Tìm “lối thoát” cho ùn tắc giao thông tại cổng trường
Giao thông - Ngày đăng : 07:17, 30/08/2019
Để khắc phục tình trạng này, đã đến lúc các địa phương cần sớm có phương án cải thiện không gian tiếp cận trường học; phát triển hệ thống xe buýt học đường giúp học sinh có thể đến trường một cách thuận tiện, an toàn...
Từ giữa tháng 8-2019 đến nay, khi học sinh bắt đầu trở lại trường học thì giao thông tại các cổng trường lập tức trở về trạng thái căng thẳng. Tại hàng trăm điểm trường trên địa bàn Hà Nội, vào các khung giờ cao điểm, tình trạng phụ huynh dừng đỗ ô tô, xe máy dưới lòng đường, trên vỉa hè để đưa đón con đã gây ra ùn tắc nghiêm trọng. Điển hình như Trường Tiểu học, Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Thực nghiệm khoa học giáo dục (số 50-52 phố Liễu Giai, quận Ba Đình) ngày nào cũng xảy ra ùn tắc.
Chị Nguyễn Thị Vân (khu tập thể Kim Mã Thượng, phường Cống Vị, quận Ba Đình) bức xúc cho biết, vào giờ tan học luôn có tới vài chục xe ô tô cùng rất nhiều xe máy dừng, đỗ bừa bãi khiến cho cổng trường trở thành “điểm nghẽn”. Do vỉa hè không đủ rộng nên nhiều phụ huynh phải đứng tràn cả xuống lòng đường đợi đón con...
Nhằm khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông tại cổng trường, chính quyền và công an các địa phương cùng các nhà trường đã thực hiện nhiều giải pháp như bố trí lực lượng chốt trực tại chỗ kết hợp phân luồng từ xa; bố trí lệch giờ học; tăng cường tuyên truyền vận động phụ huynh tuân thủ các quy định về khu vực được dừng, đỗ xe...
Ví dụ như Trường Tiểu học Tràng An (quận Hoàn Kiếm) quy định giờ tan học của các khối cách nhau từ 5 đến 10 phút để số lượng người và phương tiện không bị tăng đột biến vào cùng một thời điểm. Trường Tiểu học Tây Sơn (quận Hai Bà Trưng) từ hơn một năm nay ngoài cổng chính ở phố Lê Đại Hành đã cải tạo, xây dựng thêm cổng mở ra phía đường Nguyễn Đình Chiểu kéo dài để có thể mở hai cổng cùng lúc nhằm tăng khả năng lưu thoát. Một số trường trung học phổ thông tổ chức các đội thanh niên tình nguyện hướng dẫn giao thông khu vực cổng trường trong giờ cao điểm...
Tuy nhiên, hiệu quả của các giải pháp trên còn hạn chế do nhu cầu đỗ xe quá lớn trong khi hạ tầng chật hẹp. Theo Trung tá Vũ Văn Hoài, Đội trưởng Đội Tuyên truyền (Phòng Cảnh sát giao thông - Công an thành phố Hà Nội), mỗi khi vắng bóng lực lượng chức năng, tình trạng lộn xộn tại cổng trường lại tái diễn. Trong khi việc duy trì lực lượng tại khắp các cổng trường là điều khó thực hiện.
Tắc đường tại các cổng trường không chỉ là câu chuyện của giao thông, mà còn là vấn đề xã hội. Tình trạng chọn trường, chọn lớp, học trái tuyến đã khiến cho quãng đường di chuyển từ nhà đến trường trở nên quá xa. Giao thông hỗn hợp thiếu an toàn, nên hầu hết các bậc phụ huynh đều chọn cách trực tiếp đưa - đón con em đến trường bằng phương tiện cá nhân. Xe buýt học đường dù đã có nhưng chủ yếu do các trường ngoài công lập triển khai nên mới đáp ứng được một phần nhu cầu rất nhỏ.
Để có “lối thoát” cho ùn tắc tại cổng trường, một trong những giải pháp quan trọng là buộc phải hoàn thiện hệ thống xe buýt học đường để học sinh có thể đến trường an toàn với mức chi phí phù hợp mà không cần sự đưa đón của bố mẹ. Xe buýt học đường sẽ chỉ hoạt động vào những khung giờ nhất định nhằm tránh ùn tắc. Khi đó, giải pháp bố trí lệch giờ làm của người lớn với giờ học của học sinh mới thực sự phát huy hiệu quả.
Ông Trần Hữu Minh, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho biết, hiện nay có khoảng 70% học sinh được cha mẹ đưa đón và 10% học sinh đến trường bằng phương tiện đưa đón của nhà trường. Do đó, các cơ quan chức năng cần sớm có phương án cải thiện không gian tiếp cận trường học và nghiên cứu các giải pháp giúp học sinh có thể sử dụng dịch vụ vận tải công cộng và phương tiện phi cơ giới (xe đạp), hoặc đi bộ để đến trường một cách thuận lợi, an toàn hơn. Khi đó, nguy cơ tai nạn giao thông cũng được kéo giảm. Giảm ùn tắc cũng giúp tiết kiệm chi phí cho xã hội.