Cần nhiều giải pháp đồng bộ để xây dựng thành phố thông minh
Khoa học - Công nghệ - Ngày đăng : 16:33, 29/08/2019
Một đô thị thông minh sẽ không thể bỏ qua việc tạo không gian làm việc vừa bảo đảm tiện ích, gọn nhẹ vừa tăng hiệu quả công việc cho người lao động. Đó là lý do mà chủ đề “Co-working” được đưa ra bàn luận tại hội thảo.
Co-working được hiểu là một phong cách làm việc, nơi mọi người chia sẻ không gian văn phòng có sức chứa cho cả trăm công ty cùng làm việc, sử dụng chung các khu vực và trang thiết bị để tránh lãng phí, tiết kiệm chi phí thuê văn phòng.
Tại phiên thảo luận về chủ đề “Co-working”, các chuyên gia đến từ Thái Lan, Singapore, Mỹ đồng quan điểm cho rằng để xây dựng được “Co-working” hiệu quả trước tiên cần phải đảm bảo cả hai yếu tố hạ tầng và không gian cộng đồng. Không gian làm việc phải bảo đảm việc cung cấp các dịch vụ tiện ích, thân thiện cho người lao động. Người lao động phải cảm thấy thoải mái như ở nhà, nơi họ có thể chia sẻ niềm vui với đồng nghiệp thay vì chỉ lo cho công việc của mình.
Những năm gần đây, tại những thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đẩy mạnh hoạt động đầu tư vào “Co-Working”. Nhiều trung tâm Co-working đã ra đời như: Regus, Toong và Up, NakedHub, WeWork hay mới đây là CoGo, Ucommune, JustCo, the Hive…
Một trong những chủ đề được quan tâm trong thảo luận về xây dựng “Đô thị thông minh” đó là việc giảm áp lực ùn tác giao thông; áp dụng khoa học công nghệ với các nền tảng số để hỗ trợ cho phát triển đô thị. Ông Michael Blakey (Anh) cho rằng, việc nhiều người dân sử phương tiện cá nhân nhiều hơn phương tiện công cộng khiến vấn đề ùn tắc giao thông diễn ra ở nhiều quốc gia. Để giải quyết vấn đề này, các thành phố nên tập trung xây dựng tốt hệ thống giao thông, phương tiện công cộng tiện lợi để người dân từ bỏ phương tiện cá nhân mà quay sang lựa chọn phương tiện công cộng.
Đóng góp ý kiến cho việc xây dựng thành phố thông minh, đại diện Tập đoàn VNPT cho biết, thời gian qua đã hỗ trợ thành phố Hà Nội triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý cũng như phát triển du lịch. Việc áp dụng công nghệ thông tin đã mang lại hiệu quả rất lớn, giúp người dân tương tác với chính quyền trong nhiều vấn đề như quản lý hạ tầng đô thị, giao thông, cấp thoát nước và dịch vụ công… Bên cạnh đó, các ứng dụng này cũng giúp phát triển du lịch thông qua ứng dụng Smart Tourism (hệ thống du lịch sinh thái). Người dân và du khách sẽ được cập nhật thông tin về Hà Nội như bản đồ trực tuyến, các địa chỉ siêu thị, nhà hàng, điểm đến…
Kết luận các phiên thảo luận, nhà báo Monty Munford (Mỹ) – người điều hành các phiên thảo luận cho rằng: Một thành phố thông minh không nhất thiết phải là thành phố công nghệ cao mà quan trọng là việc quản trị nó như thế nào.
Như vậy có thể thấy, để xây dựng một đô thị thông minh cần rất nhiều yếu tố, ở đó không chỉ là việc tạo dựng môi trường sống hiện đại, tiện ích cho người dân, môi trường làm việc cởi mở, thân thiện; áp dụng các công nghệ khoa học vào hoạt động quản lý mà còn cần phải giải quyết nhiều vấn đề cố hữu đang tồn tại tại các đô thị như: Ùn tắc giao thông, khói bụi…