10 cá nhân tiêu biểu trong học tập và làm theo Bác
Đời sống - Ngày đăng : 15:33, 26/08/2019
1. Ông Nguyễn Văn Quỳnh (SN 1952) - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thị trấn Trạm Trôi, huyện Hoài Đức, Hà Nội, với nhiều đóng góp trong phong trào thi đua ở cơ sở.
Ông Nguyễn Văn Quỳnh đã có 38 năm phục vụ trong Quân đội, được trao tặng Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác.
Từ khi về nghỉ hưu tại địa phương (5-2012), phát huy truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, ông tiếp tục tham gia công tác Hội cựu chiến binh. Ông đã cùng Ban Chấp hành Hội duy trì hoạt động của tổ vay vốn và tiết kiệm đạt hiệu quả tốt, đã tạo điều kiện cho gần 60 lượt hộ gia đình cựu chiến binh tiếp cận vay vốn ưu đãi để phát triển kinh tế.
Đặc biệt, phong trào nuôi lợn nhựa tiết kiệm ủng hộ quỹ khuyến học của Hội được duy trì và lan tỏa sâu rộng trong cán bộ, hội viên. Đã có trên 100 lượt hội viên tham gia nuôi lợn nhựa tiết kiệm. Hội đã trao thưởng khuyến học cho 215 lượt học sinh là con cháu hội viên cựu chiến binh học giỏi và thi đỗ vào các trường đại học với trị giá hơn 22 triệu đồng.
2. Ông Nguyễn Danh Chiến (SN 1976) - Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng Trường THPT Cao Bá Quát, huyện Quốc Oai, Hà Nội.
Với gần 20 năm công tác trong ngành Giáo dục, ông Nguyễn Danh Chiến đã góp phần đưa Trường THPT Cao Bá Quát bước sang giai đoạn phát triển mới.
Hưởng ứng phong trào thi đua học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, ông luôn gương mẫu giữ gìn đạo đức nhà giáo, chỉ đạo hiệu quả các hoạt động dạy học và giáo dục trong nhà trường, tích cực tham gia các hoạt động vì cộng đồng, vì môi trường, công tác từ thiện và lan tỏa những giá trị tốt đẹp đến nhiều người.
Ông được công nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở 9 năm liền; được nhiều bộ, ban, ngành tặng Bằng khen...
3. Ông Nguyễn Khánh Toàn (SN 1935) - Quản trang tận tình, chu đáo tại nghĩa trang liệt sĩ thị trấn Phú Xuyên, huyện Phú Xuyên, Hà Nội.
Tham gia chiến đấu tại chiến trường miền Đông Nam Bộ từ năm 1967, hai lần bị thương tại chiến trường Tây Ninh với thương tật 61%, phục viên năm 1976, thương binh Nguyễn Khánh Toàn vẫn tiếp tục tham gia công tác ở địa phương.
Từ năm 1986, ông nhận trông nom nghĩa trang liệt sĩ thị trấn Phú Xuyên và luôn phục vụ với tinh thần trách nhiệm cao. Ông thường xuyên có mặt ở nghĩa trang ngày cũng như đêm, quét dọn vệ sinh sạch sẽ... Tuổi đã cao, sức đã giảm, vết thương trong đầu thỉnh thoảng đau tấy nhưng ông vẫn tận tình, chu đáo với công việc, nêu gương sáng về nghĩa tình đối với đồng đội.
4. Bà Nguyễn Thị Hồng (SN 1980) - Giám đốc Công ty cổ phần Dược thảo Thiên Phúc, xã Dân Hòa, huyện Thanh Oai, Hà Nội.
Là giám đốc Công ty cổ phần Dược thảo Thiên Phúc, bà Nguyễn Thị Hồng luôn năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn đổi mới, đầu tư máy móc thiết bị, công nghệ vào sản xuất.
Năm 2017, công ty của bà được Bộ Khoa học và Công nghệ nghiệm thu và giao bảo tồn các giống gen quý về Đông trùng hạ thảo tại Việt Nam. Hiện công ty có hai cơ sở nuôi trồng Đông trùng hạ thảo theo quy trình công nghệ ở Thanh Oai, Hà Nội và Đà Lạt, Lâm Đồng.
Cùng với nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật và sản xuất kinh doanh giỏi, bà Nguyễn Thị Hồng còn tham gia vào nhiều hoạt động xã hội có ý nghĩa trên địa bàn thành phố. Với những đóng góp tích cực, bà đã được nhận nhiều phần thưởng cao quý: Giải thưởng “Bông hồng thép” của Hội Phụ nữ Việt Nam; Cúp vàng “Nhà quản lý tiêu biểu đổi mới sáng tạo”; Giải thưởng “Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam” (năm 2015)...
5. Bà Nguyễn Thị Kim Đức (SN 1952) - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Tiên Dược, huyện Sóc Sơn, Hà Nội.
Từ năm 2011 đến nay, bà Đức đã cùng Hội Chữ thập đỏ xã Tiên Dược vận động các tổ chức, các nhà hảo tâm tặng quà Tết hộ nghèo và nạn nhân chất độc da cam cho 150-170 trường hợp, trị giá 70 triệu đồng/năm; trợ cấp khó khăn đột xuất cho 15-18 trường hợp, trị giá 30 triệu đồng/năm; vận động duy trì 2 bữa cháo từ thiện/tuần tại Bệnh viện Đa khoa Sóc Sơn trong nhiều năm...
