Kiến nghị điều chỉnh độ tuổi pháp lý của trẻ em lên dưới 18 tuổi
Đời sống - Ngày đăng : 11:38, 30/08/2019
Theo báo cáo nghiên cứu, Điều 1 Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em định nghĩa trẻ em là người dưới 18 tuổi. Trong khi đó, Điều 1 Luật Trẻ em năm 2016 của Việt Nam định nghĩa trẻ em là người dưới 16 tuổi.
Báo cáo nêu 4 yếu tố chính của việc điều chỉnh độ tuổi pháp lý của trẻ em ở Việt Nam lên dưới 18 tuổi: Sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và xã hội với việc bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em; yêu cầu từ hội nhập quốc tế của Việt Nam; yêu cầu từ việc bảo vệ, chăm sóc, giáo dục nhóm trẻ 16-17 tuổi; khả năng đáp ứng của Nhà nước khi điều chỉnh độ tuổi pháp lý của trẻ em lên dưới 18 tuổi.
Báo cáo cũng phân tích cụ thể những vấn đề thuận lợi và hạn chế, bất cập. Tiêu biểu là theo quy định hiện hành của Việt Nam, các em lứa tuổi 16-17 (khoảng gần 3 triệu trẻ ở thời điểm năm 2018), trong đó bao gồm hàng trăm nghìn em có hoàn cảnh đặc biệt, không được hưởng một số chính sách xã hội dành cho việc hỗ trợ, chăm sóc và bảo vệ trẻ em.
Theo nghiên cứu, nếu điều chỉnh độ tuổi trẻ em lên dưới 18 tuổi, chi tiêu ngân sách dành cho trẻ em tăng khoảng 800 tỷ đồng/năm (thời điểm năm 2018), chủ yếu cho lĩnh vực trợ cấp xã hội (khoảng 97 tỷ đồng).
“Mức chi thêm này chắc chắn sẽ không tạo ra áp lực lớn với ngân sách, hay với việc chi tiêu công của nước ta hiện nay”, PGS.TS Vũ Công Giao, Trưởng nhóm nghiên cứu khẳng định.
Nhóm nghiên cứu cho rằng, việc điều chỉnh độ tuổi pháp lý của trẻ em Việt Nam lên dưới 18 tuổi là phù hợp, cần thiết và sẽ có tác động tích cực trên tất cả các phương diện, đồng thời kiến nghị Quốc hội, Chính phủ sớm tiến hành xem xét, sửa đổi quy định tại Điều 1 của Luật Trẻ em năm 2016. Việc sửa đổi này cũng giúp Việt Nam tạo sự nhất quán về khái niệm trẻ em và người chưa thành niên trong hệ thống pháp luật quốc gia...