Vượt khó khăn, thi đua dạy tốt, học tốt
Giáo dục - Ngày đăng : 06:39, 28/08/2019
Nhớ lời Bác dặn
Thành lập năm 1908, Trường Trung học phổ thông Chu Văn An (số 10, phố Thụy Khuê, quận Tây Hồ) không chỉ là cơ sở đào tạo có bề dày truyền thống, mà còn được biết đến là ngôi trường đã vinh dự được đón Bác Hồ tới thăm 5 lần.
Tiếp chúng tôi vào một ngày gần cuối tháng 8, cô giáo Lê Mai Anh, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Chu Văn An đã hào hứng chia sẻ về lịch sử phát triển của nhà trường, thành tích năm học 2018-2019, tiêu biểu là kết quả học tập của lớp song bằng tú tài quốc gia Việt Nam và tú tài Anh quốc. Nhớ lại lịch sử phát triển của trường, cô giáo Lê Mai Anh kể, ngày 31-12-1958, khi tới thăm, nói chuyện với học sinh, giáo viên của trường, Bác căn dặn : “Các thầy dạy bảo tốt/ Các cháu học tập tốt/ Mọi người lao động tốt/ Cả trường đoàn kết tốt”. Nhớ lời Bác dặn, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, các thế hệ thầy, trò nhà trường luôn luôn đoàn kết, nỗ lực thi đua đạt nhiều thành tích trong giảng dạy, học tập, trở thành trường trọng điểm quốc gia với trọng trách đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.
Tự hào khi học dưới mái trường vinh dự 5 lần đón Bác về thăm, em Ngô Hồng Quân, học sinh lớp 12 chuyên văn của trường bộc bạch: “Thực hiện lời dạy của Bác, chúng em luôn hứa sẽ ra sức học tập, rèn luyện thật tốt, góp phần đưa đất nước sánh vai với các cường quốc năm châu”.
Với sự đoàn kết, nỗ lực của tập thể thầy, trò, Trường Trung học phổ thông Chu Văn An đã được tặng nhiều phần thưởng cao quý, trong đó có danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới và Huân chương Độc lập hạng Nhất.
Cũng là một ngôi trường có bề dày lịch sử hơn 100 năm tuổi, Trường Trung học cơ sở Trưng Vương (số 26, phố Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm) đã vinh dự đón Bác Hồ đến thăm nhiều lần. Từ khóa học đầu tiên chỉ có 10 nữ sinh, đến nay quy mô của nhà trường đã tăng lên gần 2.500 học sinh. Với truyền thống “Thầy dạy hay, trò học tốt”, Trường Trung học cơ sở Trưng Vương được biết đến với nhiều tài năng nổi tiếng như Giáo sư Hoàng Xuân Sính (nữ Tiến sĩ khoa học ngành Toán đầu tiên của Việt Nam), Tiến sĩ Hoàng Lê Minh (học sinh Việt Nam đầu tiên giành Huy chương vàng Olympic Toán quốc tế năm 1974)… Nhà trường đã vinh dự được tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, Huân chương Độc lập hạng Nhì và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Có mặt tại trường vào những ngày này, có thể cảm nhận rõ không khí sôi nổi, háo hức của học trò nhà trường, khi vừa bước vào năm học mới 2019-2020. Cô giáo Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Trưng Vương khẳng định: "Cùng với niềm vinh dự khi được dạy, học ở ngôi trường được đón Bác về thăm nhiều lần, các thế hệ thầy, trò nhà trường luôn nhận thức rõ trách nhiệm của mình, quyết tâm khắc phục mọi khó khăn để thi đua dạy tốt, học tốt, trở thành điểm sáng của ngành Giáo dục Thủ đô".
Lan tỏa tinh thần học và làm theo Bác
Sau năm 1975, mặc dù đứng trước khó khăn không nhỏ khi phải thực hiện song song hai nhiệm vụ là khôi phục đất nước sau chiến tranh và nâng cao chất lượng giáo dục, nhưng quy mô ngành Giáo dục Thủ đô vẫn phát triển với gần 450.000 học sinh mầm non và phổ thông. Chất lượng chăm sóc, giáo dục cơ bản đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ, tạo đà cho sự phát triển những năm tiếp theo.
Thực hiện lời dạy: “Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt” của Bác, ngành Giáo dục Thủ đô đã vươn lên trở thành địa phương có sự phát triển mạnh mẽ và toàn diện với những điểm nhấn đáng tự hào. Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học vào năm 1990, hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở vào năm 1999… Từ năm 2008 đến nay, thực hiện Nghị quyết 15/2008/NQ-QH12 về điều chỉnh địa giới hành chính, mặc dù đối mặt với những khó khăn về sự chênh lệch điều kiện kinh tế - xã hội giữa các địa bàn, song chất lượng giáo dục của Hà Nội vẫn được giữ vững và có nhiều chuyển biến.
Học tập và làm theo gương Bác, bên cạnh việc tiếp tục triển khai phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt”, ngành Giáo dục đã cụ thể hóa bằng nhiều cuộc vận động ý nghĩa như “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, “Nhà trường văn hóa, nhà giáo mẫu mực, học sinh thanh lịch”… Theo bà Trần Thị Thu Hà, Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội, các cuộc vận động đã góp phần không nhỏ để đội ngũ nhà giáo Thủ đô ngày càng hoàn thiện về chuyên môn, kỹ năng và phẩm chất đạo đức, làm nền tảng nâng cao hơn nữa chất lượng giảng dạy. Đến nay, Hà Nội đã có 100% số giáo viên đứng lớp có trình độ đào tạo đạt chuẩn và số giáo viên có trình độ trên chuẩn cao hơn so với tỷ lệ trung bình của cả nước.
Cụ thể hóa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, ngành Giáo dục Thủ đô đã tích cực triển khai phong trào thi đua xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Các nguồn lực đầu tư cho giáo dục được tăng cường theo hướng đồng bộ, đạt chuẩn. Hiện tại, Hà Nội đã có gần 67% số trường công lập đạt chuẩn quốc gia, tạo điều kiện để học sinh được học tập trong môi trường giáo dục an toàn, có chất lượng, phát huy tối đa năng lực.
Sự đầu tư ấy đã góp phần làm nên những chuyển biến về chất lượng giáo dục. Hà Nội luôn nằm trong tốp các địa phương dẫn đầu cả nước về giáo dục. Năm học 2018-2019, học sinh Hà Nội dẫn đầu cả nước với 134 giải quốc gia và nhiều giải quốc tế. Việc tăng cường hội nhập quốc tế nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực tiếp tục được triển khai, bằng việc mở rộng đề án thí điểm đào tạo chương trình song bằng tú tài, tổ chức kỳ thi toán học Hà Nội mở rộng…
Tiến sĩ Chử Xuân Dũng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho rằng, những kết quả này là nền tảng để toàn ngành nỗ lực, đoàn kết, phát huy những thành tựu đã đạt được, quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, vươn lên dẫn đầu cả nước trong việc thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TƯ ngày 4-11-2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; tiếp tục xây dựng và làm lan tỏa nhiều tấm gương điển hình học và làm theo Bác.