22-NQ/TƯ ngày 10-4-2013 của Bộ Chính trị (khóa XI) “Về hội nhập quốc tế”; Nghị quyết số 06-NQ/TƯ ngày 5-11-2016 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) “Về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới”; Chỉ thị số 25-CT/TƯ ngày 8-8-2018 của Ban Bí thư (khóa XII) “Về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030”... Đó cũng là những biện pháp thiết thực để tiếp tục nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, đưa Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu như Bác Hồ hằng mong đợi!