Tâm thế nhập cuộc
Góc nhìn - Ngày đăng : 10:01, 29/08/2019
Đó là hai ý kiến gây phản ứng trái chiều, trong đó, nhiều người đưa ra dẫn chứng cho thấy sự việc không phải tồi tệ như đã được phản ánh. Đèn hoa được thả xuống biển với ý nghĩa nhân văn và ban tổ chức buổi lễ đã thực hiện phương án thu hồi rác thải ngay khi buổi lễ kết thúc, không để hoa, đèn hoa trôi ra biển. Những ý kiến bênh vực nhãn hàng nọ
thì cho rằng các cửa hàng trong chuỗi đang từng bước hạn chế việc sử dụng cốc, ống hút bằng nhựa... Tuy vậy, bất kể tính đúng - sai, từ những ý kiến nói trên vẫn có những thông điệp có ích về bảo vệ môi trường mà chúng ta có thể tiếp nhận, suy ngẫm và thay đổi hành vi. Thông điệp quan trọng nhất là bảo đảm sự nhất quán giữa lời nói và hành động: Các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm chung tay bảo vệ môi trường bằng hành động thực tế thay vì chỉ đưa ra thông điệp cổ vũ cộng đồng đúng “hot trend” (xu hướng đang được xã hội quan tâm) nhằm quảng bá thương hiệu hoặc hình ảnh cá nhân.
Tính cấp bách của yêu cầu hạn chế rác thải nhựa được xác định thông qua những gì diễn ra trong thực tế - cả trên thế giới và tại Việt Nam. Tháng 6-2019, báo cáo về môi trường của Liên hợp quốc được công bố cho thấy mỗi phút nhân loại tiêu dùng 1 triệu chai nhựa và hiện thế giới phải đối mặt với bài toán tiêu hủy đúng cách đối với hơn 9 tỷ tấn rác thải nhựa - loại rác thải không tự phân hủy trong vài trăm năm, gây hại cho đất, nước, cây trồng và sự sống nói chung. Đáng lo là Việt Nam bị xếp ở vị trí cao trong bản đồ các quốc gia có mức độ ô nhiễm lớn về rác thải nhựa do có số lượng lớn loại đồ dùng bằng nhựa được thải ra hằng năm... Thực tế đó cho thấy cần phải thúc đẩy hành động, một cách thực chất, trước khi quá muộn, nhằm ngăn chặn nguy cơ “ăn muối, uống nước có vi nhựa, không còn hải sản và phải bới rác để có chỗ ngồi trên bãi biển...” trong tương lai không xa.
Vấn nạn về rác thải nhựa có nguyên nhân từ con người và bởi vậy, giải pháp dù là gì thì cũng liên quan tới trách nhiệm hành động của cộng đồng. Chúng ta cần có ngày càng nhiều người biết cách tiêu dùng thông minh, biết từ chối những sản phẩm nhựa có hại cho môi trường. Chúng ta cần nhiều doanh nghiệp thể hiện quan điểm cân bằng giữa lợi ích và trách nhiệm cộng đồng bằng hành động thực tế; cần những sáng kiến, ý tưởng, dự án, chương trình tạo sản phẩm thay thế đồ dùng bằng nhựa và cần tiếng nói nhất quán của cộng đồng trong việc ủng hộ Chính phủ triển khai thực hiện các giải pháp với mục tiêu ngăn chặn thảm họa môi trường nói chung...
Những điều cần nói trên chỉ có thể trở thành hiện thực nếu cộng đồng cùng thay đổi nhận thức, nhận ra nghĩa vụ tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường nhằm góp phần duy trì sự sống bền vững. Nhưng nếu ngay cả trẻ em, như những gì truyền thông đã dẫn, có nhận thức tốt khi viết thư đề nghị không thả bóng bay trong ngày khai giảng hay từ chối chiếc túi nilon đựng thực phẩm thì các bà, các chị ngoài chợ vẫn không thể từ bỏ loại túi gây hại lâu dài cho môi trường nếu các doanh nghiệp, nhà nghiên cứu và cơ quan bảo vệ môi trường không tìm ra sản phẩm thay thế giúp họ.
Từ câu chuyện về mối hiểm họa liên quan tới rác thải nhựa, hướng tầm nhìn tới vấn đề bảo vệ môi trường nói chung, cần phải xác nhận rằng chúng ta đã có bước tiến về nhận thức. Xu hướng kiến trúc thân thiện với môi trường, xu hướng du lịch xanh, nhận diện thách thức về nguồn nước sạch, sự thức tỉnh về ý thức sử dụng đồ bao gói làm bằng nhựa của ngày càng nhiều người hơn, mối quan tâm thường trực về sự phát triển bền vững..., đó là điều dễ thấy.
Tuy vậy, hơn cả lời phàn nàn và thể hiện sự lo lắng, điều cần hơn cả lúc này là tâm thế nhập cuộc, thể hiện trách nhiệm và nghĩa vụ thông qua hành động hữu ích, đơn giản bởi sự tiến bộ mãi chỉ có trong mơ nếu bạn không chịu dấn bước.