Bà còn trực tiếp cùng Hội quyên góp, vận động tặng quà người cao tuổi, hộ nghèo các tỉnh miền núi trị giá trên 80 triệu đồng/năm, vận động cứu trợ các vùng bị thiên tai, lũ lụt hằng năm trị giá 100 triệu đồng/đợt...
6. Ông Đinh Xuân Huy (SN 1972) - Thạc sĩ, bác sĩ, Phó Trưởng khoa Phẫu thuật Tim trẻ em, Bệnh viện Tim Hà Nội.
Là bác sĩ ngoại khoa, trong suốt 15 năm công tác, bác sĩ Đinh Xuân Huy luôn phấn đấu và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Với trình độ tay nghề vững vàng và sự nỗ lực trong công tác chuyên môn, bác sĩ Huy đã cứu chữa thành công nhiều ca bệnh hiểm nghèo, mang lại cho người bệnh và các em nhỏ trái tim lành lặn.
7. Ông Trần Văn Hiệp (SN 1967) - Giám đốc Công ty TNHH Hiệp Hạnh, thôn Nhật Tiến, xã Trường Yên, huyện Chương Mỹ, Hà Nội.
Thích làm việc thiện, luôn sẵn sàng chia sẻ khó khăn với những người xung quanh mà không muốn nhận lại bất cứ điều gì, dù chỉ là lời khen, ông Trần Văn Hiệp được bà con nhân dân trong xã Trường Yên yêu mến và quý trọng.
Tháng 10-2017, nghe tin 3 xã của huyện Chương Mỹ bị ngật lụt nặng, ông Hiệp đã ủng hộ 3 tấn gạo và nhiệt tình đội mưa, vượt lũ phân phát đến tận tay người dân.
Cuối năm 2018, ông Hiệp đã tổ chức thành công bữa ăn thiện nguyên cho bệnh nhân nghèo tại Bệnh viện Đa khoa Chương Mỹ (mỗi tuần 2 buổi với khoảng 120 - 150 suất ăn). Nhờ những bữa ăn thiện nguyện đó, các bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn phần nào yên tâm điều trị bệnh.
8. Ông Trịnh Thanh Phi (SN 1947) - Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Sau 41 năm phục vụ trong quân ngũ, đầu năm 2008, Đại tá Trịnh Thanh Phi nghỉ hưu. Về với đời thường, ông vẫn tích cực tham gia công tác ở địa phương và luôn gương mẫu, trách nhiệm, hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao.
Từ năm 2011 đến nay, mỗi tháng gia đình ông tiết kiệm 100.000 đồng ủng hộ Quỹ Từ thiện nhân đạo “Vì người nghèo” của phường. Năm 2014, ông đoạt giải Nhất Hội thi tuyên truyền về lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam và tư tưởng Hồ Chí Minh do Quận ủy Hoàn Kiếm tổ chức và đã dành tặng số tiền thưởng rất ý nghĩa đó cho Hội Cựu chiến binh, Hội Liên hiệp phụ nữ phường làm quà Tết tặng các hội viên có hoàn cảnh khó khăn.
Quá trình tham gia công tác ở cơ sở, ông đã nhiều lần được Quận ủy, UBND quận biểu dương, khen thưởng trên các lĩnh vực công tác.
9. Ông Đỗ Văn Đang (SN 1969) - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Trung Châu, huyện Đan Phượng, Hà Nội.
Từ một xã thuần nông, thu nhập bình quân năm 2008 chỉ đạt 5,26 triệu đồng/người, Bí thư Đỗ Văn Đang cùng tập thể Đảng ủy, chính quyền xã Trung Châu mạnh dạn lãnh đạo nhân dân tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất. Năm 2018, thu nhập bình quân của xã đã đạt 46,3 triệu đồng/người/năm.
Với quyết tâm cao, ông Đang đã cùng lãnh đạo địa phương tập trung giải quyết dứt điểm việc tranh chấp ranh giới giữa xã Trung Châu, huyện Đan Phượng với xã Vân Hà, huyện Phúc Thọ. Đặc biệt, năm 2018, ông Đang cùng cấp ủy, chính quyền đưa 32 hộ dân của làng chài Vạn Vỹ với 133 nhân khẩu lên bờ, giao đất ở để ổn định cuộc sống.
10. Ông Nguyễn Xuân Thủy (SN 1963) - Bí thư chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Lâm Hộ, xã Thanh Lâm, huyện Mê Linh, Hà Nội.
Với vai trò là Bí thư chi bộ, ông Nguyễn Xuân Thủy cùng với các ban, ngành, đoàn thể trong thôn vận động nhân dân đóng góp xây dựng các quỹ Đền ơn đáp nghĩa, Vì người nghèo, Vì biển đảo Việt Nam được hàng chục triệu đồng…
Thực hiện đề án xây dựng nông thôn mới ở địa phương, ông cùng cấp ủy thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động để tạo sự đồng thuận trong nhân dân, huy động các nguồn lực tham gia xây dựng nông thôn mới. Tiêu biểu như, nhân dân tham gia làm sân, mua sắm trang thiết bị cho nhà văn hóa; nhiều gia đình đã hiến đất làm đường giao thông xóm, ngõ...