Ứng dụng công nghệ trong quản lý dịch bệnh

Công nghệ - Ngày đăng : 06:31, 30/08/2019

(HNM) - Nhằm giúp việc quản lý ca bệnh sốt xuất huyết, theo dõi diễn biến và dự báo dịch bệnh, khoanh vùng ổ dịch, Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh phối hợp cùng Sở Y tế đã đưa hệ thống thông tin địa lý GIS (Geographical Information System) vào công tác quản lý dịch bệnh toàn thành phố.

Nhóm chuyên viên Trung tâm Ứng dụng hệ thống thông tin địa lý thành phố Hồ Chí Minh cập nhật dữ liệu trên “bản đồ số”.

Khoanh vùng dịch chính xác, nhanh chóng

Ông Phạm Quốc Phương, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng hệ thống thông tin địa lý thành phố Hồ Chí Minh (HCMGIS) - Sở Khoa học và Công nghệ cho biết, GIS được hiểu là công nghệ xử lý dữ liệu có tọa độ để biến chúng thành các thông tin trợ giúp nhà quản lý đưa ra những quyết định đúng trong từng thời điểm. Trong thời đại bùng nổ internet như hiện nay, GIS được kết hợp với công cụ web để dễ dàng phổ biến thông tin dữ liệu địa lý trên mạng. Ứng dụng này có tên gọi WebGIS.

Theo ông Phương, WebGIS được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực đời sống, như lập bản đồ quản lý dữ liệu tài nguyên đất, rừng, biển; khu vực khoáng sản; lập và quản lý địa chỉ, tuyến đường... Từ cuối năm 2016 đến nay, HCMGIS phối hợp với Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh triển khai ứng dụng WebGIS vào quản lý vùng dịch sốt xuất huyết. Qua 2 mùa dịch năm 2017, 2018 và đang trong mùa dịch sốt xuất huyết năm 2019, thành phố Hồ Chí Minh trở thành địa phương đầu tiên trên cả nước áp dụng WebGIS vào phòng chống dịch bệnh và phát huy hiệu quả tốt.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, bác sĩ Lê Hồng Nga, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm (Trung tâm Y tế dự phòng thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, trước đây việc quản lý dịch bệnh sốt xuất huyết được nhân viên y tế thống kê trên giấy hoặc phần mềm exel. Khi nhận được thông tin các trường hợp mắc bệnh do các bệnh viện chuyển đến, Trung tâm Y tế dự phòng sẽ tổng hợp, gửi về phường, xã xác minh. Khi cơ sở xác minh có bệnh nhân mắc bệnh tại địa chỉ, số nhà cụ thể, cơ quan chức năng sẽ đánh dấu điểm đó trên bản đồ giấy, từ đó lập bản đồ khoanh vùng dịch bệnh. Cách làm này vừa thiếu chính xác, vừa lâu, có khi mất cả tuần mới lập được bản đồ, nhưng địa chỉ bệnh nhân nhiều lúc không đúng với thực tế...

Từ khi có WebGIS, các địa chỉ nhà bệnh nhân với tên tuổi cụ thể được xác định chính xác trên bản đồ số bằng những chấm đỏ. Dữ liệu được cập nhật đầy đủ và gần như đồng thời giữa bệnh viện, Trung tâm Y tế dự phòng thành phố và các trạm y tế xã, phường qua môi trường internet. Bản đồ vùng dịch ngay lập tức được xác lập với độ chính xác cao. Mức độ dịch được thể hiện bằng các mảng màu khác nhau: Vùng mới phát bệnh trong 7 ngày có màu đỏ, lâu hơn sẽ là màu cam; sau 28 ngày vẫn còn bệnh, sẽ chuyển sang màu xám. "Nhìn vào bản đồ online, cán bộ y tế biết mức độ dịch từng vùng, từ đó có phương án dập dịch và phòng chống lây lan hữu hiệu", bác sĩ Nga nhận xét.

Số liệu từ Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, sau 3 năm triển khai ứng dụng WebGIS vào phòng chống dịch sốt xuất huyết, hệ thống đã kết nối được 81 bệnh viện, 319 phường, xã, 24.500 khu dân cư, ghi nhận hơn 100.000 ca bệnh, lập bản đồ khoanh vùng 440 ổ dịch, từ đó giúp ngành chức năng có phương án phòng chống hữu hiệu. Năm 2018, ứng dụng WebGIS trong khoanh vùng dịch sốt xuất huyết đã được UBND thành phố Hồ Chí Minh trao Giải thưởng Đổi mới sáng tạo.

Mở rộng ứng dụng trong phòng chống dịch bệnh

Các kỹ sư công nghệ đang khoanh vùng dịch sốt xuất huyết từ ứng dụng WebGIS.

Theo ông Quách Đồng Thắng, Trưởng phòng Phát triển công nghệ HCMGIS, hệ thống WebGIS quản lý bệnh truyền nhiễm đã chứng minh được hiệu quả của việc đổi mới sáng tạo trong công tác quản lý dịch bệnh trên địa bàn thành phố. Trước đây, việc quản lý dịch bệnh theo ranh giới hành chính trên bản đồ giấy. Hiện nay, công nghệ GIS cho phép lập bản đồ quản lý vùng dịch theo không gian, thậm chí còn dự báo được hướng lây lan của dịch bệnh, để có biện pháp phòng ngừa hiệu quả.

Phát huy những hiệu quả mà ứng dụng WebGIS mang lại trong xác lập bản đồ số, khoanh vùng dập dịch sốt xuất huyết, chống lây lan, Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh và HCMGIS tiếp tục phối hợp mở rộng sang theo dõi, quản lý các dịch bệnh khác. Đến nay, bản đồ số đã được xác lập cho các bệnh truyền nhiễm khác như: Zika, tay chân miệng.

Ông Phạm Quốc Phương, Giám đốc HCMGIS cho biết, thời gian tới, hai bên sẽ phối hợp lập bản đồ số để quản lý các dịch bệnh khác như thương hàn, cúm, ho gà, tiêu chảy... Riêng với bệnh sốt xuất huyết, công cụ WebGIS sẽ tiến thêm một bước trong việc lập bản đồ phun hóa chất diệt muỗi, dự báo vùng tác động của thuốc để phòng chống dịch bệnh tốt hơn.

Thông tin từ Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh cho biết, ứng dụng WebGIS trong phòng chống dịch bệnh cũng đang được chuyển giao cho Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội dưới hình thức thuê sử dụng từng tháng, để đánh giá hiệu quả trước khi quyết định triển khai thường xuyên trên quy mô lớn. Ngoài ra, đang có nhiều địa phương khác trong cả nước quan tâm đến ứng dụng này.

Không dừng lại ở đó, thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục ứng dụng GIS và chuyển giao công nghệ này cho các sở, ngành, quận, huyện trên địa bàn thành phố. Theo ông Nguyễn Khắc Thanh, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng Cổng thông tin địa lý HCMGIS Portal cung cấp nền tảng và chia sẻ dữ liệu địa lý. HCMGIS Portal đang có 64 lớp dữ liệu về dân số, vị trí cơ sở y tế, trường học, trạm xăng, ngân hàng, tuyến xe buýt... Người dùng có thể chọn xem từng lớp dữ liệu hoặc kết quả tổng hợp của chúng để phục vụ nhu cầu một cách chính xác và thuận tiện.

Gia Bảo